Trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh, khi bị Mỹ và liên quân tấn công, phòng không của Iraq rơi vào tính trạng mất kiểm soát nên đã “bỏ ngỏ” trận địa cho đối phương oanh tạc. Hậu quả là hệ thống chỉ huy thông tin liên lạc mặt đất, hệ thống sân bay, cầu cống và tuyến cung cấp hậu cần của Quân đội Iraq hoàn toàn tê liệt, hơn 100 máy bay Iraq bị bắn cháy... Các phương tiện phòng không đã góp phần quan trọng thể hiện “sức mạnh quân sự siêu cường” của Mỹ và các nước đồng minh.
Kỳ 5: "Sát thủ trên không" trong Chiến tranh vùng Vịnh
Dưới đây là một số phương tiện phòng không mà liên quân đã sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh:
Tên lửa phòng không cơ động tầm thấp MIM-72A/H Chaparral
Tên lửa phòng không cơ động tầm thấp MIM-72A/H Chaparral hoạt động dựa trên nguyên lý tự dẫn hồng ngoại, phát triển từ tên lửa không đối không AIM-9D Sidewinder. Hệ thống gồm 3 bộ phận: Thiết bị phóng và điều khiển; xe mang, tên lửa. Tên lửa và các trang bị được chở trên xe xích tự hành M-48 hoặc M-730 và M54 đặt trên mặt đất.
Tên lửa MIM-72A/H Chaparral được cải tiến thêm hệ thống phân biệt địch ta và hệ thống quan sát hồng ngoại, đầu tìm hai chế độ (vô tuyến thụ động/hồng ngoại thụ động).
|
Đạn tên lửa dành cho hệ thống dài 2,19m, có đường kính 0,13m, sải cánh dài 0,64m. Tên lửa sử dụng động cơ thuốc phóng rắn có trọng lượng phóng 84kg và đạt tốc độ Mach 2,5, tầm bắn 5km. Trên đạn lắp đầu nổ phá mảnh công suất lớn, điều khiển bằng phương pháp tự dẫn hồng ngoại sau khi ngắm bắn bằng kính quang học.
Tên lửa phòng không cơ động tầm thấp MIM-72A/H Chaparral được đưa vào trang bị cho Lục quân Mỹ từ những năm 1960. Trong chiến tranh vùng Vịnh, loại tên lửa này chủ yếu dùng trong Lục quân Mỹ (đặt trên xe M-730A2) và Ai Cập.
Hệ thống phòng không tầm thấp TSE 5000 Crotale
TSE 5000 Crotale do hãng Thomson-CSF và Matra của Pháp sản xuất, được sử dụng trong trang bị của Pháp, Ai Cập, Libya, Ả Rập Saudi. từ những năm 1960.
|
Trong ảnh là khung bệ xe bánh lốp tự hành MOWAG Shark của hệ thống TSE 5000 Crotale.
|
Đạn tên lửa dùng cho hệ thống TSE 5000 Crotale
dài 2,94m, đường kính 0,16m, sải cánh 0,54m. Tên lửa trang bị động cơ một tầng thuốc phóng rắn cho trần bắn 15 đến 5.000m, cự ly sát thương mục tiêu 500-6.000m.
TSE 5000 Crotale được đặt trên xe thiết giáp hoặc xe tăng hạng nhẹ. Loại tên lửa này được điều khiển theo nguyên lý đường ngắm và bằng phương pháp tự dẫn hồng ngoại, dùng radar bám cả tên lửa và mục tiêu, điều khiển cánh lái khí động của tên lửa qua bộ lái tự động.
Với hệ thống xử lý tự động trên máy tính số, hệ thống có thể liên kết với các đơn vị hỏa lực phòng không khác (tên lửa, pháo phòng không), quản lý tự động 36 mục tiêu theo dõi 12 mục tiêu nguy hiểm nhất. Ngoài radar điều khiển hỏa lực đơn xung, hệ thống còn có trang bị TV để điều khiển tên lửa tự động trong trường hợp bị gây nhiễu.
Tại vùng Vịnh, loại tên lửa này chủ yếu dùng trong lực lượng của Pháp và Ả Rập Saudi.
Tên lửa phòng không cơ động MIM-23B HAWK
Tên lửa phòng không cơ động MIM-23B HAWK do hãng Raytheon (Mỹ) sản xuất, đưa vào trang bị từ 1959. Từ năm 1979 đến năm 1990 đã qua ba giai đoạn cải tiến, nhằm tạo khả năng chống tên lửa đượng đạn chiến thuật và chống máy bay tàng hình.
|
Tính đến thời điểm diễn ra cuộc Chiến tranh vùng Vịnh (1991), loại tên lửa này đã được xuất khẩu sang 21 nước, trong đó có Pháp, Ai Cập, Ả Rập Saudi, Kuwait, Hàn Quốc, Singgapore, Đài Loan...
|
MIM-23B HAWK là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và thấp với đầu tự dẫn radar sóng liên tục, gồm các bộ phận: Trạm điều khiển với máy tính số, radar sục sạo AN/MPQ-48 (sóng liên tục), radar chiếu công suất lớn và tên lửa mang đầu tự dẫn radar bán chủ động.
|
Đạn tên lửa dài 5,03m, đường kính 0,36m, lắp động cơ 2 tầng thuốc phóng rắn. Tên lửa tác chiến trong cự ly 40km, trần bắn 30 đến 16.000m |
Phương tiện mang là xe xích M727, dùng hệ thống điều khiển tự dẫn bán chủ động, dẫn đường nhiều giai đoạn. Tại vùng Vịnh, loại tên lửa này chủ yếu sử dụng trong quân đội Mỹ, Ai Cập, Ả Rập Saudi.
Hệ thống phòng không tầm xa MIM-104 Patriot
Patriot là hệ thống phòng không tầm xa, tốc độ cơ động cao, dùng để thay thế các tên lửa phòng không cũ của Mỹ như Nike Hercules. Hệ thống gồm bốn bộ phận chính: tên lửa; xe điều khiển máy tính số hóa AN/MSO-104; bệ phóng M-901 và radar mạng pha đa năng AN/MPQ-53. Radar làm các chức năng quan sát, phát hiện và bám mục tiêu, điều khiển tên lửa tương đương với 5 radar trong các hệ HAWK và Nike Hercules.
Tên lửa phòng không cơ động tiên tiến do hãng Raytheo của Mỹ sản xuất, được trang bị lần đầu năm 1976 và sử dụng lần đầu trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Ngoài Mỹ, hệ thống Patriot còn được xuất khẩu sang Bỉ, Hà Lan.
Tên lửa Patriot được coi là một trong ba loại vũ khí then chốt giúp Mỹ thắng Iraq.
|
Đạn tên lửa Patriot dài 5,31m và có đường kính rộng 0,41m. Tên lửa sử dụng loại động cơ thuốc phóng rắn có tốc độ Mach 3 và cự ly tác chiến hơn 40km, đạt tầm bắn 78km. Tên lửa điều khiển bằng phương pháp bốn cánh khí động, đầu đạn nổ mảnh hoặc hạt nhân.
Phương tiện mang trạm phóng M-901 điều khiển dẫn theo lệnh, tự dẫn bán chủ động bám qua tên lửa hoặc điều khiển tự động qua vệ tinh.
Tác dụng lớn nhất của Patriot là khả năng chống tên lửa đạn đạo. Trong cuộc chiến vùng Vịnh, tên lửa Patriot được điều khiển phóng theo hai phương án: Bán tự động hoặc hoàn toàn tự động bằng hệ thống điều khiển qua vệ tinh, có khả năng tiêu diệt tên lửa Scud Iraq với xác suất 50% khi bắn một quả, và tới 98% khi phóng hai quả liền.
Tên lửa phòng không cơ động Roland
Tên lửa phòng không cơ động Roland do nhiều hãng chế tạo: Euromissile, Hughes và Boeing. Nó được đưa vào trang bị của Quân đội Pháp từ năm 1977.
|
Tên lửa phòng không cơ động Roland phóng tên lửa.
|
Roland được trang bị đạn tên lửa lắp đầu tự dẫn hồng ngoại, dài 2,4m,đường kính 0,16m và sử dụng động cơ thuốc phóng rắn hai tầng. Trọng lượng thuốc phóng của loại tên lửa này từ 66,5kg đến 85kg.
Roland là hệ thống phòng không sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết, dùng để chống máy bay hoặc trực thăng ở độ cao trung bình, thấp và cực thấp. Toàn bộ hệ thống được bố trí thành một khối gồm radar quan sát, radar bám/điều khiển, kính ngắm quang học, máy tính điều khiển cùng đặt trên xe tự hành (xe xích hoặc xe bánh lốp).
Tên lửa phòng không vác vai Stinger
Stinger do hãng Ganeral Dynamic của Mỹ sản xuất, đưa vào trang bị từ năm 1981 cho các lực lượng Lục quân, Lính thủy Đánh bộ Mỹ. Nó được thiết kế để đánh chặn, phá hủy trực thăng, máy bay bay thấp.
|
Loại tên lửa này có các dạng vác vai, gắn trên xe và trên trực thăng. Tên lửa có độ kháng nhiễu cao nhờ dùng cảm biến kết hợp hồng ngoại – tử ngoại, hồng ngoại – sóng vô tuyến.
|
Đạn tên lửa Stinger nặng 15,8kg, dài 1,52m, đường kính 0,07m, tầm bắn 5km. Tên lửa do một người mang và điều khiển bằng tự dẫn hồng ngoại thụ động.
Được chế tạo nhằm thay thế thế hệ tên lửa vác vai FIM-48, ngoài cảm biến hồng ngoại còn dùng dạng sóng vô tuyến, TV, hồng ngoại và tử ngoại.
Trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào, không quân luôn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các lực lượng mặt đất hành quân. Tuy nhiên, ở chiến tranh vùng Vịnh, Không quân Iraq đã không thể làm gì trước sức tấn công khủng khiếp của Mỹ, đồng minh. Cho dù máy bay chiến đấu Iraq vượt qua các cuộc không kích vào sân bay thì cũng khó tồn tại trên không trước tiêm kích, tên lửa phòng không đối phương. Chẳng thế mà, không ít phi công Iraq đã lái chiến đấu cơ hiện đại của Không quân Iraq tháo chạy sang Iran.