Thất bại quá nhiều, Mỹ chấm dứt chương trình tên lửa AGM-138A

Google News

Vụ thử tên lửa siêu thanh mới nhất của Mỹ lại tiếp tục thất bại khiến Bộ Quốc phòng Mỹ phải điều trần trước quốc hội và chấm dứt chương trình tên lửa này.

Lực lượng Không quân Mỹ sẽ không thể được sử dụng những tên lửa của chương trình tên lửa siêu thanh AGM-138A ARRW. Tên lửa đã được phát triển trong vài năm qua, nhưng một loạt các cuộc thử nghiệm thất bại đã gióng lên “hồi chuông báo tử” của chương trình này. Sự thất bại của Lockheed Martin, tập đoàn phát triển AGM-183A ARRW đã được tiết lộ bởi người đứng đầu Bộ phận Mua lại của Lực lượng Không quân Mỹ (USAF), trong một phiên điều trần trước quốc hội.

Đầu tuần trước, vụ thử tên lửa cuối cùng nhằm cạnh tranh với vũ khí siêu thanh của Nga và Trung Quốc đã được tiến hành. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm lại thất bại và được Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall xác nhận. Ông cho biết các cuộc thử nghiệm đã không thành công và quân đội không thu được dữ liệu cần thiết.

Một tia hy vọng đã xuất hiện cho Lockheed Martin và Không quân Mỹ khi máy bay ném bom B-52H Stratofortress của Mỹ đã phóng thành công AGM-183 AARRW trong một vụ thử vào cuối năm 2022. Tên lửa này được phát triển để đáp ứng nhu cầu của Lực lượng Không quân trong việc tấn công các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt của kẻ thù ở tầm xa. Tên lửa này được thiết kế để tấn công các căn cứ quân sự và tàu chiến mặt nước ở khoảng cách rất xa.

That bai qua nhieu, My cham dut chuong trinh ten lua AGM-138A
Tên lửa AGM-183A trong một buổi thử nghiệm với máy bay ném bom B-52H

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong số ít các thử nghiệm thành công. Các cuộc thử nghiệm thất bại và sự kết thúc của chương trình AGM-183A ARRW đã làm dấy lên những tin đồn mới ở Mỹ. Những nỗ lực được cho là tập trung vào một loại vũ khí hứa hẹn tiếp theo của Mỹ đó là tên lửa hành trình tấn công siêu thanh (HACM). Chương trình này đặt dưới sự giám sát của Lực lượng Không quân Mỹ.

Theo bình luận từ Lầu Năm Góc, chương trình ARRW sẽ tiếp tục tồn tại, ít nhất là cho đến khi các cuộc thử nghiệm hoàn tất theo kế hoạch. Nhưng sẽ không có tiền hỗ trợ cho chương trình và không có đơn đặt hàng. Đó là những lời tại phiên điều trần trước quốc hội.

Andrew Hunter, Trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ, cho biết hai cuộc thử nghiệm còn lại sẽ được thực hiện. Hunter nói rằng các cuộc kiểm tra sẽ cần thiết, ít nhất là càng nhiều càng tốt để thu thập thêm thông tin về vũ khí siêu thanh. Những thông tin này sẽ hữu ích cho sự phát triển vũ khí siêu thanh trong tương lai.

Tuy nhiên, phải cần ít nhất 150 triệu USD nữa, vì số tiền này sẽ cần để hoàn thành các bài kiểm tra. Số tiền đó sẽ được chi tiêu hiệu quả, vì nó sẽ cung cấp các bài kiểm tra, đánh giá và dữ liệu từ vũ khí siêu thanh. Tức là số tiền này có thể góp phần thúc đẩy nghiên cứu cho các dự án tiếp theo.

Có vẻ như một trong những đối thủ cạnh tranh của Lockheed Martin, tập đoàn Raytheon sẽ rất hài lòng. Khi ARRW không còn nữa, điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều tiền hơn cho chương trình HAWC của họ và nhiều sự chú ý hơn đến tập đoàn này.

That bai qua nhieu, My cham dut chuong trinh ten lua AGM-138A-Hinh-2
Tên lửa AGM-183A

Do đó, dự án HACM của Boeing và Raytheon trở nên nổi bật. Chương trình này sẽ cung cấp một tên lửa siêu thanh, kích thước nhỏ hơn với tầm bắn ngắn hơn ARRW nhưng có nguyên lý hoạt động khác - bằng động cơ đẩy không khí. Sự quan tâm đến tên lửa này đã được thể hiện rõ ràng bởi vì chỉ vài ngày trước, vào ngày 28/3, Frank Kendall đã nói chính xác điều này: “Tại thời điểm này, chúng tôi cam kết với chương trình HACM hơn là ARRW”.

HACM có một lợi thế khá rõ ràng so với ARRW được quảng cáo trước đó – tên lửa nhỏ gọn hơn. ARRW do kích thước của nó bị giới hạn nên chỉ có thể triển khai trên tàu sân bay hoặc máy bay ném bom chiến lược của Mỹ, tuy nhiên HACM có thể trang bị trên máy bay chiến đấu. Điều này rõ ràng làm tăng khả năng chiến đấu của Không quân Mỹ.

Theo thông tin sơ bộ, các máy bay chiến đấu F-15EH của Không quân sẽ là những phương tiện đầu tiên tham gia HACM. Một số người suy đoán rằng đó có thể là F-35, nhưng các chuyên gia quen thuộc với loại máy bay chiến đấu này biết rằng cơ hội lắp HACM của F-35 là rất thấp do khả năng tải trọng nhỏ hơn so với F-15EX.

Không còn nghi ngờ gì nữa, việc hủy bỏ ARRW không phải là tin tốt cho Lực lượng Không quân Mỹ. Nhưng sớm muộn gì Mỹ cũng sẽ “đột phá” công nghệ này và sản xuất được tên lửa siêu thanh. 

Mọi con mắt đang đổ dồn về HACM. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ và các cuộc thử nghiệm thành công, dự kiến vào khoảng năm 2027 những tên lửa đầu tiên của mẫu này sẽ được đưa vào biên chế của Lực lượng Không quân Mỹ.

Lê Quang

>> xem thêm

Bình luận(0)