Cháy TTTM Hải Dương: Ai phải chịu trách nhiệm?

Google News

(Kiến Thức) - Vụ cháy TTTM Hải Dương gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, khiến dư luận đặt ra câu hỏi ai, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ hỏa hoạn này?

Liên quan đến vụ cháy kinh hoàng tại TTTM Hải Dương gây thiệt hại lên đến 500 tỷ đồng, đẩy hàng trăm tiểu thương vào cảnh túng quẫn, đến hôm nay, cơ quan CSĐT, công an tỉnh Hải Dương vẫn đang điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra vụ cháy. 
 Cháy TTTM Hải Dương, ai phải chịu trách nhiệm?
Đến thời điểm sáng 18/9, khi trao đổi với PV Kiến Thức, nhiều tiểu thương kinh doanh tại TTTM đã bày tỏ những bức xúc khi cho rằng vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng là do Ban quản lý TTTM lơ là trong công tác PCCC, không mua bảo hiểm cháy nổ cho các hộ kinh doanh, lực lượng cứu hỏa chậm. Hầu hết các hộ kinh doanh tại TTTM Hải Dương đều đặt câu hỏi: Ai, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ cháy nghiêm trọng này?
Trao đổi với PV Kiến Thức về việc ai chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra vụ cháy nghiêm trọng tại TTTM Hải Dương, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh, cho biết, khi cơ quan CSĐT tìm ra nguyên nhân, cá nhân nào liên quan gây ra vụ cháy sẽ phải chịu trách nhiệm, bên cạnh đó trách nhiệm chính thuộc về Ban quản lý TTTM Hải Dương.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến phân tích, trách nhiệm thứ nhất thuộc về Ban quản lý TTTM Hải Dương khi không mua bảo hiểm cháy nổ cho các hộ kinh doanh.
Việc mua bảo hiểm cháy nổ với các tiểu thương là bắt buộc theo Nghị định 130/NĐ-CP/2006 của Chính phủ. Cụ thể, tại điều 6 quy định, những tài sản phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc gồm nhà, công trình kiến trúc và các trang thiết bị kèm theo; máy móc thiết bị; các loại hàng hoá, vật tư, tài sản khác mà giá trị của nó tính được thành tiền. Ở đây, TTTM Hải Dương là nơi kinh doanh hàng hóa thuộc tài sản bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ. 
Tại điều 22 về việc xử lý vi phạm và khiếu nại, tố cáo cũng nêu rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 
"Ở trong trường hợp này, có hai giả thiết được đặt ra, tiểu thương không mua bảo hiểm cháy nổ và Ban quản lý TTTM Hải Dương, cán bộ bảo hiểm không vận động họ mua. Nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về Ban quản lý TTTM Hải Dương”, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến nhận định.
 Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh.
Cũng theo Luật sư Tiến, Ban quản lý TTTM Hải Dương phải chịu trách nhiệm về vi phạm PCCC gây hậu quả nghiêm trọng.
Ban quản lý TTTM Hải Dương đã vi phạm quy định PCCC khi không chuẩn bị đầy đủ các thiết bị PCCC, không có biển chỉ dẫn thoát hiểm, không có bảng nội quy an toàn cháy nổ trong quá trình hoạt động, công tác an toàn phòng chống cháy nổ tại đây bị xem nhẹ, ngay bộ phận quản lý cũng rất chủ quan, lơ là trong công tác PCCC. Tùy từng mức độ vi phạm có thể xem xét truy tố tại Điều 240, Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm PCCC. Ở đây, dù không có thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại lớn về tài sản lên đến 500 tỷ đồng nên cần phải xem xét nghiêm túc.
Nói về trách nhiệm của lực lượng chữa cháy tại chỗ khi công tác chữa cháy chậm, LS Nguyễn Hoàng Tiến cho biết, rất khó để quy trách nhiệm cho lực lượng này. Nên chỉ có thể phê bình rút kinh nghiệm.
Từ những phân tích trên, LS Nguyễn Hoàng Tiến đề nghị, cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm tập thể cũng như cá nhân Ban quản lý TTTM Hải Dương.
Điều 240, Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm PCCC quy định:
Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm.
Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Hải Ninh

Bình luận(0)