Cám cảnh cha mẹ nhìn con chờ chết

Google News

(Kiến Thức) - Bé Hoàng Thị Tâm mắc chứng bệnh hở răng hàm ếch, hơn 4 tuổi, nặng 5kg, mỗi ngày chỉ được uống… 2 thìa sữa bột, thậm chí không được ăn gì.

Trong căn nhà nhỏ lợp prô xi măng như lò sấy của gia đình anh Hoàng Văn Quyết ở xóm Nà Chùa, thị trấn Bảo Lạc (Cao Bằng), bé gái mắc chứng bệnh hở răng hàm ếch nằm trên giường, chân tay tong teo, gầy còm trơ da bọc xương. Bé Hoàng Thị Tâm (tên con gái anh Quyết) hơn 4 tuổi, nặng 5kg, mỗi ngày chỉ được uống… 2 thìa sữa bột. Thậm chí bây giờ, có ngày em không được ăn gì…
 Đã hơn 4 tuổi nhưng bé Tâm chẳng khác gì một con mèo, da xanh xao vì không được ăn uống đầy đủ.
Sinh năm 2009, nhưng đến nay em Hoàng Thị Tâm cũng chỉ nặng được 5kg. Trong suốt hơn 4 năm qua, em không bú được sữa mẹ. Sự sống của em chỉ nhờ vào 2 thìa sữa bột mỗi ngày. Cơ thể không hấp thụ được các dưỡng chất nên nhìn em cứ thoi thóp như một con nhái bén chờ chết. Đã thế, thời gian gần đây bố mẹ em còn không xoay sở nổi tháng một hộp sữa cho con. Nên em bị “bỏ hồ” bữa được cho ăn sữa, bữa nhịn…
Ruộng đất canh tác ít, thiếu ăn quanh năm, hàng ngày anh Quyết (SN 1977) phải đi làm thuê đủ các nghề ở thị trấn để có chút tiền ít ỏi mua gạo và sữa cho con. Chị Lương Thị Phấn (SN 1975) - mẹ em Tâm luôn tối mắt, tối mũi từ việc nhà đến đồng ruộng và trông con. Nhưng cái vòng luẩn quẩn nghèo khó vẫn không buông tha gia đình.
 Bữa ăn của bé Tâm chỉ có cơm nguội trộn bột canh.
“Vợ chồng lấy nhau với hai bàn tay trắng, khi vừa lọt lòng nó đã bị hở hàm ếch, không ăn, uống được. Hai vợ chồng tôi sống trong túp lều nhưng cũng cố xoay sở khắp họ hàng hơn 2 triệu đồng đưa cháu xuống Hà Nội khám. Nhưng số tiền đó quá ít, không đủ để chạy chữa cho cháu nên chúng tôi đành đưa cháu về để kệ số phận. Cháu sống được ngày nào hay ngày đấy thôi”, chị Phấn khóc nức nở, tâm sự.
Công việc làm thuê của anh Quyết khi có, lúc không. Nhiều khi cả tháng không ai mướn thì nồi cơm mấy ngày không hạt gạo để nấu. Nhiều tháng, bố bé Tâm không mua sữa về cho em được. Chị Phấn ở nhà thương con, có những ngày chị phải mở hòm nuôi ong cạnh nhà lấy trộm mật pha cho con uống tạm để đỡ đói. Chị không đụng vào ong bao giờ nên không rõ cách lấy mật, nên bị ong đốt sưng sẩm mặt mày. Xót xa thay, càng uống mật ong cháu càng cồn ruột, càng khóc to…
Có lần em Tâm lên cơn sốt, ánh mắt em Tâm thoi thóp nhìn mẹ như thể em chết đến nơi. “Vợ chồng tôi cho cháu đi khám, bác sỹ dặn phải cho cháu ăn uống đầy đủ để có sức khỏe mổ. Nếu cháu không được chữa trị kịp thời, sẽ không giữ được tính mạng. Nay gạo còn chưa có mà nấu cháo cho cháu thì lấy đâu tiền chữa bệnh cho con”, chị Phấn nói.
Là gia đình thuộc diện hộ nghèo nhất của xóm, chị Phấn vay vốn 10 triệu đồng tiền hỗ trợ người nghèo mua được 2 con bò, nhưng bí quá, bò chưa nuôi được bao lâu thì đã phải bán để lấy tiền mua sữa nuôi con. Con bò còn lại anh chị tính, nếu bán cũng không đủ để trả tiền ngân hàng.
Đáng nói hơn dù bé Tâm đã bị hở hàm ếch bẩm sinh nhưng cháu lại không được hưởng bất kỳ khoản tiền trợ cấp xã hội nào, cả gia đình chỉ biết trông cậy vào công việc làm thuê của anh Quyết. “Khi bé Tâm bị bệnh, vợ chồng tôi gần như suy sụp hẳn, không biết làm sao để lo cho bé có đủ sức khỏe để có thể mổ. Tôi đi làm thuê, công việc không ổn định nên không đủ trang trải cho cuộc sống, huống chi lo cho đứa con bạo bệnh”, anh Quyết thở dài.
Không có gì ăn, anh Quyết đang bón từng thìa cơm trộn bột canh cho bé Tâm. 
Thế nhưng, với tình thương yêu bao la của người làm cha mẹ, vợ chồng anh Quyết chỉ một suy nghĩ “còn nước còn tát”. Vợ chồng anh đã mang bé Tâm đi khám khắp các bệnh viện huyện Bảo Lạc, bệnh viện đa khoa tỉnh và bệnh viện Hà Nội. Các bệnh viện đều kết luận cháu quá yếu không đủ sức khỏe, cần phải ăn uống đầy đủ, đồng thời phổi và tim bé Tâm cũng phát triển không bình thường, nếu thực hiện ca mổ cũng phải mất hơn 20 triệu đồng.
Sau năm lần, bảy lượt đem con đi khắp các bệnh viện trở về, gia đình anh Quyết trở nên suy kiệt hoàn toàn về vật chất, mỗi lần đưa con đi khám thì mẹ bé và đứa con thứ hai trong bữa ăn chỉ có cơm trắng trộn bột canh ăn tạm qua bữa.
Những vật dụng nào có giá trị trong gia đình đều đem bán hết, anh, em hàng xóm… ai vay mượn được thì cũng mượn rồi. Số tiền ít ỏi đó cũng chỉ đủ tiền tàu xe đưa bé Tâm đi khám, nhiều đêm vợ chồng anh Quyết vắt óc suy nghĩ không biết lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để giành giật lấy sự sống cho đứa con thơ dại của mình.
Trong gia đình không có vật nào đáng giá, ngày nắng ánh mặt trời chiếu vào trong nhà, ngày mưa mưa hắt vào mọi nơi.
Hơn 12h trưa, anh Quyết đi làm thuê về, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, tay chân run lẩy bẩy vì đói. Anh Quyết tâm sự: "Thu nhập mỗi tháng của gia đình khoảng 800.000 đồng, đấy là những tháng có việc có những tháng không có việc thì lại phải vay mượn hàng xóm mấy bơ gạo ăn qua bữa. Hàng ngày đi làm về nhìn con quằn quại trong cơn đói, cơn đau, ruột gan tôi như lửa đốt".
Không tiền mua sữa cho con, bữa ăn của bé Tâm chỉ có cơm nguội trộn bột canh cho bé Tâm ăn, khiến sức khỏe của bé ngày càng xấu đi. Có ngày khóc hơn chục lần, mặt mũi xanh xao, những lúc như thế vợ chồng anh chỉ biết thay phiên nhau bồng bế, dỗ dành cháu cho qua cơn đói, cơn đau chứ không có sữa pha uống hay tiền đi bệnh viện.
Rời nhà anh Quyết khi trời chập tối, chúng tôi không khỏi thấp thỏm một suy nghĩ không biết bé Tâm sẽ chống chọi với căn bệnh quái ác đó đến được bao lâu. Mong sự chia sẻ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm để bé có thể được phẫu thuật và đi học như bạn bè cùng trang lứa.
Mọi sự giúp đỡ của độc giả xin gửi về:
1. Anh Hoàng Văn Quyết, xóm Nà Chùa, thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Số điện thoại:  016 65 231 833.
2. Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức
Địa chỉ: Số 465 Hoàng Hoa Thám, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 0974.974.104
Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức.
Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển tận tay.
Trung Kiên

Bình luận(0)