Thanh Bùi bật mí về đám cưới

Google News

Tôi sẽ cưới ở Việt Nam. Cô gái ấy là người Việt. Các con tôi sẽ mang những cái tên thuần Việt. Huấn luyện viên The Voice Kids Thanh Bùi bật mí.

Tôi không thích sống trong quá khứ.

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về thông tin anh chối bỏ người vợ cũ bên Úc, có thật không?
Chuyện đó hết sức bình thường, mọi chuyện xảy ra trong quá khứ cũng đã qua rồi. Tôi không thuộc kiểu người lấy chuyện quá khứ hoặc tình cảm để làm bàn đạp cho sự nổi tiếng. Gia đình hoặc những người yêu trước đây của tôi đều đã nằm yên trong ký ức, mọi người đừng gợi lại làm chi, điều ấy khiến những người trong cuộc cảm thấy bị tổn thương thêm thôi.
Tôi chỉ ngạc nhiên và không hiểu thông tin mình chối bỏ vợ cũ là dựa trên cơ sở nào. Tôi thấy như đang bị áp đặt, trong khi những người đưa ra thông tin đó hoàn toàn chưa rõ thực hư của câu chuyện.
 
Yêu nhau trong thời gian dài và cũng đã đính ước, nguyên nhân gì khiến hai người chia tay?

Trong tình yêu, điều quan trọng nhất là sự dũng cảm. Thời gian đó, tôi cảm thấy tình cảm của cả hai dành cho nhau chưa thật nên quyết định kết thúc. Trước khi về Việt Nam, tôi cũng đã giải quyết hết những mối tình và các cô gái đã từng đi qua cuộc đời mình. Thời còn trẻ, tôi cũng bồng bột và chạy theo nhiều mối quan hệ bởi con người đâu thể nào ngăn được cảm xúc, chuyện trai gái đến với nhau là hết sức bình thường.
Sau khi chia tay, anh và người phụ nữ ấy có thường xuyên liên lạc với nhau nữa không?
Tôi là một người không thích sống trong quá khứ. Những gì đã qua tôi sẽ giữ cho riêng mình như một kỷ niệm vì tôi muốn tập trung cho hiện tại và tương lai. Hơn nữa, tôi nghĩ khi vết thương lòng của cả hai đều đã lành thì tốt nhất hãy để chúng được ngủ yên ở một góc nào đó trong ký ức. Thêm nữa, tôi và cô ấy đều có cuộc sống và sự nghiệp riêng nên cũng không còn dịp liên lạc với nhau nữa.
Vậy anh cũng thuộc kiểu đàn ông đa tình và yêu bằng mắt?
Đối với tôi, nét đẹp của một cô gái nằm ở tâm hồn chứ không phải chân dài bao nhiêu hay diện trang phục hiệu gì? Tôi đã trải qua tất cả thú vui của đời người khi đi tour lưu diễn quanh châu Á và những buổi tiệc xa hoa khi mới 20 tuổi nên bây giờ những cái đó không còn nghĩa lý gì nữa.
Tôi xuất thân trong một gia đình rất bình dân, bố mẹ làm nghề may quần áo. Khi bước chân vào con đường nghệ thuật quốc tế, mọi thứ rất xa lạ, những hoạt động ăn chơi ở Việt Nam không là gì đâu. Khi tôi ký hợp đồng với Universal, họ tài trợ cho đi tới những nơi sang trọng, sinh hoạt và thư giãn với dịch vụ tiêu chuẩn 6 sao, trải nghiệm hết tất cả các thú vui xa xỉ...
Tuy nhiên, đến tuần thứ hai, tôi lại thèm một tô phở và ổ bánh mì. Tình yêu cũng thế, tôi muốn mọi thứ chân thành và người con gái phải hiểu được được tính cách mình. Trước đây, có nhiều người đến với tôi nhưng không tìm được sự đồng cảm và cứ trách móc tôi ích kỷ, suốt ngày chạy theo công việc mà lơ là chuyện tình cảm. Do đó, cứ dẫn đến mâu thuẫn rồi gây gổ khiến tôi mệt mỏi vô cùng. Thử nghĩ xem, mình đi làm về mà thấy người yêu mặt một đống, ngồi bên bàn ăn chờ đợi với vẻ hằn học thì rất khó chịu và không thể nào có được hạnh phúc gia đình.

Giờ anh đã tìm được người phụ nữ như mong muốn chưa?
Tôi chỉ biết nói: Và tôi đã yêu!
Sống kiểu Tây, lấy vợ Việt

Anh từng tuyên bố chỉ cưới vợ Việt và người yêu hiện tại cũng là người Việt, có nguyên do nào đặc biệt chăng?
Ngoài vẻ đẹp tâm hồn thì sức chịu đựng là điều không thể tìm thấy ở bất cứ ai ngoại trừ phụ nữ Việt. Mẹ tôi là người Việt Nam, bà ấy chính là hình mẫu để tôi đi tìm vợ, một người mạnh mẽ, biết chia sẻ và hy sinh cho gia đình. Dường như chưa có phụ nữ đất nước nào chấp nhận hy sinh nhiều như phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, đức hy sinh đó không đến từ sự mạnh mẽ theo kiểu bốc đồng như những cô gái nước ngoài mà nằm ở sự dịu dàng nữ tính.
Điều đó được thể hiện rất rõ trong tiếng Việt như câu nói “Em yêu anh” nghe thật dịu dàng, dễ thương. Ngoài ra, do tôi sống trong gia đình truyền thống nên chuyện thờ cúng tổ tiên là điều phải làm hàng ngày. Nếu kết hôn với một người nước ngoài mà khi thấy mình thắp hương họ hỏi: “What is that?” (Cái gì vậy?) thì không sống được.
 

Nói thật là khi trải qua nhiều giai đoạn trong cuộc sống, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ lấy vợ Việt Nam nhưng càng sống thì mới thấy mình cần sự đồng cảm về văn hóa và ngôn ngữ.Chỉ có người Việt Nam với nhau mới làm được. Đơn giản khi một cô gái vào làm dâu trong một gia đình Việt Nam thì có những cách chăm sóc cho gia đình và phụng dưỡng bố mẹ, như mỗi sáng thì đi chợ nấu nướng, đến bữa cơm thì mời mọi người vào bàn... chứ không phải ngồi một chỗ đợi mẹ chồng làm tất cả mọi thứ. Điều quan trọng là hai từ “gia đình” rất thiêng liêng và quan trọng với phụ nữ Việt.
Người nước ngoài khá phóng khoáng trong chuyện tình cảm, gặp nhau thấy hợp thì sẽ yêu và không nghĩ nhiều. Anh sống lâu ở nước ngoài, liệu có bị ảnh hưởng tâm lý đó?
Tôi thích sự phóng khoáng vì mẹ tôi là người phụ nữ phóng khoáng nhưng lại sống rất có trách nhiệm. Trước tiên mình phải có trách nhiệm với bản thân vì nếu không lo được cho mình thì làm sao bảo đảm được hạnh phúc gia đình.
Tôi sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng vẫn là người Việt Nam. Đơn cử như trong những xung đột gia đình, tôi sẽ có cách giải quyết rất Tây như kêu mọi người ngồi lại, đưa ra quan điểm cá nhân và biểu quyết chứ không gia trưởng hay áp đặt. Dẫu vậy trong suy nghĩ tôi vẫn là người Việt, tôi thích sau một ngày làm việc trở về quây quần bên mâm cơm gia đình thay vì la cà nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng.
Thành công trên con đường sự nghiệp và có vị trí vững vàng trong làng nghệ thuật, điều anh còn thiếu hiện tại có phải là một gia đình?
Tôi đã 30 tuổi rồi nên không còn bay nhảy được nữa. Hơn nữa hiện giờ tôi cũng tìm được tình yêu thật sự nên có thể trong năm tới chúng tôi sẽ đi đến hôn nhân. Tôi muốn mình có bốn đứa con, hai trai hai gái và tôi đã đặt sẵn những cái tên cho chúng. Tôi muốn mình là người bố tốt, có thể đồng hành cùng các con trên những chặng đường nên khi cưới vợ xong tôi muốn có con ngay, chứ không muốn lúc mình 60 tuổi mà con cái mới lên 5.
Tôi sẽ tổ chức đám cưới ở Việt Nam
Thật tình tôi không muốn mọi người biết đến mình qua những chuyện khoe danh tính vợ con. Thêm nữa tôi không muốn gia đình và cô gái ấy bị ảnh hưởng. Nói trước bước không qua. Mọi người sẽ nghĩ mình chiêu trò, nên cho tôi xin phép giữ một khoảng riêng cho mình.
Đám cưới của tôi sẽ tổ chức ở Việt Nam chứ không dự định làm rình rang ở nước ngoài và những nghi thức bắt buộc phải theo phong tục truyền thống. Tôi có nhiều bạn bè ở nước ngoài nên chắc chỉ tranh thủ sang đó để thông báo và cảm ơn mọi người đã đồng hành cùng Thanh Bùi từ hai bàn tay trắng cho đến ngày hôm nay.
Điểm nào ở cô ấy khiến anh yêu nhất và quyết định đi đến hôn nhân?
Vì cô ấy là người Việt Nam, biết nấu những món ăn Việt. Tôi thích ăn mắm tôm, nước mắm... nếu là người nước ngoài sẽ chê hôi còn người Việt thì không. Ngoài ra, cô ấy rất hiểu và thông cảm cho công việc của tôi. Đặc biệt nhất ở người con gái Việt Nam là đức tính hiếu thảo với cha mẹ và am tường những phong tục tập quán của dân tộc mình như gói bánh chưng ngày Tết, biết nấu món thịt kho trứng…
Khi nãy anh nói đã đặt sẵn tên cho những đứa con của mình?
Tên của con tôi phải tinh tế và sâu sắc, không nửa Tây nửa ta mà hoàn toàn phải là tiếng Việt. Những cái tên đó sẽ không phải là John hay Sebastian... để khi người ta đọc đến biết ngay đứa bé này là người Việt Nam.
Khi có gia đình, tôi muốn để vợ con sinh sống ở Việt Nam chứ không đưa sang nước ngoài. Nhiều người cứ nghĩ rằng ra nước ngoài học sẽ giúp các bé có tư duy hiện đại hoặc tính cách bản lĩnh... Tôi thì không nghĩ vậy, tính cách hay suy nghĩ và cách sống của những đứa trẻ đều do nền tảng gia đình cùng cách dạy dỗ chúng từ nhỏ. Tôi không tin rằng con tôi phải học ở Harvard thì nó mới giỏi.
Tôi muốn các con mình phải học tập và sinh sống ở Việt Nam để thấm thía được thực tế của cuộc sống, như việc hàng ngày thấy chị gánh hàng rong hoặc những đứa trẻ sau giờ học phải về nhà phụ bố mẹ trông coi quán xá... Đặc biệt, người Việt Nam có ý chí sinh tồn rất cao, chứ ở nước Úc khi gặp trở ngại là họ sẽ vấp ngã ngay chứ không có ý chí vượt khó. Đối với họ, hai chữ gia đình rất bình thường và không có gì ràng buộc, sau giờ làm thì mặc vợ đi mua sắm còn chồng thì nhậu nhẹt cùng bạn bè... khác biệt hoàn toàn với Việt Nam.
Tôi muốn các con phải cảm nhận được những gì chúng có đều là thành quả lao động của bố mẹ. Chúng phải biết trân trọng và giữ gìn, chứ ở nước ngoài mọi thứ đều có được dễ dàng thì con người ta sẽ trở nên sanh tật. Mấy đứa trẻ không biết làm gì hết nên khi gặp sự cố sẽ không biết giải quyết thế nào. Điển hình như khi nó làm bài kiểm tra tại lớp bị điểm thấp thì sẽ thất vọng và thậm chí nghĩ quẩn đến tiêu cực.
Đối với bọn trẻ ở Việt Nam thì ngược lại, chúng đã được dạy rằng cuộc sống hôm nay phải nghĩ đến ngày mai, phải lo đến tương lai ăn cái gì và kiếm sống ra sao.
 
Anh có sợ bản tính ham mê công việc sẽ khiến mình khó toàn tâm lo cho vợ con khi lập gia đình
?
Quan trọng là bản thân muốn làm hay không? Nếu muốn thì sẽ có cách, còn ngược lại thì dù có thời gian người ta cũng vẫn có hàng trăm lý do để vin vào ngụy biện. Cách sống của tôi ngay từ nhỏ là khi biết được có điều gì sắp đến thì mình sẽ có sự chuẩn bị chu đáo.
Điển hình như năm sau tôi sẽ tập trung sự nghiệp ở nước ngoài nhiều hơn thì mọi công việc tại Soul Academy và những dự án âm nhạc ở Việt Nam tôi đã hoàn thành cách đây nửa năm trước. Thậm chí ngay bây giờ tôi đã định hướng những hoạt động của mình trong 2 - 3 năm tới.
Đàn ông Việt thường không quan tâm đến chuyện bếp núc và chăm sóc con cái. Vậy khi lập gia đình và sinh sống tại đây, anh nghĩ mình sẽ là người chồng, người cha thế nào?
Tôi muốn thay tã cho con, phụ vợ giặt đồ và nhìn thấy các con trưởng thành từng ngày. Tôi muốn nghe những tiếng nói đầu lòng khi con gọi “ba”, những khoảnh khắc đó đâu phải lúc nào cũng có. Suy nghĩ cho rằng chuyện chăm sóc con cái là trách nhiệm của phụ nữ đã cổ lỗ sĩ lắm rồi và lại còn thể hiện sự không biết điều. Người phụ nữ đã cực khổ mang nặng đẻ đau suốt 9 tháng 10 ngày mà người chồng lại không quan tâm, chia sẻ thì thật không công bằng.
Tôi muốn mình trở thành người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, không bia rượu không thuốc lá, phải là tấm gương để các con noi theo. Đó chính là những gì mà bố đã dạy từ khi còn nhỏ nên sau này tôi muốn truyền lại cho các con.
Theo Mốt & Cuộc Sống

Bình luận(0)