Business Insider cho biết, vụ việc xảy ra vào ngày 27/10, tại Trung tâm huấn luyện phi công tiêm kích của thủy quân lục chiến ở Beaufort, South Carolina. Một đám cháy xuất hiện trong khoang vũ khí của một chiếc tiêm kích tàng hình F-35B trong quá trình bay huấn luyện.
Trung úy John Roberts, phát ngôn viên phi đoàn thủy quân lục chiến số 2 nói: “Chiếc máy bay hạ cánh an toàn và không có thương vong xảy ra. Chúng tôi đang tiến hành điều tra nguyên nhân sự việc và sẽ cung cấp thêm thông tin khi có sẵn”.
Trung tâm An toàn Hải quân Mỹ liệt kê vụ cháy vào tai nạn loại A, thiệt hại ước tính do vụ cháy khoảng 2 triệu USD hoặc nhiều hơn đối với chiếc máy bay trị giá 100 triệu USD.
Đây không phải là lần đầu tiên sự cố kỹ thuật xảy ra với chương trình phát triển máy bay chiến đấu đắt giá nhất lịch sử. Chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 hứng chịu nhiều chỉ trích về kỹ thuật cũng như chi phí.
Trong tháng 9, một đám cháy xuất hiện sau đuôi chiếc F-35A trong quá trình khởi động chuẩn bị cất cánh, rất may đám cháy được dập tắt kịp thời. Nguyên nhân của vụ việc vẫn chưa được xác định. Một số nguồn tin cho rằng, đám cháy xuất phát từ động cơ Pratt & Whitney F135.
|
Tiêm kích đắt nhất thế giới liên tục gặp vấn đề kỹ thuật. Ảnh: Không quân Mỹ |
Cũng trong tháng 9, Reuters dẫn nguồn tin không quân Mỹ cho biết, các nhân viên bảo trì ở căn cứ không quân Utah, Arizona phát hiện lỗi bong tróc hệ thống cách điện ở bộ phận làm mát thùng nhiên liệu. Cụ thể, 15 máy bay F-35A phát hiện lỗi đang được triển khai tại căn cứ Utah, Arizona và Nevada. Trong đó có 13 chiếc của Mỹ và 2 của các nước khác. 42 chiếc trên dây chuyền sản xuất cũng gặp lỗi tương tự.
Năm 2014, một chiếc F-35 khác cũng bốc cháy khi cất cánh tại căn cứ không quân Mountain Home. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ lỗi của động cơ F135. Lầu Năm Góc đã đình chỉ toàn bộ hoạt động thử nghiệm của F-35 để khắc phục vấn đề.
Bên cạnh những sự cố kỹ thuật, máy bay chiến đấu đắt nhất thế giới gặp nhiều khó khăn và sự chỉ trích về vấn đề chi phí. Đầu tháng 11, các quan chức quốc phòng yêu cầu thêm 500 triệu USD để hoàn thành quá trình phát triển F-35 vốn đã tiêu tốn hơn 50% ngân sách dự toán ban đầu.
Chi phí tăng nhưng các vấn đề với F-35 liên tục phát sinh. Trong quá trình phát triển F-35 gặp hết vấn đề này lại phát sinh vấn đề khác về hệ thống điện, phần mềm, hệ thống mũ bay tích hợp cao cấp.
4 tháng trước, giám đốc thử nghiệm vũ khí của Lầu Năm Góc cho biết trong một bản báo cáo rằng, chương trình F-35 không đi trên con đường hướng đến thành công mà rơi vào con đường dẫn đến thất bại.
Tuy vậy, thủy quân lục chiến và không quân vẫn tuyên bố tiêm kích F-35 đã sẵn sàng tham chiến và bắt đầu nhận biên chế phi đội F-35B và F-35A đầu tiên. Hiện tại, Lockheed Martin đã sản xuất khoảng 180 chiếc F-35 cho Mỹ và các khách hàng trên thế giới trong kế hoạch đặt hàng 2.400 chiếc.