Mỹ và Triều Tiên đang ngày càng lún sâu vào một cuộc khẩu chiến tưởng chừng như không có hồi kết về năng lực hạt nhân của Triều Tiên. Đỉnh điểm của những lời đe dọa từ phía Triều Tiên là tuyên bố có thể tấn công đảo Guam – vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ ở Thái Bình Dương. Triều Tiên cũng không giấu diếm ý định phát triển tên lửa có khả năng tấn công lục địa Mỹ. Vậy đâu là khả năng thực sự của các tên lửa Triều Tiên đang có?
|
Thực hư về năng lực hạt nhân của Triều Tiên cho đến nay vẫn là một câu hỏi lớn không dễ gì có lời giải. Ảnh: Reuters. |
Sức mạnh đầu đạn tên lửa Triều Tiên đến đâu?
Theo dữ liệu của tổ chức Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân có trụ sở ở Washington DC., các cuộc thử nghiệm hạt nhân đã cho thấy sự tiến bộ trong việc làm chủ công nghệ hạt nhân của Triều Tiên. Nếu như năm 2006, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên tương đương với một vụ nổ của 2 kiloton TNT thì lần thử nghiệm sau đó vào năm 2009 đã đạt mức 8 kiloton và vụ nổ được nước này tiến hành tháng 9/2016 thậm chí còn lên tới 35 kiloton.
Những con số trên thực sự đáng phải suy ngẫm nếu so sánh với sức công phá 16 kiloton của quả bom nguyên tử quân đội Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945. Và nếu Triều Tiên có thể gây ra vụ nổ với sức công phá như vậy ở Mỹ thì hậu quả sẽ khôn lường đến đâu? Nhưng đó cũng chính là thách thức mà Triều Tiên vẫn đang tìm kiếm câu trả lời.
Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về kỹ thuật khi bay được ngày càng xa và hiện đã có thể đạt đến tầm bắn 10.400km. Những vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên không được thực hiện với đầu đạn hạt nhân và Triều Tiên sẽ phải tính toán để tích hợp thành công đầu đạn lên các tên lửa mà không ảnh hưởng đến tầm bắn.
Đầu đạn có thể bay
Việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân là một bước quan trọng để có thể biến một quả bom hạt nhân thành một tên lửa hạt nhân. Quá trình thu nhỏ bao gồm việc tìm ra thiết kế nhỏ gọn nhất để có thể đặt đầu đạn này lên một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà không làm ảnh hưởng đến quỹ đạo bay của quả tên lửa.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có mặt trực tiếp thị sát một buổi thử tên lửa. Ảnh: KRT/AP. |
Matthew Kroenig, chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Hội đồng Đại Tây Dương nói rằng, cách thức Triều Tiên có thể theo đuổi mục tiêu nói trên là sử dụng cái gọi là “thiết kế nổ”, trong đó vật liệu phân hạch hạt nhân sẽ được kích nổ bằng chất nổ truyền thống.
“Bạn có những vật liệu phân hạch hạt nhân – tốt hơn là plutoni – trong một quả cầu lỏng lẻo và bao quanh nó bằng chất nổ thông thường. Bạn cần chúng phát nổ cùng lúc, nếu không thì plutoni sẽ thổi bay những vật chất còn lại”, chuyên gia Kroenig nói.
Nếu việc kích nổ không diễn ra đồng thời thì khả năng tốt nhất sẽ là kích hoạt một chuỗi phản ứng gây tiêu hao nhiên liệu phân hạch. Kịch bản tệ nhất là việc kích nổ không tạo ra chuỗi phản ứng hạt nhân.
Ông Tom Plant, Giám đốc chương trình về chính sách hạt nhân và phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về quốc phòng-an ninh (RUSI) cho rằng, đây có lẽ là thiết kế mà Triều Tiên theo đuổi.
Đầu đạn phải quay trở lại được khí quyển
Mặc dù tờ Washington Post thông tin cho rằng Triều Tiên đã thành công trong việc sản xuất một đầu đạn hạt nhân nhỏ gọn có thể phù hợp với ICBM mà nước này sở hữu nhưng việc đầu đạn hạt nhân này có thể “sống sót” trong chuyến hành trình của ICBM lại là một vấn đề khác. Sự khác biệt ở đây có thể là rất quan trọng, ông Plant nói.
“Liên quan đến đánh giá tình báo cụ thể của Mỹ, ngôn ngữ luôn là điều cần phải chú ý. Đánh giá này nói rằng Triều Tiên đã sản xuất đầu đạn hạt nhân cung cấp cho tên lửa đạn đạo, bao gồm cả việc cung cấp cho ICBM. Đó là một khác biệt so với việc nói rằng những đầu đạn này có thể gắn trên thiết bị bay có khả năng quay trở lại khí quyển”, ông Plant cho biết.
Ông Plant nói thêm: “Trong một cuộc đối thoại bình thường, có thể suy luận theo hai cách nhưng trong một đánh giá tình báo, nó phải hoàn toàn rõ ràng”.
Nói một cách đơn giản, đầu đạn hạt nhân có thể được thiết kế với mục đích gắn trên ICBM. Hành trình đầy đủ của một tên lửa như vậy sẽ phải bay lên không gian và quay trở lại bầu khí quyển của trái đất. Đây được cho là bài kiểm tra khó khăn nhất để đảm bảo tên lửa hạt nhân có thể thành công trong việc bắn được tới mục tiêu. Nếu quá trình quay trở lại bầu khí quyển thất bại, sức mạnh tấn công của quả tên lửa sẽ chẳng còn ý nghĩa gì.
Ông Plant nói rằng ngoài việc đảm bảo nhiên liệu phân hạch còn nguyên vẹn khi tên lửa quay trở lại bầu khí quyển, hệ thống các lá chắn nhiệt và lá chắn chống hư hại cũng như hệ thống kích nổ cũng phải hoạt động. Tất cả các yếu tố này đều phải được tính đến trong công thức tính trọng lực khi tên lửa quay trở lại bầu khí quyển.
Tên lửa lớn hơn có giúp Triều Tiên thành công?
Hiện nay, mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên có lẽ hiện hữu nhất đến từ tên lửa Hwasong-14 bất chấp việc đoạn video do kênh truyền hình NHK của Nhật Bản công bố hồi tháng trước cho thấy, tên lửa này đã nổ tung khi quay trở lại bầu khí quyển trái đất.
|
Tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên. Ảnh: NC. |
Karl Dewey, chuyên gia tại công ty nghiên cứu quốc phòng Jane's nhận định, kết quả của sự ra mắt Hwasong-14 không thực sự thành công dưới con mắt của các chuyên gia quốc tế có thể là vấn đề kỹ thuật của khả năng quay trở lại khí quyển nhưng cũng có thể là do Triều Tiên muốn cho tên lửa này phát nổ để tránh gây ra những hệ quả không mong muốn.
Nếu Hwasong-14 có sai sót, Triều Tiên có thể dựa trên lý thuyết để chế tạo một tên lửa lớn hơn có khả năng mang theo đầu đạn nặng hơn. Chuyên gia Dewey nhận định: “Nói thường dễ hơn làm, đặc biệt là khi xem xét các yêu cầu hoạt động thực tế cũng như khả năng triển khai. Ví dụ như tên lửa Unha/Taepodong thường được coi là được thiết kế để trang bị trở thành vũ khí nhưng làm được điều này thực sự mất rất nhiều thời gian”.
Một quả tên lửa có khả năng là ICBM của Triều Tiên kể từ khi lần đầu được thử nghiệm hồi năm 2006 cho đến nay vẫn bị nhiều chuyên gia nghi ngờ và thực tế đã cho thấy nó chưa hội tụ được đầy đủ những yếu tố kỹ thuật cần thiết.
John Schilling, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học South Carolina từng nhận định rằng, tên lửa Triều Tiên “quá nặng nề và rườm rà” để gắn đầu đạn hạt nhân. Trong bối cảnh như vậy, tên lửa Hwasong-14 vẫn là lựa chọn chính của Triều Tiên hiện nay.
Nga và Trung Quốc sẽ tham gia?
Bất kỳ sự trợ giúp nào của nước ngoài cũng có thể đẩy nhanh chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên.
Nga từng hỗ trợ Triều Tiên từ cuối những năm 1950 đến 1980 xây dựng lò phản ứng nước nhẹ và nhiên liệu hạt nhân cũng như thiết kế tên lửa. Trung Quốc đã hợp tác với Triều Tiên trong việc phát triển và sản xuất tên lửa đạn đạo trong những năm 1970. Pakistan cũng đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên khi chia sẻ với Bình nhưỡng kinh nghiệm sử dụng máy li tâm để làm giàu urani.
Tuy nhiên, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nga và Trung Quốc vẫn cảnh giác về việc chia sẻ công nghệ hạt nhân quân sự với Triều Tiên. Cả hai nước này hiện đang cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân.
“Trung Quốc và Nga rất quan tâm đến việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tôi có thể thấy mối liên hệ giữa chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên với Iran nhiều hơn”, ông Plant nói.
Nói như vậy nhưng sự hợp tác giữa Triều Tiên và Iran như chuyên gia Plant đề cập không hề có bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh và trên thực tế, mô hình các nhà máy cũng như công nghệ làm giàu urani của Bình Nhưỡng và Tehran cũng hoàn toàn khác nhau.
Theo ông Plant, thế giới có thể sẽ phải lo lắng nhiều hơn về khả năng Triều Tiên đóng vai trò như một nhà cung cấp hơn là vai trò người tiếp nhận. Để củng cố nhận định của mình, Plant lấy dẫn chứng về việc năm 2007, không lực Israel từng đánh bom để phá hủy những gì mà các nhà phân tích cho là một lò phản ứng của Syria đang trong quá trình xây dựng theo mô hình của Triều Tiên.