Khi xung đột Nga-Ukraine đang bước vào giai đoạn bước ngoặt với cuộc phản công lớn của Ukraine nhằm giành lại các vùng lãnh thổ đã mất từ tay Nga, cựu giám đốc cựu Giám đốc điều hành Google, tỷ phú Eric Schmidt đã có cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Ukraine.
Ông Eric Schmidt có chuyến thăm kéo dài 36 giờ đến đất nước này để khám phá vai trò của công nghệ trong chiến tranh.
“Những gì tôi quan tâm là công nghệ có vai trò như thế nào trong cuộc chiến này”, Eric Schmidt cho biết trong một cuộc họp báo.
Eric Schmidt là một tỷ phú chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ quân sự. Ông từng phục vụ trong các hội đồng liên bang, chuyên tư vấn cho chính phủ Mỹ về việc tích hợp trí thông minh nhân tạo. Eric Schmidt đã ủng hộ Bộ Quốc phòng Mỹ tích hợp công nghệ mới vào vũ khí.
Vệ tinh, máy bay không người lái, trí thông minh nhân tạo (AI) và năng lực an ninh mạng đã trở thành trọng tâm của cuộc chiến ngay từ những ngày đầu. Việc sử dụng các công nghệ mới cùng với khí tài quân sự truyền thống đã giúp cả Nga lẫn Ukraine giành được lợi thế trên một số mặt trận. Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ hiện đại, NATO đã thiết lập một quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ euro cho sự đổi mới.
Trước đó, Phó Thủ tướng Ukraine, ông Mykhailo Fedorov, đã đăng tải lên mạng xã hội Twitter đề nghị công ty Space X của tỷ phú Elon Musk triển khai dịch vụ internet vệ tinh Starlink để giúp các khu vực trên khắp đất nước này dễ dàng kết nối internet trước tình hình chiến sự leo thang.
Đối với các chuyên gia Mỹ, chiến trường Ukraine là nơi để nghiên cứu cách thức hoạt động của các công nghệ mới trong một cuộc chiến tranh trên bộ thông thường, cũng như hiệu quả của các loại vũ khí khác mà phương Tây chuyển giao cho Kiev.
Các cựu quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, phần lớn công nghệ tiên tiến mà Ukraine đang sử dụng đều mang tính thương mại và luôn có sẵn. Nói cách khác, quá trình tiếp cận chúng rất dễ dàng và không đòi hỏi quy trình phức tạp.
Việc sử dụng vệ tinh không phải điều mới mẻ, nhưng những vệ tinh nhỏ và mang tính thương mại lại là “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà đầu tư và công ty khởi nghiệp. Chúng góp phần giúp Nga và Ukraine nắm được một số thông tin về hoạt động luân chuyển quân của nhau cũng như đánh giá lực lượng đối phương trên chiến trường thông qua việc thu thập dữ liệu nguồn mở.
Thiết bị bay không người lái cũng vậy. Cả Nga và Ukraine đều đang phụ thuộc rất lớn vào thiết bị không người lái trong việc xác định chính xác của đối phương vị trí và dẫn đường cho các cuộc tấn công pháo binh. Hai bên đã sử dụng những máy bay không người lái có vũ trang cỡ nhỏ có khả năng bay trong nhiều giờ để tìm kiếm và tấn công mục tiêu. Trong một số trường hợp, UAV được triển khai theo kiểu “bầy đàn”.
Trong những ngày đầu của cuộc chiến Nga-Ukraine, UAV vũ trang Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Giai đoạn đó, UAV này được cho là đã “làm mưa làm gió” trên chiến trường, bắn phá nhiều xe tăng, xe thiết giáp của quân đội Nga.
Việc sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) trong chiến tranh là điều gây nhiều tranh cãi nhưng không thể phủ nhận những lợi ích mà nó mang lại. Reuters cho biết, Công ty Mỹ Clearview AI - một công ty công nghệ sử dụng Trí tuệ Nhân tạo để nhận diện khuôn mặt đã cho phép Ukraine quyền truy cập miễn phí công cụ của công ty để nhận diện người ra vào tại các trạm kiểm soát. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ rất khó để kiểm soát việc sử dụng hệ thống và cơ sở dữ liệu liên quan đến một vùng chiến sự và có khả năng công nghệ sẽ bị lạm dụng vì mục đích xấu.
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt từng được áp dụng trong cuộc chiến tại Afghanistan nhưng rất hạn chế. Giờ đây, Ukraine cũng đang sử dụng công nghệ này với quy mô lớn hơn. Một ví dụ khác về vai trò của AI là nó có thể được sử dụng trong các hoạt động thu thập thông tin, như nhận dạng giọng nói, phiên âm và dịch thuật hoặc phân tích các thông tin liên lạc được mã hóa.
Nhiều nhà phân tích dự đoán, xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ làm bùng phát các cuộc tấn công mạng. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine ngay từ đầu đã là một sự kết hợp giữa chiến lược quân sự thông thường và chiến lược an ninh mạng. Có thể nói, chiến tranh mạng là một trong những công cụ chính của quân đội toàn cầu hiện đại ngày nay. Nhưng đến thời điểm hiện tại, quy mô của các cuộc tấn công này khá hạn chế, một phần có thể là do nỗ lực không ngừng nghỉ của những người bảo vệ không gian mạng phía sau chiến tuyến. Chỉ có một số ít vụ việc tấn công mạng được báo cáo.
Ngày 24/2, chỉ vài giờ khi các lực lượng Nga tiến vào miền Đông Ukraine, tin tặc đã làm tê liệt hàng chục nghìn modem internet vệ tinh ở Ukraine và khắp châu Âu. Hồi tháng 8 vừa qua, Công ty quản lý điện hạt nhân Ukraine nói họ bị tin tặc từ Nga tấn công mạng trong ba giờ nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó Nga cũng tố tin tặc Ukraine xâm nhập vào các trạm sạc xe điện ở Moscow, khiến các trạm này dừng hoạt động.
Việc sử dụng những loại vũ khí hiện đại trên chiến trường chỉ không phải là yếu tố duy nhất góp phần tạo nên ưu thế của một bên tham chiến. Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là khả năng xử lý và truyền tải thông tin nhanh chóng. Candace Rondeaux, nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn New America ở Washington, cho rằng: “Để đảm bảo dòng chảy thông tin, bạn phải có các thiết bị liên lạc và phương tiện để thông báo một cách an toàn rằng mọi thứ đang diễn ra như thế nào, mục tiêu ở đâu và khi nào bạn cần tấn công chúng”./.