Nan giải hệ thống vũ khí cho tàu chiến LCS của Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Ý tưởng khoang modul vũ khí cho tàu chiến ven bờ LCS là tuyệt vời, thế nhưng để thực hiện nó thì không phải dễ dàng. 

Hiện nay, một số quốc gia có tiềm lực khoa học quân sự mạnh như Mỹ, Anh, Pháp đang tập trung phát triển các khoang modun nhiệm vụ cho tàu chiến ven bờ. Việc tối ưu hóa khoang nhiệm vụ theo kiểu modun được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh thời gian triển khai nhiệm vụ đồng thời giúp các tàu chiến ven bờ (LCS) nâng cao năng lực tác chiến đa dạng hơn trong thời gian tới.
Nan giai he thong vu khi cho tau chien LCS cua My
 Tàu tác chiến ven bờ (LCS). Nguồn ảnh: Naval Today 
Ưu điểm của thiết kế modun hóa tàu chiến ven bờ
Những năm 1970, ý tưởng thiết kế modun đối với các tàu chiến ven bờ (LCS) đã hình thành. Những thiết kế ban đầu được ứng dụng đối với hệ thống vũ khí và các trang thiết bị điện tử. Việc ứng dụng rộng rãi thiết kế modun hóa cho tàu LCS ngày nay xuất phát bởi một số nguyên nhân ưu điểm sau:
- Thứ nhất, việc thiết kế các khoang modun nhiệm vụ sẽ giúp các tàu LCS linh hoạt trong tác chiến, giảm đáng kể tổng chi phí thiết kế. Đây chính là một điểm mà Quân đội Mỹ đã rất thành công trong thực hiện tiết kiệm chi tiêu.
- Thứ hai, việc áp dụng phương pháp sử dụng các khoang modun nhiệm vụ, một mặt nâng cao tính linh hoạt thực hiện nhiệm vụ, mặt khác còn có thể giảm thiểu tối đa số lượng thân tàu cần phải đóng mới, từ đó giảm đáng kể kinh phí quân sự.
- Thứ ba, do các đặc điểm trong thực hiện các nhiệm vụ cấp chiến dịch, các tàu LCS rất ít khi phải cùng một lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như: tấn công tàu mặt nước, chống thủy lôi, chống ngầm.... Mà thay vào đó, tùy từng giai đoạn tác chiến, các tàu LCS sẽ tiến hành thay đổi các khoang modun nhiệm vụ khác nhau để đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến.
- Thứ tư, thiết bị thực hiện nhiệm vụ của tàu LCS tương đối đơn giản, gọn nhẹ, dễ dàng tháo lắp. Bên cạnh đó, do các khoang modun nhiệm vụ khác nhau đều sử dụng cùng một loại trực thăng và máy bay không người lái nên số lượng thiết bị tương đối ổn định, hệ thống bảo đảm chiến đấu cũng vì thế mà ít khi phải thay đổi.
Các khoang modun nhiệm vụ của tàu chiến ven bờ hiện nay
Nhìn từ mặt thiết kế, có thể thấy các tàu LCS được trang bị nhiều khoang modun nhiệm vụ khác nhau như: Khoang modun nhiệm vụ chống ngầm, khoang modun nhiệm vụ tác chiến mặt nước và khoang modun nhiệm vụ rà phá thủy lôi. Để thực hiện các nhiệm vụ này, các khoang modun nhiệm vụ chủ yếu được trang bị nhiều hệ thống, thiết bị khác nhau như: Trang bị truyền dẫn, thiết bị vận tải, hệ thống vũ khí… Tất cả những hệ thống này sẽ được tích hợp trên máy bay hoặc các thiết bị mang, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu hoàn thành toàn bộ quy trình lắp đặt trong 24 giờ đồng hồ.
Nan giai he thong vu khi cho tau chien LCS cua My-Hinh-2
 Hiện nay, khả năng chống ngầm của các tàu LCS phải phụ thuộc vào trực thăng MH-60R mang theo. Nguồn ảnh: DID
- Khoang modun nhiệm vụ chống ngầm: chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chống ngầm, dùng để phát hiện, định vị, giám sát và tấn công các tàu ngầm đối phương, ngăn không cho tàu ngầm đối phương tiếp cận khu vực của hạm đội.
Khoang modun nhiệm vụ này ban đầu do hệ thống ADS đảm nhiệm, tuy nhiên về sau vì một số lý do giá thành và yếu tố kỹ thuật, kế hoạch nghiên cứu chế tạo ADS bị hủy bỏ. Sau đó, Hải quân Mỹ tiếp tục phát triển sona chống ngầm AN/AQS-20A dựa trên mẫu thiết kế ban đầu của thiết bị chống ngầm AN/WLD-1. Tuy nhiên, cũng do gặp phải một số vấn đề về kỹ thuật nên kế hoạch phát triển AN/AQS-20A một lần nữa bị hủy bỏ.
Hiện nay, khoang modun nhiệm vụ tác chiến chống ngầm của Hải quân Mỹ do một hệ thống các trang thiết bị đảm nhiệm, bao gồm: Máy bay trực thăng đa năng MH-60R, sona AN/SQR-20 và hệ thống chống ngư lôi do công ty DRS thiết kế chế tạo. Trong đó, MH-60R có thể được thay thế bằng máy bay không người lái MQ-8C hoặc các tàu LCS có thể đồng thời được biên chế 1 máy bay MH-60R và 1 máy bay không người lái MQ-8C trong khi thực hiện nhiệm vụ chống ngầm.
- Khoang modun nhiệm vụ tác chiến mặt nước: Chức năng chủ yếu là tấn công tàu chiến mặt nước của đối phương, đặc biệt là các tàu cao tốc loại nhỏ.
Nan giai he thong vu khi cho tau chien LCS cua My-Hinh-3
 Ảnh đồ họa LCS phóng tên lửa chống hạm AGM-114L. Nguồn ảnh: DID
Để thực hiện nhiệm vụ này, Hải quân Mỹ sử dụng hệ thống các trang thiết bị như: Pháo 30mm Mk 46 Mod (X), tên lửa tấn công NLOS-LS (sau này thay bằng tên lửa AGM-176B, hiện dùng tên lửa AGM-114L), trực thăng MH-60R, máy bay không người lái MQ-8C và tàu đệm khí cao tốc RHIB. Trong đó, nguyên mẫu Mk 46 là sản phẩm của Công ty kỹ thuật Alliant thiết kế dành riêng cho lực lượng bộ binh Mỹ trang bị trên xe dã chiến, sau này Hải quân Mỹ đã phát triển Mk 46 Mod thành pháo hỏa lực trang bị trên tàu chiến, có tốc độ bắn lên tới 200 phát/phút, tầm bắn lớn nhất đạt 5,1km, trang bị hộp đạn 400 quả.
- Khoang modun nhiệm vụ chống thủy lôi: Để thực hiện nhiệm vụ này, các tàu LCS thường được biên chế các trang thiết bị như: Máy bay trực thăng MH-60S Block A2A/2B, trực thăng không người lái MQ-8C, thiết bị săn thủy lôi điều khiển từ xa AN/WLD-1, tàu không người lái (USV) và thiết bị tự hành dưới nước (UUV). Trong đó, máy bay trực thăng MH-60S Block A2A/2B dự kiến sẽ được trang bị một số hệ thống dò tìm laze như: AN/AES-1, AN/ALQ-220, AN/ASQ-235 và AN/AWS-2.
Nan giai he thong vu khi cho tau chien LCS cua My-Hinh-4
 MH-60S đảm nhiệm vai trò chống thủy lôi cho tàu LCS. Nguồn ảnh: Reddit
Hiện nay, căn cứ vào tình hình phát triển của hệ thống rà phá thủy lôi trang bị trên các máy bay, trong tương lai máy bay MH-60S Block A2A/2B sẽ chỉ được trang bị AN/AES-1 và AN/ASQ-235, trong khi đó chương trình phát triển AN/ALQ-220 và AN/AWS-2 đã bị hủy bỏ.
Bên cạnh các thiết bị và hệ thống đã được trình bày ở trên, Hải quân Mỹ còn sử dụng nhiều khoang modun nhiệm vụ khác như: Khoang modun nhiệm vụ tác chiến đặc biệt, khoang modun nhiệm vụ cứu viện y tế, khoang modun nhiệm vụ chi viện hỏa lực, khoang modun nhiệm vụ bảo đảm cho lực lượng lính thủy đánh bộ….
Tiến độ chậm chạp?
Hiện nay, trong quá trình nghiên cứu thiết kế phát triển các tàu LCS, để đáp ứng nhiều yêu cầu nhiệm vụ phức hợp khác nhau, những modun vũ khí hoặc các thiết bị có ảnh hưởng lớn tới thiết kế đều bị hủy bỏ.
- Đối với khoang modun nhiệm vụ chống ngầm: Do thiết kế khoang modun nhiệm vụ được điều chỉnh, máy bay trực thăng MH-60R sẽ được nâng cấp trở thành máy bay chủ lực chống ngầm của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, đối với các máy bay MH-60R được biên chế đi cùng với các tàu LCS thì vẫn sẽ giữ nguyên thiết kế ban đầu khi tác chiến cấp chiến thuật.
Đại diện Hải quân Mỹ cho biết, dự kiến đến cuối năm 2016, Hải quân Mỹ sẽ tiến hành các thử nghiệm đánh giá sơ bộ (IOT&E) đối với khoang nhiệm vụ chống ngầm thế hệ thứ 2, đồng thời sẽ có báo cáo tổng hợp sơ bộ trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại vẫn sẽ tiếp tục sử dụng trang thiết bị cũ, trước khi hệ thống mới cho kết quả tối ưu khi chính thức đi vào hoạt động.
Nan giai he thong vu khi cho tau chien LCS cua My-Hinh-5
 Hỏa lực các tàu chiến ven bờ LCS đến nay vẫn nan giải, trang bị chính chủ yếu gồm module pháo 57mm, 30mm và tên lửa RIM-116 với tầm bắn ngắn. Nguồn ảnh: Daily Tech
- Đối với khoang modun nhiệm vụ tác chiến mặt nước: Bộ Tư lệnh hệ thống tác chiến mặt nước Hải quân Mỹ cho biết, khoang modun hệ nhiệm vụ tác chiến mặt nước của tàu LCS (thế hệ 1 và thế hệ 2) đã hoàn thành kế quả đánh giá sơ bộ IOT&E từ ngày 21/4/2014. Qua 2 tháng thử nghiệm, các tàu LCS đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ tại khu vực hải cảng và trên biển, trong đó khoa mục chủ yếu được tiến hành là dò tìm, nhận biết và tấn công thủy lôi từ các tàu không người lái cỡ nhỏ. Những lần thử nghiệm đó đã cung cấp nhiều dữ liệu quý báu giúp Hải quân Mỹ đánh giá một cách toàn diện khả năng tác chiến mặt nước của tàu LCS lớp Freedom. Đối với các tàu LCS lớp Independence sẽ tiến hành các đánh giá vào cuối năm 2015 trên tàu LCS4.
Hiện nay, vũ khí chủ yếu của khoang modun nhiệm vụ tác chiến mặt nước là pháo 30mm và pháo 57mm. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất, các tên lửa chống hạm AGM-114L ít nhất phải đến cuối năm 2020 mới chính thức được đưa vào biên chế. Điều này đồng nghĩa với việc, nhiệm vụ tác chiến mặt nước trong tương lai của khoang modun nhiệm vụ tác chiến mặt nước cũng rất khó xác định.
Đối với khoang modun nhiệm vụ chống thủy lôi: Mặc dù hiện nay các khoang modun nhiệm vụ chống thủy lôi tương đối hoàn thiện, tuy nhiên, căn cứ vào các báo cáo của Quốc hội Mỹ các thiết bị sona dò tìm quan trọng vẫn chưa tiến hành hoàn toàn thử nghiệm xong. Do đó, sẽ tồn tại một số khó khăn nhất định trong lĩnh vực này. Ví dụ như sona AN/AQS-20A, các thử nghiệm diễn ra trong năm 2011 và 2012 vẫn chưa đạt được các yêu cầu kỹ thuật mà Hải quân Mỹ đặt ra.
Các thử nghiệm cho thấy sona này vẫn chưa xác định được chính xác vị trí của tàu đối phương, đồng thời khả năng tự động truyền dữ liệu về tàu mẹ cũng không thuận lợi. Báo cáo cũng cho thấy, 2 trong 3 cuộc thử nghiệm đã thất bại. Theo kế hoạch, khoang modun nhiệm vụ chống thủy lôi thế hệ thứ 3 sẽ hoàn thành các thử nghiệm đánh giá sơ bộ (IOT&E) vào năm 2017.
Từ tiến trình thiết kế và thử nghiệm của các khoang modun nhiệm vụ hiện nay có thể thấy, đến năm 2017 ngoài tên lửa chống tàu, 3 khoang modun nhiệm vụ sẽ có đủ năng lực tác chiến sơ bộ. Khả năng thiết kế hoàn chỉnh các khoang modun nhiệm vụ chỉ là vấn đề thời gian, tuy nhiên thời hạn hoàn thành đối với từng khoang modun nhiệm vụ khác nhau thì lại là một vấn đề cần nhiều tranh cãi.
Do sử dụng phương pháp thiết kế modun hóa và tiêu chuẩn hóa, các tàu LCS vốn được thiết kế với nhiệm vụ chính là rà phá thủy lôi cũng có thể nhanh chóng biến đổi chức năng để trở thành các tàu tác chiến chống ngầm. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, yêu cầu trong vòng 24 giờ hoàn thành toàn bộ công tác lắp đặt modun đối với các khoang modun nhiệm vụ là yêu cầu không thể thực hiện. Thực tế cho thấy phải cần nhiều thời gian hơn nữa, thậm chí cả tuần mới có thể hoàn thành cơ bản yêu cầu này. Do đó, làm thế nào để giải quyết vấn đề này cũng sẽ là một bài toán vô cùng nan giải đối với các tàu LCS.
Lam Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)