Cùng với đó, Ba Lan đang tính cách đưa hệ thống tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất tới gần biên giới Nga. Moskva ngay lập tức đưa ra những lời cảnh báo.
Thủ tướng Slovakia Eduard Heger hôm qua cho biết: “Chính phủ Slovakia quyết định và nhất trí thông qua một thỏa thuận quốc tế về việc cung cấp vũ khí khí tài cho Ukraine, bao gồm các máy bay chiến đấu MiG-29 và một phần hệ thống phòng không KUB. Quá trình bàn giao các máy bay chiến đấu đang được phối hợp chặt chẽ với phía Ba Lan và các quốc gia khác”.
Theo Reuters, Slovakia sở hữu 11 máy bay MiG-29. Số này đã được loại biên vào mùa hè năm ngoái và hầu hết trong tình trạng không hoạt động. Để gửi máy bay MiG-29 cho Ukraine, Slovakia sẽ tìm phụ tùng thay thế, sửa chữa tiêm kích MiG-29 này trước khi chuyển cho Kiev.
Trước đó 1 ngày, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng thông báo về việc chuyển giao 4 máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine vào những ngày tới. Hiện Ba Lan có ít nhất 29 máy bay loại này.
Máy bay MiG-29. (Ảnh: Reuters)
Cùng với việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine, Ba Lan cũng tuyên bố sẽ bố trí các Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất ở biên giới tới Vùng Kaliningrad của Nga.
Phản ứng trước những động thái này, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, kế hoạch của Ba Lan và Slovakia gửi máy bay chiến đấu MiG-29 tới Ukraine giống như nỗ lực thanh lý các thiết bị lỗi thời mà hai quốc gia này không cần nữa: “Đây là một ví dụ khác về việc một số quốc gia NATO đang gia tăng mức độ can dự vào cuộc xung đột. Việc cung cấp thiết bị này không thể ảnh hưởng đến kết quả của chiến dịch đặc biệt, nhưng nó sẽ mang lại thêm rắc rối cho Ukraine và người dân nước này. Tất nhiên, trong chiến dịch quân sự đặc biệt, tất cả các thiết bị này sẽ bị phá hủy”.
Nga cũng cảnh báo NATO không nên tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới Nga, nhấn mạnh nguy cơ các bên trở thành một phần của cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine khi thường xuyên vận chuyển vũ khí cho Kiev.