"Gia tài" ông mang về cho vợ con là những tấm huân huy chương, bằng khen ghi công chiến tích; là cả những mảnh đạn pháo vẫn "găm" trong thân mình. Tưởng như, người lính già ấy có thể mỉm cười bởi những tháng năm đã chiến đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc. Thế nhưng, ông vẫn luôn đau đáu nỗi niềm khi thấy mình "như một quả bóng" bị đá qua đá lại...
Ông là Nguyễn Nam Quách, 73 tuổi, ở thôn Kiệu Bắc, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, nguyên Tiểu đoàn trưởng Bộ đội đặc công Đoàn 8 Quân khu 9.
"Cả xã tự hào"
Để xác thực câu chuyện về nhân vật bị kẻ thù treo giải thưởng 500.000USD cho ai bắt được ông trong giai đoạn đầu những năm 70 của thế kỷ XX, khi mà cuộc chiến tranh đang diễn ra cam go, ác liệt trên chiến trường miền Nam, tôi đến Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Lục Nam. Thật tình cờ, anh Giáp Văn Tuấn, cán bộ phòng Thương binh - Liệt sĩ tiếp chuyện tôi cũng là người xã Cẩm Lý. Anh từng công tác tại xã, mới chuyển lên huyện. Thế nên, nội tình xã Cẩm Lý anh đều nắm khá rõ.
Mới nghe tôi đề cập đến cái tên Nguyễn Nam Quách, anh thay đổi hẳn tông giọng, hào hứng hẳn lên: "Cả xã tôi tự hào về ông đấy! Chuyện ông được treo thưởng 500.000USD, chúng tôi đều biết cả".
Còn anh Đào Đăng Trọng, cán bộ văn phòng Ủy ban xã Cẩm Lý xác nhận cùng nụ cười rất tươi: "Tôi đã từng đọc trong hồ sơ của ông có nhắc đến chuyện được giặc treo thưởng. Có cả người làm chứng kia. Thế nên, nói không ngoa chứ cái tên ông cũng làm rạng danh thêm cho xã".
Có gặp ông, tiếp chuyện cùng ông, tôi mới hiểu lời giới thiệu của hai vị cán bộ trẻ của huyện, của xã ở trên không hẳn là một lời đãi bôi, xã giao.
|
Ông Quách bên ngôi nhà đơn sơ của mình. |
"Tuổi thơ dữ dội"
Ngôi nhà của vợ chồng ông bà đơn sơ lắm, phải chăng bạt để ngày mưa gió không bị dột. Những tấm huân, huy chương được ông đặt trang trọng trong chiếc tủ gỗ, tất cả đã úa màu thời gian. Câu chuyện của ông trải dài theo ký ức dội về.
Ông kể, ông sinh năm 1940 trong gia đình gốc ở xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Cha mẹ ông sinh hạ được 3 người con trai, ông là con út. Mẹ ông vốn có máu cờ bạc. Vậy nên, khi cậu bé Quách chừng 3 - 4 tuổi, người mẹ vì ham bài bạc mà bị nhà chồng đuổi đi, phải bồng bế hai người con trai lớn lên mạn Lục Ngạn, Bắc Giang sinh sống. Cậu bé Quách ở lại với cha.
Rồi, cha cậu đi bước nữa. Nhưng người vợ kế ra điều kiện, buộc chồng phải trả đứa con cho mẹ ruột của nó mới chịu theo về làm lẽ. Một buổi sáng, người cha thu xếp đồ đạc, dắt cậu con trai 5 tuổi "đi thăm mẹ và các anh". Thế nhưng, người mẹ viện cớ đã nuôi hai đứa con rồi nên nhất định không nhận nuôi thêm Quách. Người cha lặng lẽ dắt con ra chợ Xa (xã Đan Hội, huyện Lục Nam), mua cho con nải chuối ngự rồi dặn cứ ngồi đó đợi cha đi mua bánh về.
Chẳng ngờ: "Đến xẩm tối cũng chẳng thấy cha đâu. Tôi òa khóc. Lúc sau, ông giáo Quế người gốc Nam Định lên đây làm nghề dạy học, mặc áo the, khăn xếp đi ngang qua, hỏi tôi có muốn đi theo không. Tôi lẽo đẽo theo sau ông về nhà. Cha ông thấy thế, bảo ông rằng vợ ông đang mang bầu, không thể nhận nuôi thêm đứa trẻ này. Hôm sau, cụ dắt tôi lên đồn Cẩm Lý xem có ai nhận về nuôi. Nhưng chẳng ai nhận. Lúc quay trở về, chúng tôi gặp cụ Lý Chuẩn nhà không có con trai, chỉ có hai con gái. Cụ Lý nhận tôi về nuôi, coi như con đẻ", ông Quách bùi ngùi nhớ lại.
Những ngày sống ở Cẩm Lý, cậu bé Quách được tận mắt chứng kiến cảnh giặc Pháp đốt nhà cửa, cướp lương thực, hãm hiếp phụ nữ, giết dân làng... Lòng căm thù quân giặc trong cậu cứ lớn dần, lớn dần.
10 tuổi, cậu bé Quách đi phu trên đồn Cẩm Lý. Nhờ đó, cậu đã lấy được nhiều thông tin giá trị cho du kích, từ việc quan sát và ghi nhớ lại xem trong đồn có bao nhiêu lô cốt, bao nhiêu lỗ châu mai, chúng bắn theo hướng nào, có bao nhiêu lính... đến việc lấy được 100 viên đạn mang về giao cho ông Điều là Xã đội phó. Cũng thời gian này, cậu còn được giao nhiệm vụ bảo vệ hầm bí mật của cán bộ, "đánh động" khi có giặc để cán bộ biết mà trú ẩn. Với những thành tích đó, Quách được thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì.
Hòa bình lập lại, ông Quách tham gia du kích để bảo vệ cho đội cải cách ruộng đất. Năm 1958, ông được cử đi học lớp kỹ thuật do tỉnh tổ chức. Cũng trong năm này, ông lập gia đình với bà Ngô Thị Bính, kém ông hai tuổi, biết nhau qua những tháng ngày đi phu trên đồn Cẩm Lý.
|
Bà Bính xác nhận: Mẹ con bà đã từng khốn đốn vì chồng bí mật vào Nam chiến đấu. |
Con trai suýt chết vì cha "biệt tích"
Miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, miền Nam lại chìm trong đau thương, tang tóc do bom đạn của đế quốc Mỹ. Non sông chưa thể thu về một mối.
Năm 1962, ông Quách nhập ngũ để bổ sung cho chiến trường, khi hai đứa con gái còn trứng gà trứng vịt. Binh chủng dù Lữ đoàn 305 nơi ông huấn luyện ở gần nhà, thi thoảng vẫn được về phép thăm vợ con. Năm 1964, đứa con trai thứ ba ra đời. Ba năm sau, binh chủng này giải thể, ông Quách được cử đi học lớp chính trị viên phân đội đặc công nước.
Cuối năm 1968, ông Quách cùng đơn vị nhận lệnh hành quân vào Đặc khu Hải Yến (Quân khu 9). Đại đội đặc công có 54 người, đi bộ từ ga Vinh, khi vào đến chân núi Bà Đen (Tây Ninh) chỉ còn 3 người do căn bệnh sốt rét rừng khiến đồng đội của ông lần lượt ngã xuống. Ba người gồm Đại đội phó, một chiến sĩ và ông Quách là chính trị viên phân đội. "Chúng tôi nằm ở chân núi Bà Đen được 3 tháng. Sau, sát nhập với đơn vị khác, lập Đại đội 6 được giao nhiệm vụ xuống Kiên Giang và Cà Mau để đánh tàu địch và cầu cống", ông kể.
Trong thời gian này, ở nhà ông đã xảy ra những biến cố mà mãi về sau ông mới biết. Biến cố lớn nhất, theo bà Ngô Thị Bính - vợ ông là chuyện đứa con thứ ba suýt bỏ mạng. Bà nhớ lại: Ông vào Nam khi đứa con trai chừng 4 tuổi. Chồng đi đâu, bà Bính không biết. Dò hỏi lên đơn vị cũng chẳng ai hay, chỉ biết ông "biệt tích". Người ta ì xèo bàn tán rằng ông đã chạy theo địch.
Cái tiếng "trong nhà có kẻ phản bội" khiến cho mẹ con bà bao phen khốn đốn. Cậu con trai bị đậu lào, bà bế con mềm oặt trên tay chạy lên bệnh viện huyện Lục Nam nhờ cứu giúp, nhưng người ta ngoảnh mặt quay đi, không muốn cứu giúp con của kẻ đào ngũ. Bà vẫn bám lại nơi hành lang bệnh viện, vì "còn biết chạy đi đâu được nữa. Có người bảo tôi mang đứa bé vào nhà xác đi. Tôi nhất quyết không. Sau thì người ta cũng thương tình mà cấp cho con tôi mấy liều thuốc. Trời phật thương vợ chồng tôi, thương con tôi nên đã cho nó sống", bà nghẹn ngào.
Mãi 3 năm sau, bà Bính mới được xác thực chuyện chồng đang chiến đấu trong Nam. Người ta cũng truy lĩnh tiền cho mẹ con bà trong ba năm ấy, vì có chồng đi chiến đấu.