Chiêm ngưỡng 2 "mỏ vàng” dưới lòng đất khủng nhất thế giới

Google News

Hai mỏ vàng nói trên thuộc về thủ đô London và dưới lòng New York Mỹ. Cả hai mỏ vàng này đều có giá trị tương đương trên 200 tỷ USD.

Mỏ vàng của 8 ngân hàng lớn nhất nước Anh
Với tổng diện tích hơn 300.000 feet vuông (tương đương gần 28 km2) ngay bên dưới trung tâm thủ đô của nước Anh là một hệ thống mê cung của những mỏ vàng dưới lòng đất  thuộc 8 ngân hàng lớn nhất tại quốc gia này.
Giá trị của lượng vàng nằm bên dưới lòng đất có giá trị ước tính rơi vào khoảng 172 tỷ bảng Anh (tương đương 248 tỷ USD).
 Mỏ vàng có diện tích 300.000 feet vuông dưới thành phố London.
Đa số các thỏi vàng được đúc theo dạng hình thanh chữ nhật dài nặng 12 kg, và xếp chồng lên nhau thành nhiều hàng, nhiều dãy. Với trọng lượng này, một thỏi vàng nếu tính theo tỷ giá hiện nay sẽ có giá khoảng 350 nghìn bảng Anh (khoảng 500 nghìn USD), tức tương đương với một ngôi nhà tại Anh.
Mức độ tinh tế của các thỏi vàng tùy thuộc vào ngân hàng và lò luyện ra chúng. Một số loại được đúc dạng như ổ bánh mỳ để dễ cầm nắm, vận chuyển.
Được biết, khoảng 1/5 lượng vàng thuộc các chính phủ trên thế giới nằm tại xung quanh London với tổng cộng 6,256 tấn vàng được lưu trữ. "Mỏ vàng" 248 tỷ USD này thuộc về chủ sở hữu của hơn 30 quốc gia khác nhau.
Trong đó, chỉ riêng Ngân hàng Anh quốc đã có trữ lượng lên tới 5,134 tấn vàng, bao gồm kho dự trữ chính của Kho bạc Anh và được sử dụng trong phần lớn các giao dịch tài chính tại đây.
 "Mỏ vàng" 248 tỷ USD này thuộc về chủ sở hữu của hơn 30 quốc gia khác nhau.
Ít ai biết rằng, các hầm chứa vàng này trước đây từng là nơi trú ẩn và tránh bom cho người tỵ nạn trong Thế chiến thứ II sau khi được xây dựng vào những năm 1930. Vào năm 1945, các hầm này bắt đầu được cải tạo và gia cố lại với mục đích chứa vàng.
Mặc dù việc lưu trữ vàng và tài sản cá nhân trong những hầm đào sâu dưới lòng đất có vẻ phù hợp cho chế độ quân chủ hơn là một ngân hàng trung ương hiện đại, thế nhưng nét văn hóa này có lẽ sẽ không bao giờ bị thay thế tại xứ sở sương mù.
Một trong những lý do khác khiến người Anh buộc phải xây dựng các hầm chứa vàng, cũng như đặt hệ thống két sắt dưới lòng đất tại London là bởi yếu tố địa lý. Được biết, phần lớn bề mặt của thành phố bao phủ bởi các dải đất mềm, và những vật quá nặng như két chứa vàng, chứa tiền,... sẽ nhanh chóng bị lún xuống khỏi bề mặt giống như khi người ta bước đi trên vũng lầy vậy.
Với một hệ thống "mỏ vàng" rộng lớn và đầy ấn tượng như vậy, nó thực sự đã trở thành một nét văn hóa bên cạnh những ảnh hưởng về mặt chính trị, giáo dục, giải trí, truyền thông, thời trang, và nghệ thuật đã mang lại vị thế thành phố toàn cầu cho London.
Bên trong kho chứa vàng khổng lồ dưới lòng New York
Nằm ở độ sâu hơn 80 m so với mặt đường, kho chứa vàng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York là nơi người ta cất 200 tỷ USD dưới dạng các thỏi vàng.
 Kho chứa vàng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York là nơi người ta cất 200 tỷ USD.
Cất giữ vàng là một trong những dịch vụ tài chính của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Họ nhận bảo quản vàng của các ngân hàng trung ương, chính phủ các quốc gia hay các tổ chức quốc tế dưới danh nghĩa của Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ. Kho vàng nằm dưới tầng hầm thứ sáu của tòa nhà nằm giữa Manhattan, New York, Mỹ. Nó được xây dựng trong đầu thập niên 1920 nhằm tạo ra nơi cất vàng và tiền an toàn cho ngân hàng.
Tuy nhiên, lượng vàng chỉ bắt đầu đổ dồn về kho chứa này trong Thế chiến II, khi các quốc gia khắp thế giới cần đảm bảo vàng dự trữ của họ an toàn tuyệt đối. Lượng vàng ở đây đạt đỉnh năm 1973 với khoảng 12.000 tấn vàng thỏi.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ ngừng đổi vàng thành USD cho các quốc gia ký gửi nên nhiều nước hạn chế tham gia các hoạt động này. Tính tới năm 2012, người ta giữ 530.000 thỏi vàng trong kho với khối lượng khoảng 6.700 tấn. Chúng là nơi cất giấu vô cùng an toàn vì nằm sâu 80 m dưới đường phố Manhattan và 50 m dưới mặt biển.
 Kho vàng này nằm sâu 80m dưới đường phố Manhattan và 50 m dưới mặt biển.
Quá trình vận chuyển vàng vào và ra khỏi hầm phải tuân theo những quy định khắt khe. Ngay sau khi thang máy đưa vàng xuống hầm, người ta cử một nhóm gồm ba chuyên viên tài chính cấp cao tới để giám sát. Người ta kiểm tra trọng lượng và độ tinh khiết của mọi thỏi vàng trước khi chuyển vào kho. Sau cùng, họ đưa vàng vào một trong 122 ngăn chứa dưới hầm để bảo quản. Người ta đặt riêng vàng của từng khách hàng. Trong trường hợp vàng gửi quá ít, họ sẽ cho chúng vào một ngăn chứa chung có các ngăn chứa nhỏ hơn.
Mỗi ngăn chứa vàng được bảo vệ bởi hai ổ khóa, trong đó nhân viên kho dự trữ giữ một chìa và khách giữ chìa còn lại. Các ổ khóa cũng được niêm phong. Người ta phải dùng cả hai chìa khóa để mở ngăn chứa vàng. Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York không tính phí lưu trữ vàng nhưng lại thu phí giao dịch vàng gửi tại đây, ngay cả khi khách hàng chuyển vàng giữa các ngăn trong cùng kho dự trữ.
Hình dạng các thanh vàng trong kho chứa ở New York cũng rất khác biệt. Trước năm 1986, thanh vàng tại Mỹ thường giống viên gạch hình chữ nhật. Tuy nhiên, hình dạng phổ biến của các thanh vàng ngày nay là hình thang. Người ta rất khó nhận dạng nơi đúc các thanh vàng hình thang nhưng dễ dàng nhận biết xuất xứ của các thỏi vàng hình chữ nhật dựa vào phần khác biệt trên thân chúng.
Ngoài ra, vàng trong các kho chứa thường không phải vàng nguyên chất. Do các thỏi vàng nguyên chất rất dễ biến dạng trong quá trình vận chuyển nên người ta trộn thêm các kim loại khác như đồng, bạc và bạch kim. Người ta nhận biết kim loại pha tạp bằng màu sắc trên thỏi vàng. Nếu chúng có những vệt màu trắng thì đó là dấu vết của bạc hoặc bạch kim trong khi đồng để lại màu đỏ và sắt tạo ra màu xanh lục.
Giá cả của vàng trong kho phụ thuộc vào trọng lượng, độ tinh khiết và giá cả thị trường. Tuy nhiên, giá không biến đổi từng ngày theo giá thị trường. Nó được Cục dự trữ liên bang New York ấn định và chỉ thay đổi khi biến động lớn xảy ra.
 Được biết, giá cả của vàng trong kho phụ thuộc vào trọng lượng, độ tinh khiết và giá cả thị trường.
Theo Thiên An/ĐSPL

Bình luận(0)