7 tuổi nhử lính Mỹ vào ổ phục kích

Google News

(Kiến Thức) - Đại sứ Mỹ HenryCabot Lodge phát biểu: “Chuyện tồi tệ nhất đã xảy ra với quân đội của tôi khi một đứa bé gái 7 tuổi nhử chúng tôi vào trận địa phục kích của bộ đội Bắc Việt”. 

Định mệnh
Đầu tháng 10/2013, tôi đến thôn Kiệu Bắc, xã Cẩm Lý, Lục Nam, Bắc Giang để thực hiện bài viết về ông Nguyễn Nam Quách từng là lính đặc công nước, chiến đấu tại chiến trường miền Tây Nam Bộ, được địch treo giải thưởng 500.000USD cho ai bắt được ông. Trong cuộc gặp ấy, ông Quách kể rằng, vào buổi sáng một ngày cuối năm 1972, có một phụ nữ và một bé gái chừng 12 tuổi đến báo tin, dặn ông phải cẩn mật bởi quân địch đã dán cả hình của ông ngoài Thị xã Cà Mau. Những thông tin ấy đã được đăng tải trong loạt bài viết “Chìm nổi đời lính đặc công giá nửa triệu đô” vào hạ tuần tháng 10.
Câu chuyện về phần thưởng 500.000USD tưởng như sẽ không có gì phải bàn cãi, cho đến khi tòa soạn nhận được công văn của Cục Chính trị Quân khu 9 viết rằng ông Quách đã thiếu trung thực về thành tích chiến đấu, trong đó có chuyện được Mỹ treo thưởng. Một ngày giữa tháng 3/2014, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ số máy lạ. Chị xưng là Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1961, là chiến sĩ tình báo và cũng chính là đứa bé gái đến báo tin cho ông Quách. Cuộc gặp giữa chúng tôi được ấn định, tại chính ngôi nhà của ông Quách ở thôn Kiệu Bắc. Cũng từ đó, số phận người phụ nữ ấy dần dần được hé mở.
Tôi tin vào chữ duyên trong đạo Phật và nhủ rằng cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi là một cơ duyên. Còn chị thì bảo, đó là định mệnh. Bởi đây là lần đầu tiên, chị chia sẻ công khai câu chuyện cuộc đời mình. Cuộc đời ấy giống như một huyền thoại với nhiều chi tiết hư hư thực thực, đến mức người ta đã không chút ngần ngại khước từ việc làm hồ sơ để chị được hưởng chế độ cho người đã từng tham gia chiến đấu; dù cho những bằng khen, huân chương được chị treo đầy nhà, còn đồng đội - có người đã lấy danh dự của quân hàm cấp tướng ra để làm chứng cho chị. Bởi lẽ, chẳng ai tin đứa trẻ 6 tuổi đã “nhập ngũ”.
Chị Nguyễn Thị Lý từng là học sinh giỏi toán lớp 4 toàn miền Bắc khi đang học lớp 1. 
Thần đồng Kinh Bắc
Chị Lý sinh ra trong gia đình nghèo khó và có truyền thống cách mạng ở phố Chợ Lớn, Thị xã Bắc Ninh, tỉnh Hà Bắc (cũ). Bố chị, ông Nguyễn Viết Tài từng tham gia du kích chống thực dân Pháp, sau bị thương, về làm nghề thủ công gò đồng. Lý là người con thứ 5 trong gia đình có 7 chị em.
Vì gia cảnh quá nghèo, cô bé Lý được cha mẹ cho làm con nuôi bà Sánh làm nghề bán bánh. Mẹ nuôi đi từ sáng đến tối, sợ con chơi ở nhà bị ngã xuống ao nên đã gửi cho thầy giáo Tuyên dạy lớp 4A ở trường Bẩy Mẫu trong thị xã. Thương cô bé ngồi ngoài cửa sổ bị nắng, thầy cho Lý vào ngồi dãy ghế đầu tiên cùng các anh chị. Ngày ấy, vì trường không đủ phòng học nên phải chia làm hai ca: Buổi sáng lớp 4 học, buổi chiều là lớp 1. Vậy nên Lý được nghe bài học của cả hai lớp. Đến khi thầy hỏi em nào thuộc bài thì giơ tay, Lý cũng giơ khiến thầy rất ngạc nhiên. “Thấy tôi giải được toán lớp 4, thầy đã cho tôi mượn sách tập đọc rồi khuyên gia đình nên cho tôi đi học”, chị Lý nhớ lại.
Sau đó, Lý được gửi về nhà bà ngoại ở xã An Thịnh, huyện Gia Lương để đi học cùng anh trai. Nhiều hôm học xong, cô bé cũng mon men sang lớp anh nghe giảng. Vì đã từng “mài đũng quần” ở lớp của thầy Tuyên nên Lý nhắc bài cho các anh chị, bị thầy bắt gặp.
Câu chuyện cô bé lớp 1 biết giải bài tập của lớp 4 đã khiến thầy trò trường An Thịnh xôn xao. Trong đợt hái hoa chất lượng, Lý tham gia và đạt điểm tối đa. Vì thế, em được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi lớp 4 cấp huyện. Sau, cô bé được cử về Thị xã Bắc Ninh bồi dưỡng 20 ngày rồi lại thi và tiếp tục đỗ. Với kết quả ấy, Lý được học bồi dưỡng ở trường cấp I Bích Sơn, Việt Yên và đạt học sinh giỏi toán toàn miền Bắc cùng anh trai, được nhận thư khen của Ty Giáo dục Hà Bắc. Người ta nghĩ cô bé là thần đồng, vì mới học lớp 1 mà đã giải được toán lớp 4. Nhưng với những người biết chuyện, từ cha mẹ ruột, mẹ nuôi của Lý đến thầy Tuyên thì chẳng lấy gì làm bất ngờ.
Tháng 2/1967, Lý được đưa xuống Hà Nội. Lúc này, cô bé tròn 6 tuổi.
Vì có nước da trắng nên cô bé Nguyễn Thị Lý được nhuộm da để trở thành người Ba Na. 
“Lột xác”
Đến giờ, sau ngót 40 năm đã trôi qua song chị Lý vẫn nhớ rõ ngày mới về Hà Nội. Chị kể: Tôi được đưa đến Học viện Quân sự, gặp bác Lê Thanh Trưởng là chính ủy, bác Hiệu trưởng cùng bác Tuấn là giáo viên triết học của trường. Tôi được ở đó 5 ngày. Sau, bác Tuấn dẫn tôi đến gặp bác Nguyễn Ngọc Liên là điệp viên mật vụ của Cục 2 Bộ Quốc phòng, mã số A14. Chính bác Liên là người đưa tôi vào địa đạo Vĩnh Linh. Ở đó, tôi được bồi dưỡng nghiệp vụ về chuyên môn để làm quen với nghề nghiệp như nắm bắt các dự liệu cách đánh của tình báo, trinh sát địa hình.
Tháng 10/1967, Lý được đưa vào chiến trường Xiêm Riệp (Campuchia), vào Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 320. Đến tháng 12/1967, Lý được chuyển về Quy Nhơn, sau đó lên An Khê, đến Quốc lộ 19 khu đèo Mang Yang, khu vực sông Ayun.
Tại đây, Lý được giao cho bà Kpă Chong (chị gái của ông Kpă Thìn – tỉnh trưởng tỉnh Gia Lai), dưới thân phận là một đứa trẻ Ba Na. Ngày ngày, Lý theo bà đi hoạt động trinh sát nắm bắt tình hình vùng giáp ranh gồm các đồn bảo an, dân vệ, xem khu vực chỉ huy sở có bao nhiêu hàng rào dây thép gai, nơi nào gài mìn, nơi nào có mai phục... để về báo cáo lại cho bộ đội.
Lý giải cho việc vì sao vào được tận sở chỉ huy địch, chị Lý nhớ lại: Ngày ấy, em trai ông tỉnh trưởng là Kpă Thinh - Thiếu tướng theo Mỹ. Gia đình có bức ảnh đen trắng của ông này nên khi đi đâu, chỉ cần chìa tấm ảnh đó ra thì như một “bảo chứng” thông hành, vào đồn địch xin muối, xin đồ ăn rất dễ. Thế nhưng, xin được bao nhiêu muối, chúng tôi lại phải chia cho quân phản động để chúng cho phép đi sâu vào trong. Chúng còn chỉ cho chỗ nào có mìn, chỗ nào đi được. Vốn có trí nhớ tốt nên Lý đã nhớ được hết để về kể lại cho bộ đội.
“Da tôi trắng nên lúc đầu, các bác còn để nguyên. Khi vào đồn địch, chúng cứ nghĩ tôi là con lai nên rất thích. Thế nhưng, các bác suy nghĩ lại rằng nếu cứ để màu da tôi như vậy sẽ không có lợi, vì không giống màu da của người Ba Na nên rất dễ bị lộ. Vậy là mọi người lấy chàm trộn với bồ hóng và xà phòng 72, dùng giẻ lau hỗn hợp đó lên người tôi thành màu xanh đen giống dân bản địa. Tôi trở thành đứa trẻ Ba Na đúng nghĩa”, chị Lý kể.
Cũng từ đây, công việc trinh sát của Lý đã thuận lợi hơn rất nhiều. 
(còn nữa)
Ông Phạm Văn Hướng, Trưởng thôn Cường Tráng, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, Bắc Ninh xác nhận: “Bà Nguyễn Thị Thân là người thôn Cường Tráng và có hai người con là Nguyễn Viết Năm, Nguyễn Thị Lý đã sống và học tại xã An Thịnh, đạt học sinh giỏi toàn miền Bắc khi nước nhà chưa giải phóng”.
Thanh Thủy

Bình luận(0)