Ly kỳ hành trình truy tìm bom nhiệt hạch của Mỹ (kỳ 1)

Google News

(Kiến Thức) - Một tai nạn vô tình đã xảy ra trong Chiến tranh Lạnh khiến hai máy bay rơi tại chỗ, bảy thành viên phi hành đoàn thiệt mạng và quan trọng nhất là một quả bom H của Mỹ mất tích.

Một cuộc tìm kiếm quy mô lớn đã huy động sự tham gia của 1.400 người Mỹ và Tây Ban Nha ở khu vực máy bay rơi, ngoài ra còn có 27 tàu hải quân và năm tàu ngầm cùng tham gia quá trình tìm kiếm này, tốn kém tổng cộng 120 triệu USD để đi tìm quả bom nhiệt hạch mất tích sau vụ tai nạn hàng không tốn kém nhất trong lịch sử Không quân Mỹ.

Vào lúc 10:00 sáng ngày 17/1/1966, hai máy bay B-52G thuộc Phi đoàn Bom số 31 đặt căn cứ tại Bắc Carolina đã tiếp cận với hai máy bay tiếp liệu KC-135 ở bầu trời Tây Ban Nha để tiếp liệu, thực hiện hành trình bay chiến lược xung quanh Liên Xô của mình.
Ly ky hanh trinh truy tim bom nhiet hach cua My (ky 1)
 Nỗ lực tìm kiếm quả bom H của Hải quân Mỹ (ảnh minh hoạ). Nguồn: Patriot.

Hai máy bay ném bom mang theo tổng cộng 4 quả bom nguyên tử loại B-28 1,5 Megaton mỗi quả đang thực hiện chiến dịch Chrome Dome – chiến dịch mà ở đó Mỹ triển khai vũ khí nguyên tử ngay sát Liên Xô bằng cách cho máy bay mang theo bom hạt nhân bay sát không phận Liên Xô 24/24 trong suốt nhiều chục năm trời.

Trong quá trình tiếp nhiên liệu, sai sót của phi công B-52G đã khiến tai nạn xảy ra khi chiếc B-52 di chuyển quá nhanh và va vào máy bay tiếp liệu ở độ cao hơn 10.000 mét. Máy bay tiếp liệu KC-135 bốc cháy ngay lập tức trong khi đó chiếc B-52 bị “rụng” mất cánh trái và bắt đầu rơi. Vụ rơi đã khiến ba trên tổng số bảy thành viên phi hành đoàn trên chiếc B-52 thiệt mạng.

Số phận của các thành viên trên chiếc KC-135 còn thê thảm hơn khi toàn bộ bốn người thiệt mạng tại chỗ. Một trăm tấn nhiên liệu bốc cháy ngay trên không và rơi từ độ cao 10.000 mét xuống khu vực gần biển Địa Trung Hải.

Tổng cộng ba trong số bốn quả bom H trên chiếc B-52G cũng rơi theo chiếc máy bay.

Chưa đầy 24 tiếng sau, một đội điều tra đặc biệt của Không quân Mỹ đã có mặt tại sân bay Torrejon ở gần thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Nhóm kỹ thuật viên đặc biệt này có nhiệm vụ tìm kiếm và thu hồi ngay lập tức các quả bom H mất tích trong vụ tai nạn.
Ly ky hanh trinh truy tim bom nhiet hach cua My (ky 1)-Hinh-2
 Sức mạnh kinh hoàng của quả bom H sẽ trở thành hiểm hoạ toàn cầu nếu nó rơi vào tay những kẻ khủng bố. Ảnh: Warisboring.

Đội tìm kiếm tìm thấy ba quả bom H chỉ trong vòng một ngày với những thiết bị đặc biệt của họ. Một quả được tìm thấy trong khu vực đất mềm, còn khá nguyên vẹn. Hai quả còn lại phát nổ ngay khi chạm đất do rơi xuống nền đất cứng hơn, tạo ra các hố bom rộng hơn 30 mét. Tuy nhiên do chưa được kích hoạt nên lõi hạt nhân trong cả hai quả bom phát nổ nói trên đều còn nguyên và chưa hề tham gia vào vụ nổ.

Quả cuối cùng, được cho là rơi xuống khu vực Almeria – nơi đã từng có ngành công nghiệp khai khoáng hoạt động từ hàng trăm năm trước với địa chất bị chia cắt mạnh, có hàng trăm nghìn hố, hang, hầm từng được đào bằng tay và máy móc chằng chịt dưới lòng đất được cho là nơi quả bom thứ tư đang thất lạc.

Trong vài tuần, các lực lượng chức trách của Tây Ban Nha và Mỹ đã tìm kiếm trong khu vực này với máy do phóng xạ, tuy nhiên mọi nỗ lực đều thất bại và tung tích của quả bom thứ tư vẫn là bí ẩn. Trong khi đó, một vài nhân chứng lại cho biết họ nhìn thấy một cánh dù rơi xuống biển (bom H khi thả sẽ bung dù trên không và rơi từ từ xuống đất nhằm “câu giờ” cho chiếc máy bay thả bom kịp ra khỏi vùng ảnh hưởng).

Ngay lập tức, Hải quân Mỹ có mặt tại vùng biển ngoài khơi Tây Ban Nha và bắt đầu quá trình tìm kiếm. Năm ngày sau vụ tai nạn, hải quân Mỹ chính thức dốc toàn lực vào việc tìm kiếm quả bom H bị thất lại sau khi nỗi lực trên bờ được xem như bất khả thi.

Nhiệm vụ tìm kiếm quả bom H dưới nước cũng… bất khả thi không kém, các thợ lặn giỏi nhất của Hải quân Mỹ đã được huy động. Tuy nhiên việc tìm kiếm một quả bom to bằng một quả ngư lôi cỡ nhỏ (đường kính 22 inch và dài 2.44 mét) ở trong vùng biển rộng hàng trăm dặm vuông rõ ràng là một nhiệm không hề dễ dàng.

Ly ky hanh trinh truy tim bom nhiet hach cua My (ky 1)-Hinh-3
 Hải quân Mỹ vất vả do nỗi lầm của.... Không quân Mỹ. Ảnh: WATM.

Bản thân nỗ lực của Hải quân Mỹ cũng gây ra khá nhiều vấn đề, theo đó, trong khi vị trí khả nghi quả bom rơi được Không quân Mỹ đưa ra dựa trên lời kể của các nhân chứng thì Hải quân Mỹ lại… tự mô phỏng lại vụ tai nạn, sử dụng ba địa điểm rơi của ba quả bom đã được tìm thấy làm tham chiếu để xác định vị trí rơi của quả thứ tư.

Quá trình tìm kiếm dưới lòng biển diễn ra cực kỳ khó khăn, đầu tiên, Hải quân Mỹ cần phải vẽ dược sơ đồ đáy biển – điều mà từ trước đến nay không mấy ai hay quốc gia nào đủ khả năng, trình độ và cả sự… rảnh rỗi để làm. Tiếp theo, họ phải tính toán mọi khả năng có thể xảy ra để ước chừng vị trí rơi chuẩn xác của quả bom.

Mỗi quả bom H loại này sẽ có hai cánh dù, vấn đề là khi rơi, cả hai dù đã bật ra hay chỉ là một dù, quả bom khi tiếp nước sẽ tiếp nước với góc nghiêng hay đâm thẳng xuống và nếu nghiêng thì nghiêng bao nhiêu độ, liệu có thực sự là dù đã mở hay nhân chứng nhìn nhầm?,… Với mỗi trường hợp khác nhau, vị trí rơi của quả bom lại có thể cách nhau tới vài kilomets và dù số lượng thợ lặn hải quân có nhiều tới đâu cũng khó có thể bao quát hết toàn bộ các khu vực nghi vấn.

Trong quá trình tìm kiếm quả bom H này, Liên Xô cũng tích cực tham gia tất nhiên là một cách không chính thức. Do quả bom rơi ở hải phận quốc tế, theo luật, bất cứ ai tìm thấy quả bom trước thì sẽ thuộc quyền sở hữu của người đó. Thêm vào đó, hải phận quốc tế cũng đồng nghĩa với việc, tàu Liên Xô thoải mái neo sát tàu Mỹ, thợ lặn Liên Xô thoải mái đi theo thợ lặn Mỹ trong cuộc tìm kiếm dưới lòng đại dương và khi phát hiện ra quả bom, chắc chắn thợ lặn hai bên sẽ xông vào đánh nhau để giữ được chiến lợi phẩm quý giá này.

Tất nhiên, quả bom chưa bao giờ được tìm thấy, mọi nỗ lực tìm kiếm kéo dài cho tới năm 1968 thì kết thúc, quân đội Mỹ tuyên bố quả bom đã vĩnh viễn nằm dưới lòng đại dương, tuy nhiên phía Liên Xô không hề có thông báo chính thức nào làm nhiều người hoài nghi về việc liệu Liên Xô đã “hớt tay trên” của Mỹ.

Tới tận ngày nay, số phận của quả bom H thứ tư này vẫn chưa được tìm ra. Giống với chiếc máy bay chở khách MH-370 của hãng hàng không Malaysia, việc tìm kiếm một vật thể dưới lòng đại dương là điều cực kỳ khó khăn và nên nhớ rằng, quả bom H của Không quân Mỹ làm rơi năm 1966 hoàn toàn có thể đút vừa vào… nhà vệ sinh của chiếc MH-370. Khi mà công nghệ hiện đại ngày nay chưa thể tìm ra chiếc MH-370 thì cũng dễ hiểu tại sao, cách đây nửa thế kỷ người ta không thể tìm ra một quả bom H này.

Mời độc giả xem Video: Sức mạnh hạt nhân của Không quân Nga.

Tuấn Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)