Ngày 14/4, Bộ Quốc phòng Nga thông báo tuần dương hạm tên lửa Moskva của Hạm đội Biển Đen Hải quân Nga, đã chìm khi đang được kéo vào cảng trong điều kiện thời tiết xấu, biển có bão mạnh.
Trong khi Bộ Quốc phòng Nga nói rằng một vụ "hỏa hoạn" đã xảy ra và làm nổ kho đạn dược trên con tàu, thì trong một tuyên bố vào cuối hôm 13/4, giới chức Ukraine cho biết, một khẩu đội tên lửa đối hạm Neptune của nước này tại Odessa đã bắn trúng tuần dương hạm Moskva hai lần, châm ngòi cho ngọn lửa kích nổ kho đạn. Tuy vậy phía Ukraine lại không cung cấp được bất kỳ bằng chứng nào cho thấy họ đã tấn công chiến hạm Moskva.
|
Tàu tuần dương Moskva. Ảnh: Moscow Times |
Về phía Mỹ, các quan chức tình báo nước này chia sẻ với CNN rằng, họ không tin con tàu chở vũ khí hạt nhân vào thời điểm bị chìm. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 14/4 cho biết, Lầu Năm Góc chưa thể xác minh tuyên bố của Ukraine. "Trong vụ việc này, một vụ cháy trên tàu hay một cuộc tấn công tên lửa của Ukraine đều 'có thể xảy ra'", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói với CNN.
Đây được coi là tổn thất nghiêm trọng với lực lượng Nga bởi tàu Moska là soái hạm của hạm đội Biển Đen tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine ngay từ đầu. Theo CNN, dù nguyên nhân vụ việc là gì đi chăng nữa, việc mất chiến hạm mạnh nhất ở Biển Đen sẽ làm dấy lên nghi ngờ về khả năng chiến đấu của Nga và cụ thể là Hải quân Nga.
"Cả hai lý do được cho là gây ra vụ tàu tàu Moskva đều 'phô bày' những điểm yếu có thể có của Nga - phòng không kém hoặc quy trình an toàn và kiểm soát thiệt hại vô cùng lỏng lẻo trên soái hạm của Hạm đội Biển Đen", một số nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ chỉ ra. "Nếu vụ việc thực sự là do tên lửa Ukraine gây ra, hải quân Nga sẽ phải suy nghĩ lại về hoạt động của họ".
Trong khi đó, theo người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, nhiệm vụ chính của tàu Moskva là phòng không cho lực lượng Nga ở Biển Đen. "Vụ việc sẽ có tác động đến khả năng đó, chắc chắn là trong tương lai gần", Kirby bày tỏ quan điểm.