Vào ngày 14/10, hai máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion số hiệu 5036 và 5070 thuộc biên chế Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để thực hiện chuyến thăm Việt Nam.
Sự xuất hiện của những chiếc P-3C này tại Dải đất hình chữ S đã thu hút sự quan tâm sâu sắc, mặc dù phía Nhật Bản chỉ thông báo mục đích chuyến thăm là nhằm triển khai hoạt động huấn luyện cũng như tăng thêm tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa quân đội hai nước.
Hiện nay Nhật Bản đang có ý định thanh lý phi đội P-3C Orion do Mỹ chế tạo đã cao tuổi để sử dụng loại Kawasaki P-1 tối tân hơn do mình chế tạo. Mặc dù vậy chất lượng cũng như tính năng kỹ chiến thuật của P-3C vẫn được đánh giá rất tốt, hoàn toàn có thể bán lại cho một đồng minh nào đó với giá thành rẻ nhằm lấy kinh phí tái đầu tư sản xuất.
Trong số các ứng viên có thể nhận được P-3C Orion đã qua sử dụng của Nhật Bản thì Việt Nam nằm trong danh sách triển vọng hàng đầu, chính vì vậy dịp này cũng là cơ hội để chúng ta tìm hiểu rõ hơn về phương tiện tác chiến đặc biệt trên.
|
Máy bay P3C Orion số hiệu 5070 của Nhật Bản hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Hữu Thuận. |
Lockheed MartinP-3C Orion là loại máy bay tuần tra hàng hải kiêm chống ngầm 4 động cơ, được phát triển cho Hải quân Mỹ trên mẫu máy bay chở khách L-188 Electra, chính thức đưa vào sử dụng trong thập niên 1960.
Thông số cơ bản của P-3C Orion: kíp chiến đấu 11 người; chiều dài 35,6 m; sải cánh 30,4 m; chiều cao 11,8 m; trọng lượng cất cánh tối đa 64.400 kg.
Máy bay được trang bị 4 động cơ cánh quạt Allison T56-A-14 (3.700 kW mỗi chiếc) cho tốc độ tối đa 750 km/h, tầm hoạt động 4.400 km. Hiện nay có hàng trăm chiếc P-3C Orion hoạt động trong lực lượng hải quân của nhiều quốc gia trên thế giới.
|
Mặc dù đã cũ nhưng P-3C Orion vẫn được đánh giá là một trong những máy bay tuần tra săn ngầm tốt nhất thế giới. Ảnh: Hữu Thuận |
P-3C được trang bị thiết bị phát hiện từ tính MAD dùng để phát hiện sự xáo trộn bất thường của từ trường trái đất do tàu ngầm di chuyển trong lòng biển gây ra.
Bên cạnh đó là radar giám sát hàng hải Raytheon AN/APS-115 và radar tìm kiếm mục tiêu AN/APS-137D(V)5, đây là loại radar khẩu độ tổng hợp với độ phân giải cao có thể phát hiện kính tiềm vọng của tàu ngầm ở cự ly khoảng 30 km, phát hiện xuồng cứu sinh ở cự ly 60 km.
Ngoài ra P-3C còn có phao định vị âm thanh AQA-7 và hệ thống giám sát điện tử ALQ-78 treo ở cánh, hệ thống này sẽ tự động phát hiện các tín hiệu do tàu ngầm phát ra và định vị chúng.
Khoang chứa trong thân và giá treo trên cánh có thể mang 9 tấn vũ khí gồm bom chìm, ngư lôi Mk 46, tên lửa đối hạm AGM-84 Harpoon hoặc tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick.