Ngay cả trong hai cuộc chiến tranh thế giới, vị thế trung lập của Thụy Sĩ vẫn không bị lung lay dù đã có lúc Quân đội Đức tiến sát biên giới nước này và Thụy Sĩ được vũ trang toàn dân, tuy nhiên giao tranh chưa từng diễn ra trên đất Thụy Sĩ.
Thời điểm duy nhất vị thế trung lập này của Thụy Sĩ thực sự bị phá vỡ là trong Chiến tranh Napoleon, mặc dù người Thụy Sĩ vẫn cố gắng duy trì tính trung lập của mình trong suốt cuộc xung đột và lập lại sự trung lập vào năm 1815-sau khi cuộc chiến Napoleon kết thúc.
|
Trận chiến Marignano. Ảnh: Wiki. |
Nguồn gốc của quốc gia trung lập lâu đời nhất châu Âu và nhất thế giới này bắt đầu từ cuộc chiến tranh Pháp - Thụy Sĩ, cụ thể là sau trận Marignano, trận đánh trong giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh Liên Minh Thần Thánh (1508-1516).
Trước trận chiến Marignano, Quân đội Thụy Sĩ đã giành được nhiều chiến lợi phẩm từ việc cướp bóc và chiếm nhiều miền Bắc nước Ý, bao gồm Milan, cứ điểm then chốt của Quân đội Pháp.
Quân đội Pháp, dưới thời vị Vua trẻ Francis, đã quyết định làm Thụy Sĩ bất ngờ bằng cách thực hiện một cuộc hành quân nguy hiểm vượt qua dãy Anpơ hiểm trở và trước đây chưa từng có đạo quân nào sử dụng dãy núi này để tiến vào vùng đồng bằng xung quanh Milan.
Để tránh một cuộc xung đột bất ngờ và yếu thế hơn hẳn, Quân đội Thụy Sỹ bắt đầu đưa ra các điều khoản thỏa thuận với Quân đội Hoàng gia Pháp; tuy nhiên, các nỗ lực đó đã không thành công và Thụy Sĩ buộc phải chuẩn bị cho một cuộc chiến một mất một còn.
|
Quân đội Thụy Sĩ đối đầu với kỵ binh đánh thuê của Pháp. Ảnh: Wiki. |
Phía Thụy Sỹ có khoảng 22.000 quân phải đối mặt với một đội quân Pháp gần 40.000 người với những đội quân đánh thuê khét tiếng như Landsknechts, Lancers và pháo binh đáng gờm của Đức (đánh thuê cho Pháp). Binh lính Thụy Sĩ có vẻ đã quá lạc quan và không quá quan tâm đến những con số áp đảo đó vì vài năm trước đó trong trận Novara, họ cũng đã từng chiến thắng một đội quân đông có quân số đông gấp… ba lần.
Trước trận chiến, Vua Francis quyết định bố trí hàng chục đại bác cỡ lớn dọc theo các tuyến tiền tuyến ở trung tâm đội hình và kỵ binh trải rộng hai bên sườn, đây là lối đánh rất đơn giản và phổ biến vào thời bấy giờ, tuy nhiên lại khó có thể khắc chế được chiến thuật này nhất là với quân số chỉ bằng… một nửa.
Phía Thụy Sĩ thì ngược lại, họ hoàn toàn không có lực lượng pháo binh hay kỵ binh mà chỉ trông chờ vào lực lượng bộ binh. Chiến lược của họ là tấn công vào trung tâm của quân Pháp, nghĩa là “lao đầu” thẳng vào các khẩu pháo, giữ vị trí và xoay pháo binh xung quanh để bắn vào quân Pháp. Chiến thuật này đã được người Thụy Sĩ sử dụng thành công một lần trong quá khứ và họ có cơ sở để tin vào chiến thắng dù quân số chỉ bằng một nửa so với Pháp.
Lính Thụy Sĩ tấn công ngay trước khi mặt trời lặn, nhanh đến mức pháo binh Pháp gặp khó trong việc khai hỏa vào lực lượng bộ binh đang xông đến. Quân Thụy Sĩ chiếm được một số khẩu pháo và bắt đầu xoay nòng bắn vào quân Pháp, lực lượng đánh thuê của Đức đã chiến đấu cực kỳ “máu lửa”, gây khó khăn lớn cho Quân đội Thụy Sĩ khiến phía Thụy Sĩ buộc phải rút lui, trận chiến kết thúc khi mặt trời lặn.
Ngày hôm sau, cuộc chiến lại tiếp tục và phía Thụy Sĩ lại tiếp tục sử dụng chiến thuật cũ. Tuy nhiên lúc này ưu thế bất ngờ đã không còn, pháo binh Pháp đã có sự chuẩn bị trước và được bọc hậu bằng nhiều đơn vị thiện chiến bao gồm cả kỵ binh.
|
Kỵ binh Pháp đã phải rất vất vả để có thể chống lại lối đánh "quyết tử" của binh lính Thụy Sĩ. Ảnh: Wiki. |
Trong diễn biến tiếp theo của cuộc chiến pháo binh của Pháp đã đập tan các đội hình bộ binh trung tâm được tổ chức chặt chẽ của Thụy Sĩ ngay trong vài giờ đầu. Không nản lòng, lính Thụy Sĩ vẫn tiếp tục tiến tới lao thẳng vào nòng pháo của quân Pháp.
Theo những nhà nghiên cứu sử học, nhiều tài liệu đã ghi lại việc pháo binh Pháp gần như xé nát đội hình của quân đội Thụy Sĩ, tuy nhiên những người còn lại vẫn tiếp tục tiến lên, họ chiến đấu như những vị thần, không biết sợ hãi và không hề nao núng dù từ đầu đến chân phủ đầy máu của đồng đội và phía trước là hàng chục khẩu đại bác cùng kỵ binh Pháp đang sẵn sàng đón tiếp họ.
Thậm chí, đội hình của Quân đội Thụy Sĩ dù mỏng nhưng vẫn được giữ vững ngay cả trong khi kỵ binh đánh thuê của Đức và pháo binh Pháp tấn công áp đảo nhất.
Trận chiến bất phân thắng bại khi cả hai bên đã quá “chầy cối” cho đến khi các lực lượng quân sự của quân đội Venice liên minh với Pháp xuất hiện, tấn công vào hai cánh của quân đội Thụy Sĩ, phía Thụy Sĩ mới chịu rút lui.
Tuy nhiên, phía Thụy Sĩ đã phải trả giá đắt khi họ mất tới một nửa lực lượng trong khi đó chỉ tiêu diệt được khoảng 5000 lính Pháp.
Điều này dẫn đến việc Thụy Sĩ ngay lập tức ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với người Pháp với những điều khoản dài hạn. Hiệp ước có một điều khoản "Hòa bình trọn đời" nêu rõ cả Pháp lẫn Thụy Sĩ sẽ không bao giờ gây chiến với nhau, cũng như liên minh với kẻ thù của đối phương để chống lại nhau.
Điều khoản này vẫn tồn tại cho đến khi cuộc Cách Mạng Pháp nổ ra và những người Pháp đi theo cách mạng đã xâm chiếm vào Thụy Sĩ. Tuy nhiên, phía Thụy Sĩ vẫn không hề phản kháng. Sau khi Cách Mạng Pháp kết thúc, phía Pháp đã xin lỗi Thụy Sĩ trao trả toàn bộ phần lãnh thổ mà lực lượng cách mạng đã chiếm mất của Thụy Sĩ.
Qua nhiều thế kỷ, lập trường trung lập của Thụy Sĩ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn khi nước này đứng ngoài gần như mọi cuộc xung đột của châu Âu. Với việc đứng ngoài các cuộc xung đột của châu Âu, Thụy Sĩ trở thành nơi gửi tiền rất an toàn cho các “ông lớn” khi họ đang mải mê tham chiến với “cả thế giới”. Không ai dám tấn công Thụy Sĩ vì như vậy không khác nào tự xé toạc cái túi giữ tiền của mình do Thụy Sĩ giữ tiền cho mọi phe tham chiến.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, suýt nữa Đức đã tấn công Thụy Sĩ, sự việc căng thẳng đến mức Thụy Sĩ đã vũ trang toàn dân cho cả phụ nữ và người lớn tuổi, quyết chiến đấu tới người cuối cùng nếu bị tấn công. Tuy nhiên chiến dịch tấn công vào Thụy Sĩ đã bị Đức hủy bỏ vào phút chót và không bao giờ xảy ra cho đến khi chiến tranh kết thúc.
|
Lính Đức và Lính Thụy Sĩ đứng nói chuyện cùng nhau ở biên giới hai nước trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ảnh: Pinterest. |
Bên cạnh chính sách ngoại giao trung lập, người Thụy Sĩ có thể duy trì được sức mạnh quân sự của mình bởi họ có hệ thống phòng thủ tự nhiên tuyệt vời. Với địa hình đèo núi dày đặc và hiểm trở một trong những trở ngại lớn cho ngay cả một quân đội xâm lược với đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cơ giới hiện đại.
Có thể coi Thụy Sĩ như một bài học sống về biện pháp ngoại giao mềm mỏng mà cực kỳ hiệu quả khi mà nước này nằm kẹp giữa Pháp, Đức, Ý, Áo-những quốc gia “ông lớn” nhất châu Âu trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới nhưng không ai trong số đó muốn lao đầu vào Thụy Sĩ.