Hiện nay, Quân đội Trung Quốc đang đầu tư nguồn lực đáng kể vào một cấu trúc quân đội có tiềm năng thay đổi cơ cấu chiến lược ở Tây Thái Bình Dương. Cấu trúc này bao gồm việc phát triển năng lực đa xen-xơ (sensor) để giám sát một vùng biển rộng lớn ở xa bờ biển Trung Quốc và vươn xa trên Thái Bình Dương. Cơ sở hạ tầng trinh sát ngày một mở rộng của Trung Quốc được thiết kế để hỗ trợ cho năng lực tiến công chính xác nhằm vào các tàu trên biển, các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, căn cứ không quân, hải cảng và các cơ sở quan trọng khác.
Mục đích của những năng lực tiến công - trinh sát này là nhằm làm giảm khả năng quân sự của Mỹ trong việc triển khai sức mạnh trong khu vực khi xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột để thực thi những cam kết an ninh của Mỹ với các đồng minh và đối tác.
Do đó, Trung Quốc đang tập trung phát triển vào 7 lực lượng trinh sát mà theo họ sẽ cho phép giám sát các hoạt động trên Biển Hoa Đông và xa hơn gồm: Máy bay trinh sát; vệ tinh; tàu ngầm; tàu cảnh giới biển; rađa tầm xa; phương tiện bay không người lái; các phương tiện bay trên vũ trụ gần.
Máy bay trinh sát
Lực lượng không quân Hải quân Trung Quốc vận hành một số lượng không nhiều các máy bay tuần tra biển cất cánh từ trên bờ. Phiên bản máy bay hải quân Y-8 là loại máy bay tuần tra biển chính của Hải quân Trung Quốc. Trong khi đó, lực lượng Không quân Trung Quốc đang được biên chế các máy bay trinh sát cảnh báo sớm là KJ-2000 và KJ-200.
Những máy bay cảnh báo sớm và trinh sát này đều được trang bị ăngten lớn, máy tính tốc độ cao, rada có khả năng quay 360 độ nên có thể theo bám được hàng trăm mục tiêu cùng lúc trên một khu vực rộng 3.600km.
Tuy nhiên, do có số lượng quá ít nên chúng không thể giúp bao quát toàn bộ khu vực biển rộng lớn mà Trung Quốc đang có nhiều tranh chấp như biển Hoa Đông và Biển Đông. Bên cạnh đó, vì nhiệm vụ chính của các loại máy bay này là trinh sát cảnh báo sớm nên trang bị vũ khí hạn chế nên trong tình huống nổ ra xung đột, chúng rất khó có thể tạo ra năng lực ISR cần thiết cho các đơn vị phóng tên lửa chiến trường.
|
Máy bay trinh sát cảnh báo sớm KJ-2000. Ảnh: Wikipedia.org |
Vệ tinh
Để bù đắp những khiếm khuyết của các máy bay, Quân đội Trung Quốc đã phóng khá nhiều vệ tinh với khả năng hỗ trợ tác chiến cho tên lửa chiến trường với dữ liệu trinh sát biển.
Số này bao gồm các vệ tinh quang - điện tử (EO) cung cấp hình ảnh số trong trường mắt thường quan sát và hồng ngoại gần; vệ tinh mang rađa mặt mở tổng hợp (SAR) để quan sát ban đêm, cung cấp hình ảnh trong mọi điều kiện thời tiết; vệ tinh tình báo điện tử (ELINT) để xác định vị trí và nhận dạng các tàu bằng phát xạ điện từ.
Chỉ riêng năm 2012, Quân đội Trung Quốc đã phóng 11 vệ tinh cảm biến từ xa (remote sensing) mới. Lực lượng này cũng phóng 3 vệ tinh thông tin liên lạc và 1 vệ tinh chuyển tiếp để liên lạc với các trạm mặt đất từ khoảng cách ngoài tầm quan sát bằng mắt thường.
Gần đây hơn, Trung Quốc đã phóng các hệ thống vệ tinh cảnh giới đại dương hải quân (NOSS) phiên bản thứ ba vào tháng 9/2013. Việc này khẳng định vai trò chủ chốt của ISR từ vũ trụ trong việc hỗ trợ cho năng lực tiến công của Quân đội Trung Quốc.
Tàu ngầm trinh sát
Hải quân Trung Quốc có hạm đội tàu ngầm điêzen lớn nhất thế giới và một số tàu ngầm tiến công chạy bằng năng lượng hạt nhân, giúp cho nó có khả năng trinh sát dưới nước mạnh.
Với khoảng 40 tàu ngầm tiến công hiện đại hiện có và dự tính lên tới 70 chiếc vào năm 2020, lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc có vai trò hỗ trợ những nỗ lực nhằm đạt được việc kiểm soát biển quanh chuỗi đảo thứ nhất, bao gồm cả việc ngăn không cho Mỹ và Nhật Bản can thiệp vào một cuộc xung đột với Đài Loan.
Hải quân Trung Quốc cũng sử dụng các tàu ngầm tiến công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) cho nhiều sứ mệnh tầm xa khác nhau, bao gồm các sứ mệnh cảnh giới và can thiệp trên mặt biển bằng các tên lửa hành trình chống hạm (ASCM) và ngư lôi.
Hiện lực lượng này có hai chiếc lớp Shang thế hệ thứ hai (Type-093) và có thể bổ sung tới 05 chiếc thế hệ thứ ba (Type-095) trong những năm tới. Hải quân Trung Quốc cũng vận hành 8 tàu ngầm lớp Kilo đã được nâng cấp với khả năng tàng hình và phóng các tên lửa hành trình tiên tiến do Nga chế tạo.
Tàu cảnh giới biển
Trung Quốc vận hành ít nhất 03 hạm đội tàu cảnh giới biển, số tàu này thuộc biên chế của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Hải quân Trung Quốc. Những tàu này ngày càng hiện diện nhiều hơn ở những vùng biển thuộc Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, đặc biệt kể từ tháng 9/2012.
Theo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản, rất nhiều những tàu này giả danh là tàu đánh cá - dù không có những công cụ đánh cá chủ yếu như lưới hay ngư cụ.
Năm 2014, các tàu cảnh giới của Hải quân Trung Quốc được cho là cũng đã bắt đầu tiến hành các hoạt động trong những vùng biển của Mỹ ngoài khơi đảo Hawaii với mục đích chính là thu thập thông tin về các vụ thử tên lửa đánh chặn đường đạn (BMD) của Mỹ. Những dữ liệu kỹ thuật thu thập được có thể được các nhà thiết kế tên lửa Trung Quốc khai thác để chế tạo vũ khí xuyên thủng các hệ thống BMD của Mỹ và Nhật Bản.
|
Tàu trinh sát điện tử Hải Vương Tinh. Ảnh: Chinamil |
Rađa ngoài đường chân trời
Ngoài các xen xơ đường không, trên vũ trụ, trên mặt và ngầm bên dưới mặt nước để trinh sát biển, các hệ thống rađa ngoài đường chân trời tán xạ ngược (OTH-B) là thành phần rất quan trọng trong cấu trúc cảnh giới mặt biển và cảnh giới đường không tầm xa của Quân đội Trung Quốc.
Mạng lưới các hệ thống rađa OTH này sẽ được vận hành bởi các chuyên gia của cả Hải quân và Không quân nhằm giúp Quân đội Trung Quốc phát hiện các tàu sân bay, thiết bị đường không và những mục tiêu khác hoạt động trong tầm của các hệ thống rađa. Do các rađa OTH-B phát ra xung ngoài tầng điện ly để nhận diện mục tiêu từ trên xuống nên tầm phát hiện có thể mở rộng từ 1.000 đến 4.000km.
Phương tiện bay không người lái
Việc phát triển một lượng lớn các phương tiện bay không người lái (UAV) cho sứ mệnh quân sự của Trung Quốc mở rộng sang Tây Thái Bình Dương đã giúp cải thiện đáng kể năng lực tiến hành trinh sát biển.
Theo các quan chức của Trung Quốc, quốc gia này có kế hoạch xây dựng các căn cứ UAV dọc bờ biển nước này vào năm 2018 cho các sứ mệnh giám sát biển. Theo báo cáo, Không quân Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các UAV cho những sứ mệnh gần Biển Hoa Đông, đáng chú ý là từ căn cứ không quân gần Shuimeng/tỉnh Phúc Kiến. Thống kê cho thấy, chỉ riêng Không quân Trung Quốc đã có hơn 280 UAV trong biên chế. Theo một vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu, trong những năm tới Trung Quốc có thể sẽ trang bị hơn 1.000 UAV cỡ vừa và cỡ lớn để phục vụ nhiệm vụ trinh sát biển.
Giới phân tích cho rằng, các UAV Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho việc mở rộng phạm vị hoạt động của quân đội nước này, giúp cải thiện khả năng tiến công - trinh sát vươn xa hơn vào Tây Thái Bình Dương. Một mạng lưới đa dạng các UAV cho sứ mệnh ISR, kết hợp với các vệ tinh, tàu cảnh giới và những thiết bị khác sẽ giúp cho Quân đội Trung Quốc ngày càng cải thiện khả năng xác định vị trí các hạm đội của đối phương từ cự ly xa hơn.
|
Một UAV được Trung Quốc phóng thử nghiệm. Ảnh: Chinadaily |
Các phương tiện vũ trụ gần
Các nhà phân tích Trung Quốc coi khu vực giữa bầu khí quyển và vũ trụ bên ngoài - “vũ trụ gần” là vùng cạnh tranh chiến lược trong tương lai. Vũ trụ gần được phác họa trong các tài liệu Trung Quốc như là vùng giữa 20 và 100 km bên trên bề mặt Trái Đất. Khu vực này là quá cao cho các máy bay sử dụng khí ôxy và quá thấp cho những vệ tinh bay quanh quĩ đạo. Do đó, phát triển các phương tiện trinh sát vũ trụ gần là một trong những ưu tiên trọng điểm của Quân đội Trung Quốc hiện nay.
Hiện Trung Quốc đang phát triển các phương tiện vũ trụ gần được triển khai ở độ cao từ 60 đến 90 km bên trên Trung Quốc cho các sứ mệnh giám sát biển liên tục và tác chiến điện tử mở rộng tới 1.000km trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Các phương tiện vũ trụ gần này của Quân đội Trung Quốc có thể được sử dụng như những máy bay tác chiến điện tử để dẫn đường cho các tên lửa và máy bay tiến công các tàu sân bay của Mỹ nếu như có xung đột xảy ra.