Vì sao lính đặc công Việt được Mỹ treo thưởng nửa triệu đô?

Google News

(Kiến Thức) - Thời chiến tranh, ông là "Dũng sĩ diệt Mỹ". Thời bình, khi đã ở vào tuổi thất thập, ông chua chát mà rằng: "Đến lúc này, tôi như một quả bóng...".

"Đến lúc này, tôi như một quả bóng...".

Ở cái tuổi 73, dường như ký ức trong ông Nguyễn Nam Quách vẫn mồn một như mới hôm qua. Ngay cả cái tên người đảm bảo cho ông vào Đảng là Mai Xuân Lại và Hứa Văn Hiên, ông đều rõ cả đến chức vụ.

Vào Nam, ông Quách có biệt danh là Tư Quách. Tháng 1/1970, khi Đại đội 6 mới thành lập, ông giữ cấp bậc Thiếu úy, chức vụ Đại đội phó, trực tiếp lãnh đạo phân đội 1 nằm chốt tại huyện Năm Căn (Cà Mau). Ông cũng chỉ đạo đánh nhà bè của địch, tiêu diệt 200 tên, đánh chìm và cháy 4 mũi tàu, 2 máy bay trực thăng và phá hủy nhiều vũ khí, đạn dược khác. Sau trận này, ông Quách được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, đơn vị thưởng Quân công hạng 1.

Đầu tháng 3/1970, thừa lệnh của đồng chí Lê Đức Anh, Quân khu trưởng Quân khu 9, thủ trưởng Đoàn Đặc công 8 giao cho Đại đội 6 phải đánh tàu chỉ huy giang đoàn của hải quân Ngụy. Ông Quách cùng một chiến sĩ khác được giao phải tiêu diệt tàu chỉ huy của Sở, tiêu diệt 50 sĩ quan và lính, toàn bộ vũ khí và phương tiện bị phá hủy hoàn toàn. Ngày hôm sau, ông cùng một chiến sĩ đã đánh căn cứ thứ 11 Sư đoàn 21 Ngụy. Cũng thời gian này, ông Quách chỉ đạo phân đội 2 đánh giang đoàn ở Sông Cái, tàu chi viện Sư đoàn 21 Ngụy đóng tại chi khu Bà Thầy, huyện Mường Tế, tỉnh Cà Mau. Kết quả, 2 tàu bị đánh chìm.

Ba tháng sau, Đại đội phó Nguyễn Nam Quách chỉ huy 3 chiến sĩ đánh chìm cụm tàu 6 chiếc, 60 tên bị chết. Tháng 7/1970, ông cùng một đồng chí khác đánh chìm tàu chỉ huy chở hàng tại Rạch Hàng - sông Cái Tàu sát với đồn ông Sâu, huyện Mường Tế - Cà Mau. Hai ngày sau trận đánh, cơ sở của ta ở thị xã Cà Mau đến trực tiếp báo tin cho ông rằng địch đang treo giải cho ai bắt sống Tư Quách với phần thưởng 500.000USD, dặn ông phải cẩn thận. "Theo tin từ cơ sở, chúng miêu tả tôi là người cao, trắng trắng, tóc quăn, chuyên đánh tàu và đánh cầu cống", ông nhớ lại.

Tháng 1/1971, ông Quách bị thương khi đi kiểm tra mố cầu các chân cầu, chuẩn bị cho trận đánh sập hai tuyến đường Bần Ổi và Bến Luông thuộc huyện Hồng Dân, Sóc Trăng (đến bây giờ, nhiều mảnh của quả đạn M79 vẫn còn trên người ông). Hôm sau, ông lại cùng đồng đội chiến đấu tiếp, đơn vị đánh sập được hai cầu. Tổng kết lại, ông cùng đồng đội đã đánh chìm 100 tàu, được thưởng Huân chương hạng 1, 2, 3; phá hủy được 10 cầu cống, giết 500 tên địch, đơn vị được Nhà nước tuyên dương Anh hùng. Ông cùng hai chiến sĩ còn đánh chìm 2 tàu ở thị xã Vị Thanh, Hậu Giang.

Năm 1973, ông được phong là Tiểu đoàn trưởng đặc công nước. Tháng 9/1973, Tiểu đoàn đặc công nước giải thể. Đại đội 6 của ông Quách trực tiếp do Phòng Đặc công Quân khu 9 lãnh đạo. Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, Quân khu giải thể đại đội đặc công nước, chuyển sang phụ trách xe tăng, trực tiếp đánh quân Pôn Pốt (Campuchia). Sau, Đại đội 6 lại chuyển sang Tiểu đoàn Hải quân 962, ông Quách làm Tiểu đoàn Phó.

Năm 1978, ông được cử đi học bên Liên Xô đào tạo cán bộ cao cấp nhưng do sức khoẻ quá yếu nên không theo học được. Hai năm sau, ông Quách xin ra quân với sức khoẻ loại 3, mất sức lao động 61%. "Trong thời gian chiến đấu, có đôi ba lần cấp trên cân nhắc phong tặng anh hùng cho tôi, nhưng vì tôi là cán bộ chỉ huy nên đã nhường cho cấp dưới", ông kể.
Ông Quách cho phóng viên xem những giấy tờ liên quan. 

"Chẳng biết có sống được để chờ phong Anh hùng"

Trở về với cuộc sống đời thường, ông Quách nhận chế độ dành cho thương binh suy giảm khả năng lao động 21% (theo sổ sách của Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Lục Nam). Mỗi khi trái gió trở trời, ông lại bị hành hạ bởi những mảnh đạn pháo vẫn đang găm trên thân thể. Thế nhưng, ông tự nhận mình là người "may mắn hơn nhiều đồng đội khác đã không có ngày về".

Tình cờ, đầu tháng 8/2009, ông nghe chương trình Quân đội nhân dân trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, biết về việc Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ.

"Tôi ra xã đội hỏi, các anh ấy bảo làm hồ sơ gửi lên cấp trên. Thế nhưng, Huyện đội trả lời là thiếu giấy xác nhận của đơn vị cũ. Tôi khăn gói trở lại Quân khu 9, xin giấy xác nhận. Ngày 11/11/2009, Phòng Đặc công, Bộ Tham mưu Quân khu 9 có Giấy xác nhận số 11/09 gửi Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh Bắc Giang, trong đó ghi rõ "Đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh Bắc Giang xét đề nghị phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho đồng chí Nguyễn Nam Quách".

Tôi cũng gửi hồ sơ lên Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Ban lại chuyển về tỉnh. Ngày 14/10/2010, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Bắc Giang có văn bản số 1387/BCH về việc trả lời thư đề nghị tuyên dương danh hiệu AHLLVTND, nêu rõ: Bộ CHQS tỉnh đã kết thúc việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu AHLLVTND trong các cuộc kháng chiến từ ngày 30/8/2009, đồng thời hướng dẫn tôi liên hệ với Quân khu 9 để được giải quyết.

Ngày 28/5/2012, tôi lại vào Cục Chính trị Quân khu 9, giao nhận hồ sơ với phòng Đặc công. Ngày 28/8/2012, Phòng Đặc công - Bộ Tham mưu Quân khu 9 có văn bản số 08 trả lời đơn của tôi rằng, Bộ Tham mưu đã kết thúc việc tiếp nhận hồ sơ từ ngày 21/12/2011 (căn cứ thông báo 1874/TB-CT ngày 8 tháng 12 năm 2011 của Tổng cục Chính trị và thông báo 1312/CCT-TH ngày 21 tháng 12 năm 2011 của Cục Chính trị Quân khu 9), ông Quách kể.
Ông Nguyễn Nam Quách chua chát mà rằng: "Đến bây giờ, tôi như một quả bóng, đã bị các ban ngành đùn đẩy trách nhiệm né tránh để rồi cho là hết hạn về thời gian và phải về đơn vị cũ để giải quyết...". 

Không giấu được nỗi bức xúc, ông bảo: "Tôi làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng từ năm 2009 chứ không phải mới gần đây. Nếu các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt đúng thời gian thì tôi đã là AHLLVTND từ năm 2010 rồi kia".

Đoạn, ông chua chát mà rằng: "Đến bây giờ, tôi như một quả bóng, đã bị các ban ngành đùn đẩy trách nhiệm né tránh để rồi cho là hết hạn về thời gian và phải về đơn vị cũ để giải quyết. Thiết nghĩ, phấn đấu để được trở thành AHLLVTND phải trải qua cực kỳ khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Nay, để được cấp trên xét duyệt trở thành Anh hùng lại càng gian khó bội phần. Chẳng biết có sống được để chờ phong Anh hùng không nữa".

Ông nén tiếng thở dài. Ngoài kia, bóng tối đang dần loang. Cái dáng ông liêu xiêu đứng tiễn tôi cứ mờ dần, mờ dần. Chẳng biết, ông có còn đợi được...

Trong quá trình chiến đấu qua hai cuộc kháng chiến, ông Nguyễn Nam Quách được thưởng: 1 Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, 1 Huân chương chống Mỹ hạng Nhì, 7 Huân chương Chiến công giải phóng, 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng, 2 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 5 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 2 lần là Chiến sĩ thi đua cấp trung đoàn, 1 Giấy công nhận Cán bộ 4 tốt năm 1971, 8 Bằng khen Chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ông cũng lãnh đạo trực tiếp Đại đội 6 được phong Anh hùng năm 1971.
Thanh Thủy

Bình luận(2)

Minh Hiền

Phạm đức

Xứng đáng phong quân hàm Tướng

Minh Hiền

Lê Đình Khuê

Thưa ông ! tôi cũng là 1 người lính đánh giặc ở miền Đông Nam Bộ từ những năm 1965 ,qua bài báo này biết ông ở Miền Tây khu 9 nhưng tôi rất ngạc nhiên khi biết ông đang làm đơn để xin phong danh hiệu Anh Hùng ... Điều này theo cá nhân tôi nó không giống với bản chất của những đồng đội tôi đã vào sinh ra tử khắp mọi nẻo chiến trường miền nam xin lỗi ông tôi thấy nó hèn hèn thế nào ấy . Mình dấn thân cho tổ quốc không toan tính đến thiệt hơn ,chẳng màng đến công danh mà chỉ lo không được góp sức ,bản chất sự việc đó ,bản chất cuộc chiến đó đã là Anh hùng rồi .Đủ cho mình tự hào và kiêu hãnh với cuộc đời rồi sao phải xin ai chứng nhận ,phong tặng ta đều đã vào tuổi Ông tuổi Cụ rồi sao phải để lũ trẻ ranh nó nhận xét cho mình ?... Vài dòng mạo muội mong ông chớ giận , mong ông giữ gìn sức khỏe sống đúng với bản lĩnh Anh hùng của mình " HỮU XẠ TỰ NHIÊN HƯƠNG" thưa Ông ./.