Dù thách thức vẫn đổ xô tới Việt Nam
Các chuyên gia của New Delhi Times cho rằng, những năm gần đây, Việt Nam được các nhà thầu quốc phòng toàn cầu coi là một thị trường có tiềm năng lớn. Mức chi tiêu cho quốc phòng ở Việt Nam được đánh giá là đang tăng mạnh. chính phủ Việt Nam quyết tâm tham gia vào các mối quan hệ hợp tác chiến lược mới với các siêu cường. Trong khi đó, danh sách nhu cầu quốc phòng là khá dài.
|
Tổng thống Barack Obama tuyên bố chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến thăm vào tháng 5/2016. Nguồn ảnh: Slate |
Đáng chú ý, tháng 5/2016, trong chuyến thăm tới Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Obama, chính phủ Mỹ đã
dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Đây là tín hiệu vui khiến cho các công ty tập đoàn vũ khí hy vọng hơn đối với tính khả thi của thị trường này (Việt Nam).
Mặc dù ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam cũng đang được mở rộng một cách nhanh chóng, nhưng vẫn còn một số cơ hội để đáp ứng các nhiệm vụ mở rộng của Quân đội Nhân nhân Việt Nam, cùng các dịch vụ hàng không và các lĩnh vực liên quan. Điều đó có nghĩa rằng, nhu cầu nhập khẩu trang bị vũ khí và hỗ trợ kỹ thuật từ nước ngoài của Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Tuy nhiên, cũng tương tự như trong tất cả các thị trường quốc phòng mới nổi khác, các nhà cung cấp vũ khí cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức. Ví dụ như, các nhà cung cấp vũ khí phương Tây chưa am hiểu Việt Nam bằng Nga – đối tác hợp tác quân sự - kỹ thuật truyền thống của Việt Nam suốt hàng chục năm, từ thời Liên Xô.
Mặc dù vậy, các công ty, tập đoàn cung cấp vũ khí phương Tây vẫn đang tích cực tham gia và nỗ lực nhảy vào thị trường Việt Nam, đây được coi là một phần của các chiến lược nhằm tăng cường sự hiện diện của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với việc các ngành quốc phòng trong nước ước tính sẽ tiếp tục phát triển trong thập kỷ tới, Việt Nam chắc chắn vẫn sẽ là thị trường mục tiêu cho các công ty, tập đoàn sản xuất vũ khí muốn mở rộng sự hiện diện trong khu vực.
Còn chỗ nào cho vũ khí phương Tây?
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là đang tập trung toàn lực tăng cường trước hết sức mạnh cho không quân và hải quân. Cho nên đây sẽ là mục tiêu mà các nhà xuất khẩu vũ khí phương Tây nhắm tới.
Đánh giá chung, Không quân Nhân dân Việt Nam hiện có khoảng 30 máy bay cường kích Su-22M3/M4 mua từ những năm 1980, 10 tiêm kích Su-27SK/UBK và 35 tiêm kích Su-30MK2 mua trong giai đoạn 2004-2011. Trong khi số lượng lớn máy bay tiêm kích MiG-21 đã phải loại bỏ vì hết hạn sử dụng.
|
Tiêm kích Typhoon đã được Việt Nam để mắt. Nguồn ảnh: Eurofighter |
Việc phải cho nghỉ hưu MiG-21 để lại lỗ hổng lớn trong sức mạnh KQND Việt Nam. Đó là cơ hội của các nước phương Tây. Đã có nhiều thông tin cho rằng, Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm đến các loại máy bay chiến đấu đa năng như Eurofighter Typhoon, và máy bay huấn luyện FA-50 của Hàn Quốc, mặc dù kế hoạch mua thêm trang bị này dường như không diễn ra trong vài năm tới. Tuy nhiên, việc mua sắm loại máy bay chiến đấu tiên tiến hơn cũng là một khả năng, nhất là với sự hỗ trợ trong công tác đào tạo từ Su-30MK2.
Khả năng vận tải đường không của KQNDVN gần đây đã được tăng cường bằng việc mua sắm thêm 3 máy bay vận tải Airbus C-295, được bàn giao vào năm 2015. Dẫu vậy, năng lực vận tải của Việt Nam nhìn chung còn hạn chế. New Delhi Times cho rằng, Việt Nam hiện chỉ có 12 máy bay An-26 và một số máy bay An-2 còn hoạt động, có nghĩa là một số đơn hàng bổ sung mua thêm C-295, hoặc một số loại máy bay vận tải khác vẫn còn khả năng trong vào năm tới.
|
Airbus có kế hoạch đem máy bay săn ngầm C-295MPA tới Việt Nam trình diễn. Nguồn ảnh: Wikipedia |
Bên cạnh đó, lực lượng máy bay trực thăng cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự với các máy bay Mi-8/17 và UH-1H từ những năm 1970. Việt Nam cũng có thể sẽ có nhu cầu về trực thăng tấn công để thay thế dòng Mi-24A đã nghỉ hưu.
Về phần Hải quân Nhân dân Việt Nam, trong những năm gần đây đã được Đảng và Nhà nước đầu tư lớn, các vũ khí hiện đại bổ sung rất quan trọng trong việc cung cấp khả năng bảo đảm an ninh đáng tin cậy trong vùng đặc quyền kinh tế. Nổi bật nhất là việc HQND Việt Nam đã được mua và trang bị 6 tàu ngầm tấn công Kilo rất hiện đại, 4 tàu hộ vệ Gepard 3.9 cỡ 2.000 tấn, 8 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya (6 chiếc đóng trong nước).
Lực lượng Không quân Hải quân Việt Nam cũng đã được tái lập và đầu tư trang bị lớn 2 máy bay trực thăng EC-225, và 5 thủy phi cơ DHC-6 Series 400 để tuần tra hàng hải.
Trong những năm tới, HQND Việt Nam sẽ được bàn giao thêm các tàu hộ vệ Gepard-3.9, trong khi vẫn ưu tiên mua trang bị thêm các tàu tuần tra, các tàu tên lửa tấn công nhanh và các tàu chở dầu mới. Ngoài ra, HQND Việt Nam vẫn cần thêm các trang bị giúp nâng cao khả năng tuần tra hàng hải dài ngày, máy bay săn ngầm, cũng như các trang thiết bị C4ISR để cải thiện khả năng tương tác với KQND Việt Nam. Và đó là cơ hội của các nhà thầu quốc phòng phương Tây.
|
Chiến sĩ bộ binh cơ giới sử dụng súng trường tấn công Galil ACE. Nguồn ảnh: Wikipedia |
Về phần lục quân, hiện nay quân chủng này vẫn chưa được đầu tư lớn, nhưng nhu cầu đổi mới trang bị là rất lớn. Đã có dấu hiệu rõ rệt rằng lục quân sẽ được đầu tư mạnh nâng cấp trong những năm tới. Điển hình là thương vụ mua 64 xe tăng T-90S/K từ Nga. Ngoài ra, Việt Nam đã đầu tư hàng trăm triệu USD để mua dây chuyền sản xuất súng trường Galil ACE của Israel nhằm thay thế khẩu AK truyền thống.