Dự buổi lễ có Thiếu tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân; Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân; đại diện lãnh đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, các địa phương, đơn vị bạn; các cựu chiến binh Hải quân và đại diện lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng Hải quân.
|
Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững đọc diễn văn tại lễ tưởng niệm |
Trong Diễn văn tưởng niệm tại buổi lễ, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân khẳng định: Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn, với ý chí quyết chiến quyết thắng, cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã tỏ rõ phẩm chất, khí phách kiên cường, không sợ hy sinh, mưu trí, dũng cảm, kiên quyết tiến công địch, kiên cường giữ vững trận địa, quyết tâm chiến đấu đến cùng với tinh thần “sống bám tàu, bám trận địa”, “chết kiên cường, dũng cảm”, “còn một tổ cũng đánh, một người cũng tiến công, còn người còn trận địa”, giành giật với địch từng điểm cao, từng ụ súng, bẻ gãy các đợt phản kích, phục kích của địch.
|
Các đại biểu tham dự buổi lễ |
Chiến dịch đổ bộ Tà Lơn diễn ra vô cùng ác liệt từ ngày 6 đến 10-1-1979. Quân chủng Hải quân đã sử dụng lực lượng gồm: Vùng 5, Lữ đoàn 126
Hải quân đánh bộ, Hạm đội 171, Lữ đoàn 125... phối hợp, hiệp đồng chặt chỗ với các lực lượng, trực tiếp là một số đơn vị thuộc Quân đoàn 2, Quân chủng Phòng không-Không quân và
Quân khu 9 bí mật đánh chiếm bãi đổ bộ tại chân núi Tà Lơn. Từ đây tạo bàn đạp tổ chức phát triển chiến đấu, đánh nhanh, đánh mạnh, đánh cả dưới nước, trên bờ, đẩy địch vào thế bao vây, cô lập, bị chia cắt với lực lượng ở phía Đông, đẩy chúng vào tình thế không chống cự nổi và tan vỡ tại chỗ...
|
Thiếu tướng Ngô Minh Tiến dâng hương tại buổi lễ |
|
Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam dâng hương tại buổi lễ |
|
Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững dâng hương tại buổi lễ |
Để đi đến thắng lợi, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu. Đó là Thuyền trưởng Thiếu úy Liệt sĩ Lê Danh An, chỉ huy tàu trong lúc gian nguy, khi kẻ địch cho 4 tàu tuần tiễu 100 tấn dàn hàng ngang xông thẳng vào đội hình tàu ta. Với ý chí kiên quyết không cho địch thực hiện ý đồ tác chiến, đồng chí đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy Tàu 203 lao vào cắt hướng tiến công, chia cắt đội hình tàu địch, phát huy toàn bộ hỏa lực, bắn mãnh liệt buộc chúng phải tháo chạy. Đang lúc chiến đấu cam go quyết liệt, thuyền trưởng Lê Danh An bị thương nặng ngã xuống, nhưng anh quyết không rời đài chỉ huy để động viên bộ đội giữ vững đội hình chiến đấu và đồng chí đã anh dũng hy sinh.
|
Các đại biểu thả hoa tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn |
Đó là sự hy sinh anh dũng của Trung úy, liệt sĩ Trần Văn Hòa, Ngành trưởng Tàu HQ 07, trong lúc chiến đấu trúng hỏa lực của địch, dù bị thương nhưng anh vẫn kiên cường chỉ huy bộ đội cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Trung úy Liệt sĩ Vũ Hiến, Phóng viên Báo Hải quân đã anh dũng hy sinh cùng đồng đội bên tháp pháo xe tăng với tấm ảnh cuối cùng anh chụp từ chiếc máy ảnh đeo bên mình là biểu tượng sinh động cho lòng dũng cảm của người phóng viên luôn bám sát chiến trường, cùng đoàn xe tăng dũng mãnh xung trận.
|
Đội hình tàu Hải quân tham dự Lễ tưởng niệm trên biển |
Có những chiến sĩ-liệt sĩ hy sinh khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi như Binh nhất Lê Hữu Dược khi cấp trên giao nhiệm vụ tiếp đạn, anh đề nghị “Thuyền trưởng trang bị cho tôi thêm một khẩu súng AK và 3 băng đạn để được trực tiếp chiến đấu với quân thù”; Thượng sỹ-Liệt sĩ Tống Duy Tụng, trong chiến đấu bảo vệ chốt giữ mục tiêu, địch tiến công ác liệt, anh bị trúng đạn hy sinh nhưng vẫn trong tư thế kiên cường tay nắm chắc súng bảo vệ mục tiêu được giao. Và còn rất nhiều những tấm gương cán bộ, chiến sĩ khác của ta đã chiến đấu gan dạ, mưu trí, kiên cường, anh dũng hy sinh góp phần làm nên chiến thắng cho chiến dịch.