Mỹ là quốc gia đi đầu trên thế giới về việc phát triển công nghệ tàng hình cho máy bay chiến đấu. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, những chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ, như F-117 đã tung hoành ngang dọc trên không phận của những quốc gia sử dụng hệ thống phòng không của Liên Xô cũ, mà không hề bị sứt mẻ.
|
Chiến đấu cơ F-35B hạ cánh trên tàu sân bay. Ảnh: BI. |
Đến thế kỷ 21, Mỹ lại đã một lần nữa khẳng định vị thế dẫn đầu của mình trong việc sản xuất các máy bay tàng hình với sự ra đời của chiến đấu cơ F-35. Mới đây, Thiếu tá Không quân Mỹ ông Dan Flatley, một phi công Mỹ F-35 đã nghỉ hưu trả lời phỏng vấn của tờ Bussiness Insider và khẳng định rằng "F-35 không thể bị bắn hạ bởi Nga và Trung Quốc ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại".
Dan Flatley cho biết, các hệ thống radar tần số siêu cao (hay còn gọi tắt là VHF) hiện đại nhất của Nga và Trung Quốc ngày nay có thể phát hiện được các chiến đấu cơ tàng hình F-35 nhưng không phải trong tất cả mọi trường hợp. Chỉ trong một vài trường hợp đặc biệt F-35 mới bị phát hiện bởi hệ thống radar này và ngay cả khi phát hiện được F-35 thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc những hệ thống đó có thể theo dõi, khóa mục tiêu và bắn hạ được những chiến đấu cơ này bằng các hệ thống tên lửa thông thường. Đấy là còn chưa kể đến các biện pháp phòng thủ chủ động F-35 có thể triển khai dưới sự điều khiển của phi công.
|
Chiến đấu cơ F-35. Ảnh: F35. |
Thiếu tá Không quân Mỹ cũng cho biết, bắn hạ một chiến đấu cơ không phải là công việc đơn giản, "nó là một quy trình rất phức tạp bao gồm nhiều bước và nhiều yếu tố khác nhau, việc phát hiện được phi cơ của đối phương trên màn hình radar chỉ là một yếu tố rất nhỏ trong quy trình đó và dường như là việc dễ dàng nhất vì với mắt thường người ta cũng dễ dàng phát hiện được máy bay địch trên độ cao hàng nghìn mét". Việc khó khăn nhất, đó là có thể khóa được mục tiêu, bắt được đường bay và khai hỏa tiêu diệt đối tượng. Ngay cả trong trường hợp phi công đối phương không triển khai các phương án phòng thủ chủ động thì khả năng tàng hình cực kỳ tiên tiến của F-35 cũng đủ để khiến các hệ thống phòng không hiện giờ của Nga và Trung Quốc phải "bất lực".
Ông cũng cho biết, nhiều người đã hiểu lầm ý của Không quân Mỹ khi họ nói rằng F-35 là một chiến đấu cơ tàng hình. Việc là một chiến đấu cơ tàng hình không có nghĩa là F-35 có thể tàng hình mọi lúc, trong mọi trường hợp và khi một chiến đấu cơ tàng hình bị đối phương phát hiện cũng không đồng nghĩa với việc nó sẽ bị bắn hạ. Cụ thể, khi F-35 mở khoang chứa vũ khí dưới bụng, kết cấu tàng hình hấp thụ sóng radar của nó sẽ bị phá vỡ, đối phương lúc này có thể dễ dàng phát hiện ra chiếc F-35 với khoang bụng đang mở toang để triển khai vũ khí tấn công. Tuy nhiên, ngay sau khi tấn công xong chiếc F-35 sẽ lại đóng khoang bụng này lại, kết cấu tàng hình được khôi phục và trong khoảng thời gian ngắn ngủi chiếc F-35 "lộ mình" để tấn công nó khó có thể bị tiêu diệt bởi các loại tên lửa hay không quân của đối phương. Thậm chí, ngay cả khi các tên lửa được phóng lên ngay khi F-35 lộ diện thì chỉ cần phi công lái F-35 đóng khoang bụng, triển khai lại kết cấu tàng hình và cơ động né tránh thì các tên lửa đó sẽ "mù đường", đi chệch mục tiêu hàng cây số.
|
Lớp vỏ làm bằng vật liệu hấp thụ sóng radar của F-35 sẽ khiến nó "biến mất" ngay trước mắt kẻ địch. Ảnh: Airshow. |
Trang Bussiness Insider cũng nhấn mạnh, dù Nga đã cho biết nước này có khả năng phát hiện ra các chiến đấu cơ tàng hình F-35 nhưng từ trước tới nay chưa có bất cứ một quốc gia nào trên thế giới dám "tự tin" khẳng định lực lượng phòng không, không quân của nước mình có thể bắn hạ F-35. Thiếu tá Dan Flatley cũng cho biết, F-35 không phải là một chiến đấu cơ không thể bị bắn hạ, trong trường hợp các phi công đối phương phát hiện ra F-35 bằng mắt thường và không thể khóa mục tiêu được, họ vẫn có thể áp sát, tiếp cận F-35 và bắn hạ nó bằng súng máy được trang bị trên máy bay một cách dễ dàng vì tốc độ, khả năng cơ động và không chiến cự ly gần trên không chưa bao giờ là thế mạnh của siêu tiêm kích tàng hình này.