Trên các trang quân sự quốc tế vừa xuất hiện hình ảnh chiếc tàu sân bay hạt nhân duy nhất của Pháp là Charles de Gaulle đã ra khỏi khu nhà xưởng đại tu bảo dưỡng tại thành phố cảng Toulon để tiến hành thử nghiệm trên biển.
Được biết chiếc hàng không mẫu hạm này chính thức bước vào quá trình đại tu từ tháng 12/2016, tính đến thời điểm hiện tại là gần 2 năm con tàu đã được kéo ra biển để hoàn thành nốt phần đánh giá độ ổn định của tàu cũng như thao tác phục vụ cất hạ cánh của máy bay.
Kinh phí đại tu chiếc Charles de Gaulle theo công bố là 1,3 tỷ Euro, tương đương với một tàu khu trục đa năng cỡ lớn, con tàu được trải qua tới 1.000 bài đánh giá thử nghiệm khác nhau, như vậy tiến độ hoàn thành công việc là rất khẩn trương.
|
Tàu sân bay Charles de Gaulle của Hải quân Pháp ra biển thử nghiệm sau quá trình đại tu |
Trong khi đó nhìn sang Nga, tàu sân bay duy nhất của họ là chiếc Đô đốc Kuznetsov mặc dù cũng được đưa vào đại tu ngay sau khi nó rút về từ chiến trường Syria, tức là thời điểm gần như song song với tàu của Pháp nhưng phải sau năm 2020 nó mới quay lại hạm đội.
Hình ảnh mới nhất cho thấy chiếc "tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay" của Nga mới chỉ chuẩn bị tiến hành lắp đặt 2 nồi hơi mới để thay thế cho bộ phận cũ đã gỉ sét và khiến nó phải chịu nhiều tai tiếng vì những cột khói mù mịt.
Hiện đại hóa một tàu sân bay thông thường phải mất tới hơn 5 năm theo đánh giá là quá chậm chạp, nhất là khi đặt cạnh việc sửa chữa cả lò phản ứng hạt nhân trên chiếc hàng không mẫu hạm của Pháp.
|
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Hải quân Nga mới chỉ được thay thế nồi hơi |
Tuy nhiên theo một số ý kiến thì ngoài việc chậm trễ do thiếu kinh phí, Hải quân Nga còn phải tiến hành một số thay đổi về hệ thống vũ khí của tàu như trang bị mới radar, di dời các ống phóng tên lửa ở giữa đường băng... nên thời gian phải kéo dài hơn.
Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng tuổi đời của Đô đốc Kuznetvov nhiều hơn Charles de Gaulle, bên cạnh đó thì tình trạng của tàu khi đưa vào bảo dưỡng đã ở mức khá tồi tệ chứ không còn tốt như tàu sân bay Pháp.
Mặc dù vậy trong vòng ít nhất 3 năm tới, Nga sẽ là cường quốc quân sự duy nhất trên thế giới chưa có được một biên đội tác chiến tàu sân bay, khiến họ bị tụt lại khá xa phía sau so với nhiều lực lượng hải quân khác.