Không ai lấy trí tuệ để thế chấp ngân hàng!

Google News

(Kiến Thức) - "Nhà khoa học chỉ có trí tuệ, có bằng sáng chế mà không ngân hàng nào lấy những cái đó làm thế chấp cả".

Vay được vốn mất nhiều thủ tục lắm!

Ngày 8/5, nhiều ngân hàng đồng loạt giảm trần lãi suất cho doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn. Là lãnh đạo một doanh nghiệp khoa học, ông nhìn nhận thế nào về điều này?

Nhưng để việc giảm lãi suất thực sự có hiệu quả thì cần phải giảm những khó khăn trong thủ tục hành chính nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Chứ nếu các quy trình thủ tục phức tạp thì việc giảm lãi suất cũng không mấy ý nghĩa.

Ông đang nhấn mạnh đến việc tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính?

Tôi nghĩ thủ tục hành chính của tất cả các lĩnh vực đều có chỗ cần sửa. Riêng trong lĩnh vực ngân hàng tài chính thì khâu mà doanh nghiệp mong mỏi chính là thủ tục vay vốn. Nhưng doanh nghiệp khoa học là những người đói vốn nhất. Họ chỉ có trí tuệ, bằng sáng chế, sản phẩm khoa học. Mà không ngân hàng nào nhận thế chấp những thứ đó cả. Vậy thì doanh nghiệp khoa học khó phát triển cũng là đúng rồi. 

Nhưng ngân hàng làm việc thì cũng phải có nguyên tắc?

Đúng thế. Nhưng phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học. Đơn giản nhất là vận động người Việt dùng hàng Việt. Các nhà khoa học trong nước hiện nghiên cứu ra rất nhiều sản phẩm với chất lượng tốt, giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện Việt Nam mà không được thị trường đón nhận. Phải có cơ chế để hỗ trợ những người sử dụng, ứng dụng sản phẩm đó.

Hiện nay, các chính sách đối với doanh nghiệp khoa học như của ông thế nào?

Nhà nước có chính sách hỗ trợ các nhà khoa học bằng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Các doanh nghiệp khoa học được sử dụng 2 nguồn vốn là vay vốn với lãi suất 0% và được hỗ trợ 1/3 kinh phí để làm các đề tài phát triển khoa học công nghệ. Nhưng phải có vốn đối ứng mới có thể vay được. Việc này cũng rất khó khăn, không phải doanh nghiệp khoa học nào cũng làm được.

Để vay được vốn đó có khó không ạ?

Việc vay tiền từ quỹ thường có những thủ tục khá kỹ lưỡng và phức tạp. 

TS Lê Văn Tri, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Fitohoocmon.

Doanh nghiệp "biến thái" sẽ thất bại

Ông đã bao giờ ra ngân hàng vay tiền để phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình?

Lúc mới thành lập doanh nghiệp, tôi cũng phải ra ngân hàng vay tiền để xuất 2 lô hàng khoai tây nảy mầm bằng công nghệ của chúng tôi sang Liên Xô. Lúc đó việc vay vốn khá khó khăn. Sau việc đó, tôi thấy nếu tôi bỏ khoa học, theo con đường thương mại thì cơ hội để làm giàu cũng lớn lắm. 

Ông có ân hận không?

Tôi không ân hận gì cả. Được làm khoa học, kinh doanh bằng khoa học, với tôi đó là thành công rồi.

Các nhà khoa học cũng làm doanh nghiệp như ông thì sao?

Tôi biết cũng nhiều nhà khoa học làm doanh nghiệp và đã thất bại. Có hai kiểu thất bại: Do không cân nhắc được đầu ra của sản phẩm. Tưởng như sản phẩm làm ra tốt, đầu tư nhiều và không thu hồi được. Thứ hai là doanh nghiệp khoa học, bán ra thị trường với giá của sản phẩm khoa học, lợi nhuận thấp, chậm. Đến lúc nào đó thấy nó chậm quá, họ lấy tiền đầu tư sang lĩnh vực khác không đúng chuyên môn.

Tôi không hiểu lắm khi ông nói về việc đầu tư sang lĩnh vực không đúng chuyên môn?

Thất bại chính là việc đầu tư trái ngạch ấy. Doanh nghiệp khoa học mà bị "biến thái" thì khó bền vững, dễ thất bại. Thực tế có nhiều doanh nghiệp khoa học đã thất bại như vậy. Giống như một kỹ sư điện tử rất thành công khi làm 1 con chip, nhưng sẽ thất bại nếu tham vọng một mình mình làm thành một chiếc ti vi.

Ông có ý định vay vốn mở rộng sản xuất trong thời điểm này?

Nếu có đầu ra tốt thì tôi sẽ vay. Vì vốn không phải là yếu tố đầu tiên. Phải có đầu ra, tổ chức sản xuất tốt thì mới cần vốn. Vốn chỉ là yếu tố thứ 3 thôi. Đối với tôi thì việc giảm lãi suất này không có nhiều ý nghĩa trực tiếp. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp khác, chẳng hạn như các đối tác của chúng tôi, được hỗ trợ vốn thì nó sẽ tạo ra dòng lưu thông thị trường tốt.

"Chúng tôi chưa có chỉ đạo"

Lấy khoa học để kinh doanh có khó không thưa ông?

Doanh nghiệp khoa học được thành lập theo hai hình thức. Có doanh nghiệp đi mua các bằng sáng chế, công nghệ và hình thành doanh nghiệp để ứng dụng công nghệ đó. Các nhà doanh nghiệp đó có vốn lớn, nhưng họ không phải là nhà khoa học nên không dễ làm được đề tài, dự án, sản phẩm mới. Có doanh nghiệp khoa học hình thành từ nhu cầu thực hiện nhiệm vụ triển khai ứng dụng kết quả khoa học các bằng sáng chế của nhà khoa học, tạo được nhiều đề tài dự án và sản phẩm khoa học, có tính cạnh tranh cao hơn, nhưng cái khó vẫn lại là vốn ít, nhưng nếu kiên trì thì vẫn phát triển được. 

Cái khó nhất của một doanh nghiệp khoa học là gì thưa ông?

Có lẽ cái khó nhất là vấn đề đất để xây dựng nhà xưởng. Tôi được hỗ trợ cho một mảnh đất hơn 3.000m2 ở Từ Liêm. Cách đây 10 năm thì phù hợp nhưng giờ thì không đáp ứng được. Muốn mở rộng thì rất khó khăn. Hay như các tỉnh, muốn có nơi ứng dụng khoa học công nghệ thì cũng cần diện tích rộng vài ha. Sau đó tổ chức kinh doanh nó. 

Nghĩa là vốn không phải yếu tố quan trọng nhất?

Vốn là một phần khó, nhưng đất là cái khó hơn. Làm sao để các tỉnh đều có đầu mối tiếp nhận thành quả tiến bộ KHCN được chuyển giao. Một trung tâm chuyển giao KHCN mà chỉ có cái phòng với vài ba con người thì không thể chuyển giao ứng dụng KHCN được. 

Như tôi được biết thì doanh nghiệp khoa học luôn được ưu tiên hơn về vay vốn, đất đai?

Đúng rồi. Các doanh nghiệp khoa học về nguyên tắc là được ưu tiên vay vốn và đất đai. Thế nhưng, các ngân hàng luôn đối xử doanh nghiệp khoa học giống như các doanh nghiệp khác thôi. Không ai lấy trí tuệ để thế chấp ngân hàng cả! 

Vậy là việc kinh doanh khoa học vẫn còn nhiều cái khó?

Nhóm các doanh nghiệp tự sản xuất, tự tìm cách tiêu thụ thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nhà nước lại không quan tâm đến nó. Phải nói thật là như thế. Có lúc mình nghe thấy có chính sách ưu đãi này nọ, nhưng đến nơi thì không có. Ví dụ như có lần tôi đi hỏi vay vốn lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp khoa học thì câu trả lời tôi nhận được là "chúng tôi chưa có chỉ đạo". Tôi là doanh nghiệp khoa học nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm như những doanh nghiệp bình thường khác.

Làm thế nào để ông trụ lại được trong khi hàng nghìn doanh nghiệp đóng cửa?

Tôi có kinh nghiệm phát triển 20 năm về doanh nghiệp khoa học. Hồi đó rất nhiều doanh nghiệp khoa học liên doanh được thành lập. Nhiều nhà khoa học được quyền liên doanh sản xuất để tạo ra sản phẩm bằng năng lực của mình. Mấu chốt của các nhà khoa học là chỉ tồn tại được nếu có sản phẩm khoa học và sống chết với nó, làm mới nó.

Xin cảm ơn ông!

Nhà khoa học thường không liều lĩnh như các doanh nghiệp thực thụ. Tính cẩn trọng của nhà khoa học rất cao, họ không ưa mạo hiểm. Nên có rất nhiều nhà khoa học bây giờ, nếu nhà nước cho vay vốn để sản xuất thì chưa chắc họ đã dám vay. Vì họ sợ sản phẩm không bán được và không thu hồi được vốn.

Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)