Tờ The Sydney Morning Herald hôm 10/2 dẫn lời các chuyên gia cho biết đề cử của Tổng thống Trump có thể sẽ dễ dàng được Thượng viện Mỹ thông qua. Đây được xem là một tín hiệu mạnh mẽ mà Washington muốn gửi tới Bắc Kinh cũng như các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một tuyên bố từ Nhà Trắng mô tả ông Harris là người có chuyên môn và kiến thức sâu rộng về các khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói rằng ông hy vọng được gặp đô đốc Mỹ tại thủ đô Canberra, trong khi thành viên Đảng Lao động Úc Penny Wong cho biết ông Harris là "một người bạn tốt của nước này".
|
Đô đốc Harry Harris (trái) và Phó Đô đốc hải quân Úc David Johnston trong một cuộc tập trận quân sự chung hồi tháng 6-2017. Ảnh: AP |
Đô đốc Harris đã phục vụ trong quân đội Mỹ gần 40 năm, là chỉ huy thứ 24 của Các Lực lượng vũ trang Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời chịu trách nhiệm giám sát 375.000 nhân viên, 200 tàu và hơn 1000 máy bay của quân đội Mỹ.
Ông cũng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Thủ tướng Turnbull và từng gặp nhà lãnh đạo Úc nhiều lần.
Đô đốc Harris từng chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông. Ông lên án Bắc Kinh đang tạo ra một "Vạn Lý Trường Thành trên biển" khi tìm cách quân sự hoá các hòn đảo ở biển Đông, gây mất lòng tin ở khu vực châu Á.
Đáp lại, các nhà phân tích quân sự Trung Quốc hồi tháng 8 năm ngoái đã liệt ông Harris là "quan chức quân sự Mỹ có khả năng đe doạ Trung Quốc nhất kể từ Thế chiến thứ hai".
|
Phó Đô đốc John Aquilino. Ảnh: AP |
Trong khi đó, Tổng thống Trump ngày 9-2 cũng đề cử Phó Đô đốc John Aquilino làm tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Ông Aquilino hiện là chỉ huy Hạm đội 5 của Mỹ - đang hoạt động ngoài khơi lãnh thổ Bahrain. Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về đề xuất nói trên trong vài ngày tới.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hiện tại là Đô đốc Scott Swift. Theo AP, hồi tháng 9 năm ngoái, ông Swift tuyên bố sẽ về hưu sau khi biết rằng mình sẽ không được dẫn dắt toàn bộ lực lượng Mỹ trong khu vực tại Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ.