Rào chắn bằng khinh khí cầu
Phát biểu tại một hội thảo ở St. Petersburg tuần này, bà Polina Albek, Tổng giám đốc công ty hàng không vũ trụ First Airship của Nga, chịu trách nhiệm phát triển mạng lưới này cho biết: “Hoạt động chính của chúng tôi là chế tạo khinh khí cầu chở hàng. Nhưng hiện tại, từ nhu cầu cấp bách trên chiến trường cùng với kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, chúng tôi đã cố gắng tạo ra một hệ thống phòng thủ có vai trò như rào chắn”.
Theo Telegraph, các khinh khí cầu sẽ được đặt trong nhà chứa máy bay. Từ đó chúng sẽ nhanh chóng bay lên liên tiếp rồi thả tấm lưới cao 250m để tạo thành lớp phòng thủ trên không, ngăn máy bay không người lái đang lao tới. Telegraph đưa tin, mỗi khinh khí cầu có thể bay cao 300m so với mặt đất, tải trọng tối đa khoảng 30kg, đủ để mang theo một tấm lưới nhẹ. Ngoài ra, chúng có thể được trang bị radar, thiết bị gây nhiễu điện tử và camera cho tầm nhìn 360 độ với phạm vi quan sát lên tới hơn 10km.
Một số bức ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nhiều khinh khí cầu màu trắng có vây lớn màu xanh lam ở phía sau, bay lơ lửng trên khu rừng bạch dương và hồ nước của Nga.
Theo bà Albek, các khinh khí cầu cũng có thể được gắn một loại súng chân không để phóng các tấm lưới siêu nhẹ vào máy bay không người lái đang lao tới. Bà Albek cho biết, hệ thống này đã được thử nghiệm và công ty đang có rất nhiều đơn đặt hàng.
Các nhà phát triển đã lấy cảm hứng từ việc sử dụng khinh khí cầu trong Thế chiến thứ nhất. Ngoài ra, phương tiện này cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Anh trong Thế chiến thứ hai. Theo Bảo tàng Chiến tranh hoàng gia ở London, Anh từng sử dụng 2.748 khinh khí cầu vào tháng 9/1941. Sau đó, khinh khí cầu cũng được sử dụng trong cuộc đổ bộ D-Day lên bờ biển Normandy (pháp) ngày 6/6/1944 để bảo vệ binh sỹ và tàu thuyền của quân Đồng minh. Ở thời điểm đó, khinh khí cầu buộc máy bay của Đức phải bay cao hơn, khiến chúng khó tấn công mục tiêu và dễ bị bắn hạ bởi hỏa lực phòng không. Chưa kể, các dây cáp để neo giữ khinh khí cầu với mặt đất cũng có thể gây rủi ro nghiêm trọng cho các loại máy bay chiến đấu. Khi quân Đức tấn công, Anh được cho là đã đánh chặn hơn 200 tên lửa nhờ rào chắn khinh khí cầu.
Theo báo cáo của Hiệp hội Không quân Hoàng gia Anh, khinh khí cầu cung cấp một phương tiện phòng thủ quan trọng chống lại Không quân Đức vì các dây cáp bằng kim loại mà chúng kéo theo sẽ gây nguy hiểm cho máy bay khi chạm vào chúng. Chưa kể, nếu đối phương cố bắn hạ một quả khinh khí cầu thì có thể sẽ bị ảnh hưởng do vụ nổ hydro.
“Bẫy” UAV
Về mặt lý thuyết, việc sử dụng rào chắn từ khinh khí cầu sẽ đạt hiệu quả tương đương nhằm ngăn chặn máy bay không người lái tấn công tầm xa vốn hoạt động ở độ cao tương đối thấp và bay với tốc độ chậm hơn nhiều so với máy bay chiến đấu. Một khi chạm vào hệ thống lưới, các UAV sẽ phải tạm dừng hoạt động, thậm chí bị vô hiệu hóa.
“Các khinh khí cầu cho phép phòng thủ theo chiều dọc, tạo ra rào cản hiệu quả chống lại máy bay không người lái bay thấp muốn tấn công các vị trí nhạy cảm. UAV có thể không quan sát được tấm lưới từ xa vì chúng rất mỏng”, bà Albek lưu ý.
Trước đó, nhiều nhà quan sát quân sự của Nga đã kêu gọi cải thiện khả năng phòng thủ trước máy bay không người lái của Ukraine có ý định tấn công căn cứ không quân, nhà máy lọc dầu, thậm chí cả hệ thống radar tiên tiến của Nga, hoặc đưa cảnh báo sớm về một vụ phóng tên lửa hạt nhân.
Nga được cho là đã sử dụng khinh khí cầu trong cuộc chiến tại Ukraine. Năm 2023, không quân Ukraine cáo buộc Moscow phóng hàng chục khinh khí cầu vào Kiev để đánh lạc hướng hệ thống phòng thủ của đối phương trước khi thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái.
Mặc dù Nga không công khai giá của những chiếc khinh khí cầu, nhưng một số nhà phân tích cho rằng, giá hệ thống này sẽ thấp hơn việc lắp đặt các hệ thống phòng không xung quanh một cơ sở chiến lược. Một trong những loại khinh khí cầu được Nga sử dụng hiện nay là khinh khí cầu AKV-05 được trang bị hệ thống giám sát quang học, nhiệt và vô tuyến, có khả năng trinh sát ở khoảng cách lên tới 10 km.
Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, Ukraine liên tiếp nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng và căn cứ không quân của Nga bằng các cuộc tấn công tầm xa sử dụng máy bay không người lái.
Phát biểu với War Zone hồi tháng 6, Trung tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết, các lực lượng Ukraine đã phóng 70 máy bay không người lái vào căn cứ không quân Morozovsk ở khu vực Rostov của Nga, cách biên giới Ukraine hơn 321km. Sky News dẫn một nguồn tin an ninh cho biết, cuộc tấn công này là một phần của chiến dịch dài hơn mà Ukraine đang thực hiện nhằm làm suy yếu không quân Nga”.
Cũng trong tháng 6, Kiev tuyên bố đã bắn trúng một máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 đỗ tại sân bay Akhtubinsk, ở miền Nam của Nga. Vào tháng 5, Ukraine tuyên bố đã thực hiện một trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái xa nhất từ khi xung đột nổ ra. Các quan chức Ukraine cho biết, UAV này đã di chuyển 1.496km để tấn công nhà máy lọc dầu của Nga.
Ông George Barros, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng: “Ở thời điểm hiện tại, Nga đang chiếm ưu thế. Họ có thể chọn địa điểm, thời gian, chiến thuật để tiến hành các hoạt động tấn công ở bất cứ nơi đâu dọc theo chiến tuyền dài gần 1.000km, đồng thời tạo ra các hành lang liên lạc kết nối những thành phố mà họ chiếm được ở Ukraine và tạo ra xương sống cho việc phòng thủ miền Đông Ukraine”.