Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và nguyên liệu Malaysia Teresa Kok cho biết, nước này sẽ cố gắng tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có là dầu cọ để đổi lấy các trang bị quân sự hiện đại. Theo đó, hình thức trao đổi này sẽ giúp Malaysia tăng cường năng lực quốc phòng, nhưng vẫn tích lũy được ngoại tệ.
“Chúng tôi rất mong muốn những thỏa thuận quân sự bằng hình thức trao đổi dầu cọ. Điều đó không chỉ giúp chúng tôi tiết kiệm ngoại tệ, mà còn tăng tỷ trọng xuất khẩu dầu cọ”, bà Teresa Kok nói. Dầu cọ hiện đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Malaysia với 5% tổng giá trị GDP, tương đương 15 tỷ USD.
|
Máy bay Su-30MKM của Không quân Malaysia. Nguồn ảnh: Wikipedia. |
Trong chuyến thăm 4 ngày tới Moscow, bắt đầu từ ngày 20-4 của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohammed Sabu, vấn đề mua sắm vũ khí quân sự từ Nga và thanh toán bằng dầu cọ đã được đặt lên bàn đàm phán. Dù thông tin chính thức chưa được công bố, nhưng khả năng những hợp đồng vũ khí mới giữa Malaysia và Nga được thanh toán bằng dầu cọ rất có thể được thông qua. Nga hiện là quốc gia nhập khẩu số lượng lớn dầu cọ từ Malaysia.
Việc Malaysia đẩy mạnh khả năng mua sắm vũ khí quân sự từ Nga thông qua thanh toán bằng dầu cọ có liên quan nhiều tới việc Liên minh châu Âu đã cấm nhập khẩu dầu cọ làm nhiên liệu sinh học với lý do môi trường. Theo tính toán của các chuyên gia châu Âu, dầu diesel sinh học từ dầu cọ gây ô nhiễm gấp 3 lần so với xăng khoáng. Các thỏa thuận xuất khẩu dầu cọ với châu Âu đình trệ đã khiến hàng loạt kế hoạch mua sắm vũ khí, trang bị quân sự mới của Malaysia bị đóng băng do thiếu kinh phí. Điều này đã khiến Kuala Lumpur phản ứng gay gắt. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố: “Nếu EU tiếp tục hành động chống lại chúng tôi, Malaysia có thể tính tới việc mua sắm máy bay quân sự từ Trung Quốc hoặc các quốc gia khác”.
Cuối tháng 3-2019, hãng thông tấn Nga RIA Novosti đăng tải, Chủ tịch Tập đoàn Chế tạo hàng không hợp nhất Nga (UAC), Yuri Slusar cho biết, Nga sẵn sàng cung cấp cho Malaysia các dòng máy bay chiến đấu hiện đại như Su-35, Su-30SM, MiG-35 và cả Su-57. Tuy nhiên, ông Yuri Slusar không nói rõ phương thức thanh toán cho các hợp đồng này sẽ được thực hiện ra sao.