Kẻ thù giả tưởng ở phương Bắc
Mục đích chính của cuộc tập trận Trident Juncture 2018 là nhằm vào lực lượng xâm lược giả tưởng với tên gọi Murinus nhằm vào Na Uy. Hoạt động quân sự này đã kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể của NATO với quy mô diễn tập lớn chưa từng có tại Bắc Âu. “Chiến trường” của cuộc tập trận diễn ra tại nhiều địa điểm trên lãnh thổ Na Uy, cũng các khu vực từ Đại Tây Dương tới Bắc Băng Dương, từ eo biển Đan Mạch tới Biển Bắc giáp biên giới Nga.
Đóng vai quân đỏ chống lại đối tượng tác chiến giả tưởng Murinus là liên quân Na Uy, Canada, Thụy Điển và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. Hỗ trợ tác chiến trên biển, trên không là các chiến hạm, máy bay quân sự đến từ nhiều quốc gia NATO. Trong lực lượng liên quân này, đáng kể nhất là hạm tàu sân bay USS Harry Truman.
|
Các cuộc tập trận của Mỹ và NATO áp sát biên giới Nga đang ngày càng tăng cả về số lượng và quy mô. |
Trong khi đó, đóng vai quân xanh hay lực lượng Murinus là lực lượng của hàng chục quốc gia NATO khác. Diễn biến giả định của cuộc tập trận Trident Juncture 2018 thử thách khả năng tấn công và phòng thủ của cả quân đỏ và quân xanh thông qua các hoạt động thực chiến. Giới chức quân sự NATO tuyên bố, mục đích của Trident Juncture 2018 là nhằm nâng cao khả năng cơ động khẩn cấp lực lượng NATO trên khắp châu Âu, cũng như khả năng tác chiến trong môi trường lạnh giá vùng cực.
“Cuộc diễn tập là cơ hội tuyệt vời để Quân đội Na Uy thử thách khả năng đối phó với cuộc tấn công quy mô lớn từ đối thủ tiềm tàng, cũng như nâng cao khả năng phối hợp quân sự với các quốc gia đồng minh”, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy tuyên bố.
Dù kết quả của Trident Juncture 2018 còn cần thời gian đánh giá và phân tích, nhưng nó cũng tiêu tốn nguồn ngân sách quốc phòng khá lớn của các quốc gia châu Âu. Chỉ tính riêng việc trung chuyển các thiết bị quân sự và binh lính tới các địa điểm diễn tập đã mất tới 159 triệu euro. Con số này chưa tính tới chi phí hậu cần, đạn dược của cuộc diễn tập.
Ai là mục tiêu chính của Trident Juncture 2018?
Dù mục đích của cuộc tập trận Trident Juncture 2018 được NATO công bố, nhưng không khó để nhận ra ai là mục tiêu chính của cuộc tập trận quy mô lớn tại Bắc Âu này là nhằm vào Nga.
Ngay khi Trident Juncture 2018 diễn ra, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố cuộc tập trận là hành động khiêu khích quân sự nhằm vào Moscow và sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền an ninh chung trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhấn mạnh, với cuộc tập trận Trident Juncture 2018, hoạt động quân sự của NATO tại các khu vực giáp biên giới Nga đã gia tăng lên mức chưa từng có trong lịch sử.
Chuyên gia quân sự Nga Konstantin Sivkov cho rằng, mục tiêu chính của Trident Juncture 2018 là nhằm vào Nga. “NATO không có đối thủ nào tại khu vực Bắc Âu. Chính vì thế, chúng ta không loại trừ hoạt động tập trận của NATO giống như một cuộc xâm lược nhằm vào Nga. Để đáp trả hành động này, Nga có thể sử dụng quyền phủ đầu hạt nhân. Liệu NATO có muốn vũ khí hạt nhân của Nga được kích hoạt?”, chuyên gia Konstantin Sivkov nói.
Không phải ngẫu nhiên NATO chọn tập trận tại Bắc Âu. Đây là khu vực gần nhiều căn cứ tàu ngầm chiến lược của Nga, đặc biệt là Hạm đội Biển Bắc. “Họ đang tìm cách đối phó với Hải quân Nga tại biển Barents và khu vực phía bắc Biển Na Uy”, chuyên gia Konstantin Sivkov nhận định.
Bản thân Mỹ và NATO cũng thừa nhận quốc gia thù địch Murinus là giả tưởng, nhưng được xây dựng dựa trên nhiều nguyên mẫu đối địch với NATO trong thực tế. Xét các yếu tố của cuộc tập trận Trident Juncture 2018, đối thủ giả lập mang nhiều nét giống với Nga.
Phát biểu trong cuộc họp báo của cuộc tập trận, tướng Na Uy Rune Jacobsen tuyên bố, các hoạt động quân sự của NATO sẽ giữ khoảng cách 1.000km tới biên giới Nga. Tuy nhiên, trong thực tế, khoảng cách từ căn cứ không quân Phần Lan tới biên giới Nga chỉ khoảng 200km.
|
Mỹ và NATO đang sử dụng cái gọi là "mối đe dọa từ Nga" để ép châu Âu phụ thuộc hơn nữa về quân sự và chính trị. |
Cái giá của sự…bảo vệ
Giáo sư Sergey Sudakov thuộc Học viện Khoa học quân sự Nga nhận định, cuộc tập trận Trident Juncture 2018 có thể là động thái quân sự của NATO đáp trả lại cuộc tập trận quy mô lớn Vostok-2018 Nga tiến hành mới đây, cũng như khẳng định sức mạnh của NATO trước khả năng Mỹ rút khỏi Hiệp ước về Tên lửa đạn đạo tầm trung (INF).
“Mỹ và NATO đang cố thể hiện bằng mọi giá rằng họ vẫn là chỗ dựa tin cậy và đảm bảo an ninh cho toàn bộ châu Âu. Tất nhiên, để có được sự bảo vệ, châu Âu sẽ phải trả tiền”, chuyên gia Sergey Sudakov nhấn mạnh.
Mỹ đang cố gắng gieo rắc trong lòng châu Âu về nguy cơ xảy ra chiến tranh với Nga để buộc các quốc gia châu Âu phải mở hầu bao để duy trì NATO. Nói cách khác, Mỹ và NATO đang sử dụng cái gọi là “mối đe dọa từ Nga” để khống chế châu Âu.
“Để tăng cường năng lực phòng thủ, các quốc gia châu Âu cần phải mua thêm vũ khí, trang bị quân sự từ Mỹ, cũng như cho phép triển khai thêm các căn cứ quân sự mới. Điều này đồng nghĩa với việc mất chủ quyền và phụ thuộc quân sự vào Mỹ và NATO”, chuyên gia Sergey Sudakov nói.
Theo chuyên gia Sergey Sudakov, bản thân các quốc gia châu Âu cũng đang hoài nghi về “mối đe dọa từ Nga” do Mỹ, NATO vẽ ra. Ủng hộ nhiệt thành cho vấn đề này chỉ có các quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Rumania và các quốc gia Baltic. Điều này có thể giải thích đơn giản là do họ đang được lợi nhiều nhất khi NATO đông tiến.