Serbia sau khi chính thức đệ đơn xin gia nhập EU, đã bắt đầu tăng cường lực lượng quân sự của mình bằng các vũ khí từ Trung Quốc và Nga, gồm máy bay chiến đấu, xe tăng và các thiết bị quân sự.
Serbia đã bí mật nhận một hệ thống phòng không từ Trung Quốc, điều này khiến Phương Tây lo ngại rằng việc tăng cường quân lực trong tình hình chiến sự tại Ukraine sẽ phá vỡ tình trạng ổn định vốn đã mỏng manh của nước này, trang Associated Press cho biết.
Theo các báo cáo công khai, đã có sáu máy bay chở hàng Y-20 từ Không quân Trung Quốc hạ cánh tại sân bay dân sự Belgrade vào cuối tuần qua, được cho là đang mang tên lửa đất-đối-không HQ-22 từ Trung Quốc sang Serbia.
Một số máy bay chở hàng với các huy hiệu Trung Quốc đã được phát hiện tại sân bay Belgrade. Các chuyên gia từ NATO cho biết, việc Trung Quốc cung cấp vũ khí tới Serbia bằng cách di chuyển thông qua hai lãnh thổ thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria, được coi là hành động gia tăng tầm ảnh hưởng của nước này.
Tổng thống Serbia, ông Aleksandar Vucic cho biết nước này sẽ sớm hé lộ “niềm tự hảo mới nhất” của lực lượng quân sự Serbia vào tuần sau, gián tiếp xác nhận sự thuyên chuyển của hệ thống này giữa hai nước đã được đồng thuận từ năm 2019.
Trước đó, ông này cũng đã cho rằng các nước NATO đã không cho phép việc thuyên chuyển vũ khí đi qua lãnh thổ các nước thành viên NATO do lo ngại về tình hình chiến sự giữa Nga – Ukraine.
Trước đó, năm 2020 các quan chức chính phủ Mỹ đã cảnh báo Serbia về việc mua hệ thống HQ-22. Nước này cho biết nếu Serbia thực sự muốn gia nhập NATO, họ cần phải tuân theo các tiêu chuẩn khí tài của Phương Tây.
Mặc dù có tầm bắn ngắn hơn so với hệ thống phòng không S-300 từ Nga, hệ thống Trung Quốc thường xuyên được so sánh với hệ thống Patriot từ Mỹ. Serbia sẽ là nước Châu Âu đầu tiên sử dụng tên lửa do Trung Quốc sản xuất, nếu thực sự họ đã nhận hệ thống này.
Nước này cũng được cho là đã mua máy bay không người lái Wing Loong từ Trung Quốc năm 2020. Loại máy bay không người lái này có thể được trang bị bom và tên lửa, cũng như có thể được sử dụng với mục đích do thám.