Ngày 30/12, Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad tuyên bố đã chuyển 30 xe bọc thép chiến đấu cho lực lượng an ninh Iraq để tuần tra đảm bảo an ninh cho Vùng xanh - nơi đặt đại sứ quán Mỹ.
"Mỹ cam kết hỗ trợ Quân đội Iraq trong việc duy trì an ninh của Baghdad và của cả Iraq, và để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đã chuyển 30 chiếc xe bọc thép chiến đấu.
Các phương tiện trên đã được cung cấp cho Bộ Chỉ huy Đặc biệt, đặt tại Căn cứ Không quân Al-Asad và quân đội Iraq sẽ sử dụng chúng trong các cuộc tuần tra của mình.
Sự đóng góp này là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Văn phòng Hợp tác An ninh Quân đội Mỹ-Iraq nhằm hỗ trợ Biệt đội Đặc nhiệm trong việc đảm bảo an ninh cho trung tâm Baghdad.
Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác và làm việc cùng nhau để đảm bảo một tương lai ổn định và an toàn cho người dân Iraq", Đại sứ quán Mỹ cho biết trong một thông báo.
Động thái này diễn ra một tuần sau khi Khu vực Xanh của Baghdad, khu vực tổ chức một số phái đoàn ngoại giao, bị tấn công bởi 5 quả tên lửa Katyusha bắn từ phía đông thủ đô.
Lực lượng Mỹ tại Iraq cho biết, Vùng Xanh đã hứng chịu cuộc tấn công đồng loạt từ hàng chục tên lửa tầm ngắn khác nhau. "Hệ thống đánh chặn C-RAM triển khai trong khu vực đã kịp kích hoạt và đánh chặn phần lớn mục tiêu.
Mặc dù vậy, một số quả tên lửa vẫn lọt qua hệ thống đánh chặn tấn công trúng mục tiêu mặt đất gây thiệt hại đáng kể", tuyên bố của quân Mỹ tại Iran cho biết.
Cùng với tuyên bố trên, một video ghi lại khoảnh khắc C-RAM phóng mưa đạn đánh chặn và những mục tiêu bị ảnh hưởng từ vụ tấn công.
Chuyên gia của tờ Southfront cho rằng, với những gì được công bố cho thấy, nhiều khả năng Vùng Xanh bị tấn công bằng tên lửa trang bị đầu đạn phá mảnh.
Bởi có gần những khu vực tên lửa đánh trúng, có hàng chục chiếc ôtô bị thủng lỗ chỗ do mảnh đạn găm trúng. Hiện không rõ có thương vong trong vụ tấn công này hay không.
Dù C-RAM đã chứng minh trong thực chiến nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc Mỹ phải dùng đến C-RAM là phương án bất đắc dĩ bởi hiện nay Lục quân Mỹ không có hệ thống phòng thủ tầm gần nào có thể đánh chặn hiệu quả cuộc tấn công từ đạn pháo, rocket.
Và khi chính những hệ thống C-RAM không mang lại an toàn cho Mỹ, lực lượng xe bọc thép chiến đấu được coi là cứu cánh giúp phát hiện và ngăn chặn những cuộc tấn công tương tự có thể tiếp tục xảy ra.