Bộ VHTTDL vừa công bố danh sách 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 8 (dự kiến sẽ trao vào tháng 9/2015). Cứ hai năm một lần, bản danh sách phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại được công bố, song lần nào cũng vậy, câu hỏi của chính các nghệ sĩ và với khán giả là: Liệu những danh hiệu được phong tặng có đánh giá đúng công sức của nghệ sĩ, đặc biệt những người được phong tặng có phải thực chất đã là “nghệ sĩ của nhân dân”, “nghệ sĩ thật sự ưu tú” hay chưa?
|
Đến Chí Trung cũng “trượt” khỏi danh sách đề nghị phong tặng NSND. |
Rụng như… sung
Theo kế hoạch và quy trình phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, các địa phương đã tổng hợp những nghệ sĩ mà theo họ đủ tiêu chuẩn được phong tặng để gửi lên Bộ VHTTDL. Tổng cộng, bộ nhận được 202 hồ sơ trong đó có 57 hồ sơ đề nghị phong tặng NSND và 145 hồ sơ đề nghị phong tặng NSƯT.
Từ các hồ sơ gửi về, hội đồng cấp bộ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho 158 hồ sơ đủ điều kiện để trình hội đồng cấp nhà nước phong tặng các danh hiệu trên.
Như vậy có nghĩa: Gần 50 hồ sơ đề nghị phong tặng đã “rụng” - không đủ tiêu chuẩn. Trong số nghệ sĩ không được phong tặng lần này có những gương mặt đáng chú ý, như các NSƯT Chí Trung, Minh Hằng của Nhà hát Tuổi Trẻ không đủ điều kiện trở thành NSND. Đặc biệt là trường hợp nghệ sĩ Hoài Linh - nghệ sĩ hải ngoại duy nhất cho tới nay được đề nghị phong tặng NSƯT. Sau khi xem xét, những gương mặt trên đã bị “loại ra ngoài”.
Đáng chú ý, Sở VHTTDL TPHCM gửi danh sách đề nghị 24 gương mặt đề cử NSƯT, hai gương mặt đề cử NSND là các biên đạo múa nổi tiếng Văn Hùng, Vương Linh. Kết quả là bị… gạt gần hết, trong đó có những gương mặt “tên tuổi” như Hoài Linh, Trịnh Kim Chi, Quốc Thái, Minh Thúy…
Nghệ sĩ Chí Trung bộc bạch rằng: “Dù vẫn nộp hồ sơ, nhưng chẳng… hy vọng gì. Chuyện xét tặng danh hiệu nghệ sĩ từ trước tới nay luôn rắc rối, phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tôi không muốn nhắc lại”.
7 loại đơn, văn bản, 4 cấp xét duyệt mới được… ưu tú
Cách đây hai năm, khi xét duyệt danh sách NSND, NSUT Bộ VHTTDL cũng đã lấy ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh quy trình xét duyệt. Thế nhưng cho đến nay, để lên được tới hội đồng xét duyệt cấp nhà nước thì nghệ sĩ phải có... 7 loại đơn từ, văn bản và qua 4 hội đồng xét duyệt là hội đồng cơ sở, hội đồng tỉnh, hội đồng cấp bộ, cuối cùng là hội đồng cấp quốc gia.
|
Danh hài Hoài Linh - nghệ sĩ hải ngoại duy nhất cho tới nay được đề nghị phong tặng NSƯT - cũng bị loại. |
Các nghệ sĩ, vốn rất ngại thủ tục giấy tờ, thì vẫn phải trải qua cả một mớ văn bản như “bản khai thành tích”, “tờ trình đề nghị xét tặng”, “biên bản họp”, “biên bản kiểm phiếu”, “bản sao chứng thực các quyết định tặng giải thưởng”, bản xác nhận của cơ quan tổ chức cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp”, “bản sao các quyết định về danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng”…
Ngại một “rừng” văn bản như thế, nhiều nghệ sĩ đã chấp nhận “xin thôi” vì quá sợ và ngán việc phải chạy vạy đi xin các loại giấy tờ, chứng thực.
Đó là chưa kể, các tiêu chuẩn xét tặng cũng khá khắt khe. Ngoài những quy định về phẩm chất, đạo đức, cá nhân muốn được xét tặng NSƯT cần phải “Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa, thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 10 năm trở lên” và “Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (QG) hoặc 1 giải Vàng QG và 2 giải Bạc QG”. Hay với NSND thì phải là NSƯT, hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp 20 năm và có 2 giải Vàng QG.
Việc phải có giải Vàng hay Bạc QG đã khiến cho rất nhiều nghệ sĩ, dù nổi tiếng, có đóng góp nhiều và được người dân yêu quý, cũng không có cơ hội trở thành NSƯT.
Đơn cử, trường hợp nghệ sĩ Văn Hiệp. Dù rất quen thuộc, gắn bó với cả ngàn vai diễn, nhưng cho đến khi ông mất (năm 2013) thì tất cả mới “ớ” ra: Văn Hiệp chưa bao giờ là nghệ sĩ ưu tú. Đơn giản, ông thiếu tiêu chí về giải thưởng.
Nghệ sĩ hài Giang “còi” từng chia sẻ: “Chúng ta đang phong danh bằng việc đếm huy chương, mà ít quan tâm đến thực tế rằng sự sáng tạo của họ có ảnh hưởng ra sao đến đời sống tinh thần của quần chúng. Chưa kể, huy chương chỉ trao cho "kép" chính, còn người đóng vai phụ gần như không có huy chương. Nên mới có trường hợp nghệ sĩ Văn Hiệp làm biết bao người cùng khóc, cùng cười với các vai diễn của mình trong suốt nhiều năm làm nghề mà không được tặng danh hiệu gì.
Đơn cử, vai diễn người đàn ông đi xe thồ lướt qua sân khấu trong vở kịch về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp của ông, diễn hàng trăm suất vẫn khiến cả rạp cười nghiêng ngả, sau này nhiều người quên tên vở diễn, song vai diễn của Văn Hiệp thì ít ai quên. Nhưng khi xét tặng huy chương, ai xét tặng huy chương cho một vai diễn xe thồ? Và Văn Hiệp không có huy chương.
Trong số danh sách 158 cá nhân được đề nghị phong tặng mà Bộ VHTTDL vừa công bố, có trường hợp NSƯT Anh Dũng - nguyên Giám đốc nhà Kịch Việt Nam - đã từ trần hồi tháng 5/2015 sau một cơn bạo bệnh. Những người như NSƯT Anh Dũng - chồng NSND Phương Thanh - đã chờ cả đời và phải đến lúc chết rồi mới có cơ hội được phong tặng NSND.
Hoài Linh là nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên được TPHCM đưa vào danh sách xét tặng danh hiệu NSƯT và gửi lên Bộ VHTTDL. Tất nhiên, xét theo các tiêu chí xét duyệt, Hoài Linh đã… trượt, bất kể sự nổi tiếng và nhiều đóng góp cho sân khấu kịch, cũng như sự yêu mến của rất nhiều khán giả đối với anh.
Nghệ sĩ nhân dân nên để nhân dân bình chọn?
Trong số những hồ sơ mà Bộ VHTTDL chọn lọc để đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, có cả những hồ sơ của nhiều người đang làm công tác quản lý. Có người là thứ trưởng, có người là phó cục trưởng Cục Điện ảnh. Tất nhiên, có những đóng góp cho văn hóa - nghệ thuật và đáp ứng các tiêu chí xét phong tặng danh hiệu, những người đó xứng đáng được phong tặng NSND.
Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải xem lại các tiêu chí cũng như quy trình xét duyệt khá rắc rối - những thứ khiến cho việc vinh danh những nghệ sĩ gặp quá nhiều rào cản.
Với các nghệ sĩ, danh hiệu mà họ thấy ý nghĩa nhất chính là danh hiệu trong lòng nhân dân. Nên chăng, cùng với những danh hiệu NSƯT, NSND mà Nhà nước ban tặng thì Bộ VHTTDL cũng cần có những đặc cách, hoặc tổ chức một danh hiệu để nhân dân bình chọn những nghệ sĩ mà họ yêu thích.
Đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc: “Nên mở rộng tiêu chí, đừng quá khắt khe”
“Nếu căn cứ vào các chỉ tiêu để xét duyệt thì sẽ rất thiệt thòi cho các đơn vị xã hội hóa, vì họ không có điều kiện cho nghệ sĩ, diễn viên tham gia hội diễn, nên không có huy chương gì cả. Theo tôi, nên có quy chế để xét một cách thông thoáng, cởi mở hơn. Nhiều nghệ sĩ được đánh giá rất cao, xứng đáng là nghệ sĩ của dân, nhưng làm gì đủ tiêu chuẩn xét duyệt!
Còn đối với người nghệ sĩ, khán giả là huy chương quan trọng nhất. Thử hỏi, bây giờ mà bắt diva Mỹ Linh đi thi hội diễn thì người ta cười chết. Và biết thi thố với ai vì cô là ngôi sao lớn rồi. Hay như Hồng Nhung, Cẩm Vân hay Ánh Tuyết chẳng hạn. Còn về sân khấu, may mắn là một nghệ sĩ như Hoài Linh được đặc cách phong NSƯT chứ anh đã tham gia hội diễn nào đâu. Mà có khi, Hoài Linh nhận danh hiệu NSND cũng hoàn toàn xứng đáng, căn cứ vào đóng góp cũng như mức độ “phủ sóng” rộng rãi như hiện nay.
Lâu nay, hội đồng xét duyệt khá đông, khoảng 25 người, nhưng mỗi người một mảng, không nắm hết chuyên môn của ngành khác được. Chẳng hạn, ngành sân khấu chỉ có 2 - 3 người trong thành phần giám khảo thôi, những người khác không biết nghệ sĩ đóng góp ra sao nên chỉ căn cứ vào việc họ có sở hữu được hai huy chương vàng không mà trao. Thế cho nên, có khi vẫn chưa thể đánh giá đúng hết năng lực của từng nghệ sĩ. Ngoài huy chương, vẫn có thể xét rộng ra ở những bình diện khác mới có thể chọn được những người giỏi nhất để trao các danh hiệu một cách công bằng”.
Ca sĩ Ánh Tuyết: “Xin đừng làm tổn thương nghệ sĩ”
“Ngày trước, tôi từng có nhiều huy chương, lẽ ra được phong tặng danh hiệu NSƯT, nhưng vì phải làm đơn, tự đề cử mình nên tôi lại thôi. Trong đơn còn phải có xác nhận của trưởng đoàn, mà muốn đi tìm cho ra họ cũng khó vì người đã mất, người thay đổi môi trường công tác… Còn bây giờ, người ta bỏ việc làm đơn đi rồi, nhưng để cho địa phương đề cử, rồi khi đưa lên lại gạt tên ra khỏi danh sách gần hết.
Vậy thì xét duyệt để làm gì, khiến nghệ sĩ cảm thấy bị tổn thương? Họ đã xứng đáng, thì tất cả những gì là thành tích đều được thể hiện qua nhiều năm cống hiến, chỉ cần hội đồng xét duyệt âm thầm ghi nhận những thành tích của họ; thậm chí, nếu nhờ địa phương đánh giá thì cũng nên tôn trọng kết quả đưa lên. Còn ở đây, tôi thấy mọi việc không tiến triển, khi việc phong tặng không còn mang đúng ý nghĩa nữa. Thế nên tôi không quan tâm, mình đóng góp thế nào thì mình biết, khán giả biết”. Minh Thi (ghi)
NSƯT Chí Trung: “Quà thì nên đúng lúc, đúng chỗ!”
“Phải nói là từ trước đến giờ tôi cũng không mấy tin tưởng vào việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho lắm vì cả tiêu chí lẫn quy trình xét duyệt đều vẻ như không được thuyết phục cho lắm. Có người chẳng được Nhà nước phong tặng danh hiệu, nhưng chỗ đứng của họ trong lòng khán giả thì không ai là không nhìn thấy; có người lại được ưu tiên xét tặng, đôi khi cả vì những yếu tố “duy cảm” như: Phụ nữ, đột tử…
Nguyên nhân tôi “trượt” danh hiệu NSND kỳ này được giải thích là do chưa đủ số huy chương hội diễn. Tôi cũng chưa hiểu phải là “hội diễn” nào thì huy chương đó mới được tính, hay cách thức quy đổi huy chương ra làm sao, vì nếu xét về tiêu chí này cũng như các tiêu chí khác, tôi đồ là mình phải đạt đến 99%. Chẳng hạn như năm 2013, tại Liên hoan các vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ, tôi từng được Hội Nghệ sỹ sân khấu VN trao giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất cho vở “Mùa hạ cuối cùng”, thì những thành tích đó là không được tính chăng?
Lại có giả thuyết: Hay vì lâu nay tôi nghiêng nhiều hơn về mảng hài kịch nên ít có cơ hội tham dự hội diễn cũng như ít giành được huy chương hơn? Tuy nhiên, trên thực tế, hài kịch vẫn đi dự hội diễn như thường và vẫn giành được huy chương như ai. Chỉ có điều, trong các hội diễn đó, tôi thường nhường cơ hội diễn xuất cho các em diễn viên trẻ hơn vì ở đó, tôi vừa đóng vai trò đạo diễn lẫn trưởng đoàn, giờ lại còn đi “giành” mất vai của các em, tôi thấy mình không được tự trọng cho lắm.
Hôm rồi tôi thấy NSND Lê Tiến Thọ có lên báo nói về trường hợp của tôi và giải thích là do tôi không khai đầy đủ trong hồ sơ xin phong tặng danh hiệu. Tôi không hiểu thông tin ấy ở đâu ra, trong khi rõ ràng là tôi đã “khai báo” rất đầy đủ theo đúng những gì tổ chức yêu cầu. Hội đồng đã không xét, không bỏ phiếu cho Chí Trung, lại còn để Chí Trung phải mang tiếng “ngạo mạn” là sao? Thật ra đây mới là việc khiến tôi cảm thấy phiền lòng hơn cả, hơn là việc tôi bị đánh trượt danh hiệu.
Bởi câu chuyện ở đây theo tôi không phải người cho được cho, hay người nhận được nhận mà là một “món quà” chỉ ý nghĩa khi được trao đúng lúc, đúng chỗ: Vào thời điểm nghệ sĩ đang thăng hoa nhất trong sáng tạo, và sự ảnh hưởng của họ - một phần nhờ thế - cũng trở nên lan tỏa hơn trước công chúng. “Ăn lúc đói” mới ngon, nhưng mà đợi người ta “đói lả” ra, vơi cạn hết bầu nhiệt huyết rồi mới “cho ăn”, liệu còn ai nuốt nổi…
Hy vọng những câu chuyện gây phiền lòng cho nghệ sĩ kiểu này sẽ không còn tiếp diễn nữa, vì theo như tôi được biết, nhiều nước cũng đã “bỏ lệ” này từ lâu. Sắp tới, sân khấu lại còn phải tự chủ thu - chi, thì còn lấy đâu ra hội diễn mà đòi huy chương…
Thiên An (ghi)