Tuy nhiên phiên tranh luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã biến thành cuộc đấu khẩu giữa giữa Mỹ và Iran. Đặc biệt Mỹ cảnh báo sẽ hành động nếu Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm tấn công quân đội Mỹ ở Trung Đông.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an, Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Amir Saeid Iravani cho rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cố gắng đổ lỗi sai cho Iran về cuộc xung đột Israel - Hamas.
Đại sứ Saeid Iravani cho biết Mỹ đã làm trầm trọng thêm cuộc xung đột bằng cách công khai liên kết với Israel gây bất lợi cho người Palestine: “Việc nhanh chóng cung cấp hỗ trợ quân sự và hậu cần cho Israel đã khiến Mỹ trở thành đồng lõa trong các hành động bạo lực chống người dân Palestine vô tội ở dải Gaza. Thật đáng tiếc tại phòng họp này, Mỹ, Canada và một số quốc gia phương Tây lại cố gắng chuyển trách nhiệm từ người làm sai sang nạn nhân. Họ đánh đồng quyền tự vệ và quyền tự quyết của người dân Palestine với chủ nghĩa khủng bố, hoặc cố gắng trao cho Israel quyền tự vệ một cách bất công.”
Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Mỹ sẽ phản ứng “nhanh chóng và dứt khoát” nếu Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm tấn công binh sĩ Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trước đó cảnh báo khả năng leo thang các cuộc tấn công nhằm vào quân đội và công dân Mỹ ở Trung Đông. Mỹ gần đây cũng cáo buộc Iran hỗ trợ các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ đóng tại Iraq.
Trước động thái Mỹ triển khai một lực lượng hải quân đáng kể tới Trung Đông, bao gồm 2 tàu sân bay, tàu hỗ trợ và khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ với mục đích răn đe và hỗ trợ Israel trong trường hợp cần thiết, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các động thái đơn phương ở Trung Đông chỉ có thể làm tình hình trở nên tồi tệ hơn và hơn nữa Mỹ chưa đưa ra được bất kỳ ý tưởng mới nào để giải quyết cuộc khủng hoảng. Theo Ngoại trưởng Lavrov các bước đi cần thiết hiện nay là dàn xếp lệnh ngừng bắn, giải quyết các vấn đề nhân đạo và tìm kiếm cơ chế cho hòa bình dựa trên nguyên tắc "2 nhà nước".
Trước sự chia rẽ sâu sắc trong Hội đồng bảo an, các đại diện Arab kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và bền vững ở Gaza, đồng thời chỉ ra các chính sách "tiêu chuẩn kép" là một trong những trở ngại chính cho hòa bình ở khu vực Trung Đông.
Quan điểm này đã được Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Bin Farhan Al Saud và Bộ trưởng về hợp tác quốc tế Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất Reem Ebrahim Al Hashimy nhấn mạnh: “Cộng đồng quốc tế phải có lập trường vững chắc để chấm dứt các hoạt động quân sự, bảo đảm bảo vệ dân thường, chấm dứt phong tỏa, đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo, cung cấp thuốc men, thực phẩm và nước uống. Để ngăn chặn thảm họa nhân đạo, ngăn chặn việc kéo dài vòng xoáy xung đột, thì tiêu chuẩn kép và việc tuân thủ luật pháp và nghị quyết của Liên Hợp Quốc mang tính chọn lọc sẽ chỉ gây những hậu quả nguy hiểm vượt xa cuộc khủng hoảng hiện tại”.