Sky News dẫn số liệu từ công ty tư vấn quản lý Bain & Company cho biết, thách thức lớn mà lực lượng vũ trang Ukraine đang phải đối mặt là sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp đạn dược từ Mỹ và châu Âu.
Theo ấn phẩm này, ngay từ đầu, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine được mô tả là "cuộc chiến rực lửa" bởi số lượng đạn pháo hai bên bắn ra. Các binh sĩ ở Ukraine cho biết, cứ mỗi phát đạn mà họ bắn vào vị trí của Nga, phía đối phương sẽ đáp trả bằng 5 quả đạn pháo khác.
Trong những tháng gần đây, Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đạn pháo nghiêm trọng. Binh sĩ Ukraine huấn luyện ở Anh mô phỏng việc phóng tên lửa N-LAW từ... súng phóng lựu chống tăng do không đủ đạn.
Những lý do trên thúc đẩy Mỹ, Anh và các đồng minh tìm cách tăng cường sản xuất khí tài nhằm đáp ứng nhu cầu của Ukraine, tuy nhiên, khả năng sản xuất đạn pháo của các nước này chưa thể bắt kịp Nga.
Theo dữ liệu từ Bain & Company, Nga có kế hoạch sản xuất 4,5 triệu quả đạn vào năm 2024. Trong khi Mỹ và các nước châu Âu có kế hoạch sản xuất 1,3 triệu quả đạn, ít hơn ba lần so với sản lượng dự kiến của Nga.
Chi phí sản xuất trung bình cho mỗi quả đạn pháo 155 mm - loại đạn do các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sản xuất là khoảng 4.000 USD/quả. Con số này gấp 4 lần chi phí sản xuất đạn pháo theo báo cáo của Nga: Khoảng 1.000 USD cho mỗi quả đạn pháo 152 mm.
Các nhà phân tích quân sự nhận định, tầm quan trọng của việc sản xuất vũ khí và đạn dược là một trong những yếu tố then chốt để quyết định chiến thắng ở tiền tuyến.