Giải mã trận pháo đài Brest vĩ đại trong CTTG 2 (1)

Google News

(Kiến Thức) - Trận pháo đài Brest được coi là một trong 4 trận chiến phòng thủ anh hùng nhất của người dân Liên Xô trong CTTG 2 dù nó chỉ kéo dài được 8 ngày.

Pháo đài Brest là một trong những mục tiêu đầu tiên trong chiến dịch Barbarossa khi quân Đức bắt đầu tràn vào lãnh thổ Liên Xô hồi giữa tháng 6 năm 1941.
Tuy nhiên, những người Liên Xô lại không hề biết rằng phía đầu chiến tuyến đang có một pháo đài cầm cự trước bước tiến thần tốc không thể cản nổi của Phát-xít Đứchỉ đến khi những binh lính Đức đã từng chiến đấu chiếm pháo đài Brest bị phía Liên Xô bắt làm tù binh và kể lại câu chuyện về một pháo đài "cứng đầu" ngay từ ngày đầu tiên diễn ra cuộc chiến thì người Liên Xô mới biết về câu chuyện anh hùng này.
Sau này, trận pháo đài Brest được xếp ngang hàng với trận chiến bảo vệ Moskva, trận Leningrad và trận Stalingrad và được coi là 1 trong những trận đánh tiêu biểu nhất trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Hồng Quân Liên Xô dù nó chỉ diễn ra trong vỏn vẹn có 9 ngày.
Giai ma tran phao dai Brest vi dai trong CTTG 2 (1)
 Hệ thống lũy của pháo đài Brest. Ảnh: Wikipedia.
Pháo đài Brest nằm ở cửa ngõ biên giới phía Tây giữa Belarus và Ba Lan, các kỹ sư Nga Hoàng đã lợi dụng địa hình tự nhiên trên một hòn đảo cách Brest - Litovsk hơn 5 km về phía tây được bao bọc bởi hai nhánh sông Mukhavets và sông Bug để xây dựng một pháo đài giáp 2 mặt sông. Quanh pháo đài là hai lớp lũy đắp đất lớp ngoài cao 6 mét, trong cao 10 mét hình thành 8 góc nhọn nhô ra ngoài theo các hướng Bắc, Đông Bắc, Đông, Đông Nam, Nam, Tây Nam, Tây và Tây Bắc. Tổng chiều dài lũy lên đến 6,4 km.
Giai ma tran phao dai Brest vi dai trong CTTG 2 (1)-Hinh-2
 Vị trí mang tính chiến lược của pháo đài Brest. Ảnh: Googlemaps.
Tuy được xây dựng rất kiên cố ở một vị trí cực đẹp, tuy nhiên với sự phát triển càng ngày càng mạnh của các loại pháo và máy bay ném bom sau này thì pháo đài này bắt đầu mất đi tính chiến lược khi nó không còn là một vị trí "khó nhằn" như trước kia nữa. Mặc dù vậy, phía Liên Xô vẫn đặt pháo đài Brest vào kế hoạch phòng thủ biên giới và coi nó như một khu phòng ngự kiên cố của Quân khu miền Tây kể từ khi thế chiến hai bắt đầu nổ ra, đáng buồn là kế hoạch nâng cấp hàng loạt các công trình phòng thủ này chưa kịp bắt đầu thì chiến tranh đã nổ ra.
Sự lựa chọn của người Đức
Với chiến thuật Blitzkrieg thần tốc của mình, Quân Đức có thể dễ dàng bỏ qua các khu vực phòng thủ mang tính "khó nhằn" này để tấn công sâu vào phía trong lãnh thổ Nga, sau đó bao vây, cắt viện trợ của Pháo đài Brest, buộc lực lượng bên trong phải đầu hàng. Tuy nhiên những sỹ quan Đức lại cho rằng việc chiếm được pháo đài ngay từ đêm đầu tiên sẽ có tác dụng khích lệ tinh thần binh lính Đức rất lớn và là một thông điệp cảnh báo về bước tiến thần tốc không thể ngăn cản nổi của lực lượng bộ binh cơ giới Đức lúc bấy giờ.
Giai ma tran phao dai Brest vi dai trong CTTG 2 (1)-Hinh-3
 Binh lính Đức trong chiến dịch đánh chiếm Ba Lan năm 1939. Ảnh: WW2history.
Ngoài ra, pháo đài còn án ngữ con đường băng qua phía Tây sông Bug và tuyến đường sắt từ Thủ đô Warsaw của Ba Lan chạy thẳng đến Moskva cũng đi qua đây nên việc chiếm được pháo đài này sẽ là bước đệm cực kỳ quan trọng trong việc hậu cần, tiếp tế khi quân đội Đức tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô.
Kế hoạch của các chỉ huy Đức là sẽ chiếm được pháo đài Brest chỉ trong vòng 12 tiếng đồng hồ kể từ khi nổ súng vượt biên giới tấn công vào lãnh thổ Liên Xô. Nhiệm vụ đánh chiếm pháo đài được giao cho Sư đoàn bộ binh 45 với quân số khoảng 17 nghìn quân. Đây cũng là sư đoàn đầu tiên tiến vào Thủ đô Warsaw của Ba Lan vào tháng 9 năm 1939. Phối hợp cùng Sư đoàn bộ binh 45 còn có các sư đoàn bộ binh 31 và sư đoàn bộ binh 34 với tổng cộng quân số vào khoảng 40 nghìn quân và một trung đoàn xe tăng thuộc tập đoàn quân xe tăng 2 tham gia hỗ trợ.
Hàng phòng thủ mong manh của Hồng Quân
Trái lại với hàng vạn quân được vũ trang tận răng và kinh nghiệm trận mạc đầy mình thì phía Hồng Quân lại có một lực lượng rất mỏng. Tính đến trước khi trận đánh nổ ra phía Liên Xô chỉ có trong tay khoảng hơn 4.000 quân ở trong pháo đài, sau khi quân Đức bắt đầu vượt biên giới thì hàng loạt binh lính và nhân dân ở phía ngoài pháo đài mới kéo vào trong tìm nơi trú ẩn và chiến đấu, nâng lực lượng của Liên Xô lên khoảng 8000 người. 
Mặc dù trên lý thuyết thì tuyến phòng thủ pháo đài Brest là nơi đóng quân của Sư đoàn bộ binh số 6 Hồng Quân Liên Xô, tuy nhiên 4 trung đoàn bộ binh bao gồm cả các đơn vị pháo, xe tăng của sư đoàn 6 lại đang tham gia một cuộc diễn tập bắn đạn thật và không kịp rút về trước khi quân Đức tấn công và bao vây pháo đài.
Ngoài 8.000 lính hỗn hợp được hình thành từ các đơn vị nhỏ lẻ và có một số lượng không nhỏ các thanh niên thường dân xung phong cầm súng chiến đấu thì trong pháo đài gần như không có bất cứ một phương tiện chiến đấu nào ngoài vũ khí cá nhân do đa phần các xe tăng, pháo cũ đã bị hỏng chưa kịp bổ sung, những khí tài hạng nặng còn sử dụng được thì đã bị Sư đoàn 6 mang đi... tập trận hết.
Bí mật đến phút chót
Ngay cả đến khi Quân Đức đã kéo đến cổng, pháo binh Đức đã xới tung pháo đài lên thì người những người lính Hồng Quân vẫn cho rằng người Đức đang tấn công... nhầm.
Liên Xô biết Đức sẽ tấn công mình, nhưng không ngờ mọi chuyện lại diễn ra nhanh đến vậy và cuộc tấn công quy mô rất lớn trên dọc toàn tuyến biên giới Liên Xô đã được phía Đức giữ bí mật đến phút cuối cùng, Hồng Quân hoàn toàn bị bất ngờ.
Trước khi tấn công vào pháo đài Brest, phía Đức còn có một lực lượng lính mật thám trà trộn vào các khu vực xung quanh pháo đài, cắt đứt đường dây liên lạc chính và chiếm lĩnh các phòng thông tin của phía Hồng Quân ngay khi có cuộc tấn công bắt đầu khiến những sỹ quan trong pháo đài không thể liên lạc ra bên ngoài để xin tiếp viện.
(còn nữa...)
Tuấn Anh (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)