Cách làm khoa học hiện nay khiến chúng ta tụt hậu

Google News

PGS.TS Phạm Bích San: Số bằng sáng chế, phát minh thì đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á.

- Số lượng các bài báo công bố quốc tế của cả nước ta trong một năm chỉ bằng số lượng của Đại học Chulalongkoong, Thái Lan. Còn số bằng sáng chế, phát minh thì đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào chặn đứng được sự tụt hậu về khoa học đó, không chỉ với thế giới nói chung mà ngay cả so với khối các nước Đông Nam Á.

Thay đổi trong cách nhìn nhận

Trước hết, hệ giá trị của xã hội cần có sự thay đổi trong cách nhìn nhận những người làm công tác khoa học, những nhà giáo, những người bác sĩ -những trí thức. Những người này cần phải được tôn trọng như những người làm nghề cao quý trong xã hội, chứ không phải chỉ tôn trọng trước hết những người đi làm quản lý. Quản lý là nghề khác với nghề tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư hay bác sĩ.

Làm quản lý đòi hỏi trước tiên là sự chấp hành đúng các chỉ thị cấp trên. Còn làm khoa học hay nghề trí óc thì sự tìm tòi sáng tạo tạo phải là phẩm chất hàng đầu.

Đưa viện nghiên cứu cơ bản về trường đại học

Tiếp đó, cách tổ chức tách rời hệ thống nghiên cứu với hệ thống đào tạo theo mô hình Liên Xô cũ đã là một thảm hoạ cho khoa học và giáo dục: Trường đại học không có giảng viên giỏi để sinh viên có đủ kiến thức mới, có khả năng để có thể sớm bước vào nghiên cứu khoa học trong khi các viện nghiên cứu thiếu sự tiếp xúc với sinh viên, nguồn cảm hứng và nguồn nhân lực có chất lượng cho nghiên cứu tương lai.

Giải pháp cho vấn đề này đơn giản: Phải đưa các viện nghiên cứu cơ bản về lại các trường đại học, các phòng thí nghiệm hay viện công nghệ về doanh nghiệp hay, tốt hơn, thành lập các doanh nghiệp khoa học vận hành theo cơ chế thị trường.

Nhưng nếu chỉ có vậy thì chưa đủ. Cần phải có cách thức đánh giá hiệu quả của các nhà khoa học vì họ cũng là người. Và không thể đánh giá theo kiểu hành chính, như chúng ta thường làm, là đến chỗ làm việc đúng giờ và hoàn thành công việc theo kế hoạch. Đơn giản chỉ là vì không thể lập kế hoạch cho khoa học kiểu như đến giờ G thì phát minh ra công thức A còn đến giờ G+1 thì phải ra công thức B. Cũng như người ta khi say việc có thể quên mất giờ giấc.

Đưa các viện nghiên cứu cơ bản về lại các trường đại học, các phòng thí nghiệm.
Đưa các viện nghiên cứu cơ bản về lại các trường đại học, các phòng thí nghiệm.

Trả thù lao của thị trường

Để làm việc này thì cải tổ các tạp chí và các hội đồng đánh giá là việc nên làm. Ở đây các tiêu chuẩn chuyên môn phải là cái duy nhất để chọn người đứng đầu các tạp chí và tham gia các hội đồng. Và hiệu quả công việc phải đo bằng kết quả. Còn đánh giá công nghệ thì phải để cho đăng ký bằng phát minh và thị trường làm việc thôi. Công nghệ mà không bán được thì công nghệ đó có để làm gì. Chẳng lẽ cứ để cho những người nông dân trình độ sơ khai cứ phải phát minh mãi?

Và vấn đề cuối cùng là cách trả tiền cho những người làm công tác khoa học, những người lao động trí óc. Khoa học là phát minh của các cá nhân, không có phát minh tập thể. Vậy thì trả tiền bình quân như nhau cho tất cả mọi người sẽ không còn khoa học. Và để cho cô cán bộ tài chính quyết định sự hợp lý của mức chi cho công tác khoa học chắc biến hoạt động trí óc sáng tạo thành công việc của lao động giản đơn. Nên mãi mãi chúng ta không có khoa học. Và lâu dần người ta không làm khoa học được nữa.

Vì thế, chỉ còn cách là khoán gọn và trả tiền theo kết quả được đánh giá bởi các công trình, các nghiệm thu nghiêm túc và trả thù lao của thị trường.
 
Đem cách hành xử của bộ máy hành chính áp cho những người trí thức thì những người trí thức không làm được tốt cái việc mà theo đào tạo họ cần phải làm. Còn đánh giá họ thấp thì họ không muốn làm.
PGS.TS Phạm Bích San
(Tít bài do tòa soạn đặt)
[links()]

Bình luận(0)