Kinh ngạc: Myanmar muốn chế tạo máy bay chiến đấu JF-17

Google News

(Kiến Thức) - Nếu thương vụ máy bay JF-17 thành công, Myanmar trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á sản xuất được chiến đấu cơ phản lực.

Hãng thông tấn Jane's đưa tin, Myanmar đang trong quá trình đàm phán cấp cao với Pakistan về vấn đề mua thiết kế và bản quyền lắp ráp loại chiến đấu cơ thế hệ thứ 3 JF-17. Trước đó vào năm 2015 phía Myanmar đã đặt mua 16 máy bay JF-17 từ không quân Pakistan.
Thỏa thuận này được coi là một cột mốc rất quan trọng trong ngành công nghiệp quốc phòng Myanmar nếu nó được thông qua. Chiến đấu cơ JF-17 là sản phẩm của sự hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan, một khi thỏa thuận được ký kết, phía Myanmar sẽ trở thành đối tác hợp tác sản xuất dưới sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của cả hai quốc gia này.
Kinh ngac: Myanmar muon che tao may bay chien dau JF-17
 Chiến đấu cơ JF-17. Nguồn: TechGen.
JF-17 là chiến đấu cơ đa năng một động cơ do Pakistan và Trung Quốc hợp tác nghiên cứu, được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 2007, cho tới nay đã có khoảng 350 chiếc JF-17 các loại đang cùng hoạt động, 
Về mặt kỹ thuật, JF-17 có phi hành đoàn 1 người, dài 14,93 mét, sải cánh rộng 9,45 mét, sử dụng 1 động cơ Klimov RD-93 đối với phiên bản do Pakistan sản xuất và động cơ Quý Châu WS-13 với phiên bản của Trung Quốc sản xuất. Hai loại động cơ này có cùng thông số kỹ thuật và tính năng.
Tốc độ tối đa của tiêm kích JF-17 có thể đạt được là Mach 1,6 tương đương với khoảng gần 2000 km/h, bán kính chiến đấu 1.350 km, tầm bay 3.482 km, trần bay 17.000 mét. Máy bay được trang bị 1 súng 23mm hai nòng hoặc một pháo 30 mm một nòng, ngoài ra còn có 7 giá gắn vũ khí dưới bụng và cánh cho phép mang theo tối đa 3,6 tấn vũ khí các loại.
Tuấn Anh (theo Jane's)

>> xem thêm

Bình luận(0)