Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão (PCLB) miền Trung - Tây Nguyên, 2 người chết do bão số 8 gồm 1 trường hợp ở Quảng Trị bị nước cuốn khi đi làm rẫy tại thượng nguồn sông Đắk Rông lúc 11 giờ ngày 18/9 (chưa rõ danh tính) và 1 người ở xã Ea Rốc, H.Ea Súp (Đắk Lắk) chết trên cây chưa rõ nguyên nhân.
|
Nhà dân ở Quảng Trị bị tốc mái do ảnh hưởng bão. |
Ngoài trường hợp A Lăng Mốp (20 tuổi, trú xã Ma Coi, H.Đông Giang, Quảng Nam) vượt sông Thanh bị nước cuốn mất tích sáng 17/9, xã Cư Kbang, H.Ea Súp, Đắk Lắk còn có 11 người mất tích đang được chính quyền địa phương xác minh danh tính và tích cực tìm kiếm.
Cũng theo Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, trong ba ngày 17 - 19/9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa lớn, phổ biến từ 180 - 230 mm và tập trung vào ngày 18/9.
Tuy bão số 8 đã tan, nhưng các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa đến mưa to khiến lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam lên và duy trì ở mức báo động 1 - 2, riêng trên sông Thạch Hãn và Vu Gia ở mức báo động 3.
Các sông ở Quảng Ngãi đã đạt đỉnh và xuống chậm, các sông ở khu vực bắc Tây Nguyên đang xuống chậm.
Dự báo hôm nay, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên xuống chậm và duy trì ở mức báo động 1, riêng trên các sông Kiến Giang, Nhật Lệ và Vu Gia ở mức báo động 2.
Mưa lớn kèm lũ dâng cao khiến dung tích các hồ chứa các tỉnh khu vực miền Trung phổ biến đạt từ 50 - 80%. Một số hồ sắp đầy, hoặc đã đầy, đang tiếp tục xả điều tiết như hồ Núi Ngang (Quảng Ngãi), Định Bình (Bình Định), Buôn Yong (Đăk Lăk), Ea Súp Thượng (Đắk Lắk), Krông Bút Hạ (Đắk Lắk).
Các hồ thủy điện có xả lũ là Ya Ly, PleiKrông (Kon Tum), Sê San 4, Sê San 4A (Gia Lai), Buôn Kuốp, Sêrêpôk 3 (Đắk Lắk).
|
Tỉnh Đắk Lắk thiệt hại nặng nề nhất trong đợt bão số 8 này.
|
Đắk Lắk ngập nặng, chia cắt, hồ đập ứ nước
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thành H.Ea H'leo Đăk Lăk bị ngập lụt tại Thị trấn Ea Drăng, xã Ea Khal, xã Ea Hiao, xã Ea Wy (thôn 5A, 4B, 1A, 4A), xã Cư Môk, xã Ea Tir, xã Cư Amung.
Toàn huyện có 14 nhà bị cuốn trôi (Thị trấn Ea Drăng 9 cái, xã Ea Khal 4 cái và xã Cư Amung 1 cái), 71 nhà bị ngập (Thị trấn Ea Drăng 57 cái, xã Cư Amung 14 cái), 5 ha lúa hư hại (xã Ea Hiao), 80 ha hoa màu, cà phê bị ngập (xã Cư Môk, xã Ea Tir, xã Cư Amung).
Còn tại H.Ea Súp bị ngập nặng ở xã YaTmốt (thôn 1, 2, 8, 10 và 12), xã EaRốc (thôn 6, 7, 15, 16, 17, 18 và buôn M’tha), xã CưKbang (thôn 5A, 5B, 6, 7).
Đến 14 giờ ngày 18/9, lực lượng H.Ea Súp đã giải cứu được toàn bộ 50 người dân (38 người xã Cư Kbang và 12 người xã Ea Rốc) bị cô lập do đi làm rẫy không về kịp khi nước suối lên nhanh.
Cầu EaKhal (QL14) bị ngập cục bộ, một số đoạn trên tỉnh lộ 1 và đường liên xã H.EaSúp, EaHleo cũng bị ngập.
Trong khi đó, đập Ia Jloi H.EaSúp xuất hiện sự cố rò rỉ khoảng 10 m dưới chân đập chưa rõ nguyên nhân và đang được khắc phục tạm thời.
Tại H.EaHleo, đập EaĐrăng nước đã tràn qua gây sạt lở ở thân đập, địa phương đã mở cửa xả tràn để hạ mực nước hồ và hiện đang khắc phục sự cố vỡ 2 m đập 86 xã Ea Ral.
Lượng nước đập Ea Gin H.Krông Búk đã vượt khả năng xả của tràn, đập Buôn Thia nước tràn qua thân đập, đập thủy điện xã Chứ Kbô đang thi công hạng mục tràn xã lũ nên việc thoát nước rất chậm.
Tính đến 6 giờ ngày 19/9 còn 11 tàu/137 ngư dân đang trú tránh ở Hoàng Sa chờ thời tiết tốt hơn tiếp tục đánh bắt.
Hai tàu cá Quảng Nam “mất liên lạc” đã vào bờ an toàn
Sáng nay 19/9, tin từ UBND xã Tam Hải và Tam Giang (H.Núi Thành), nơi có 2 tàu cá bị mất liên lạc, cho biết các tàu đã kịp cập bờ an toàn nhờ cơn bão chuyển hướng.
Trước đó, 2 tàu của ông Ngô Ri (xã Tam Hải) và Nguyễn Vinh (xã Tam Giang) mất liên lạc qua điện thoại với đất liền từ lúc 10 giờ hôm qua 18.9, khi đang còn cách bờ nhiều hải lý.
Cho đến 17 giờ chiều qua, 2 tàu này với tổng cộng 37 ngư dân vẫn không liên lạc được, dù UBND H.Núi Thành đã sớm yêu cầu Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Kỳ Hà, Đồn Biên phòng Tam Thanh, Hải đội 2 Biên phòng Quảng Nam và Vùng Cảnh sát biển 2 theo dõi thông tin để cứu hộ.
Tuy nhiên, cũng trong tối qua, hai tàu này đã kịp cập bờ an toàn.