Đạn pháo dẫn đường: Lời giải cho thời chiến hạm tên lửa

Google News

(Kiến Thức) - Trong giai đoạn mà tên lửa tấn công trở thành thứ vũ khí bắt buộc trên mọi tàu chiến, thì vai trò của hải pháo ngày càng trở nên mờ nhạt.

Như một quy luật tất yếu của lịch sử phát triển vũ khí thế giới, khi các loại vũ khí tiên tiến dần thay thế các loại vũ khí lạc hậu. Tuy nhiên không phải loại vũ khí nào cũng có thể áp dụng quy luật trên nhất là với hải pháo vũ khí cơ bản trên mọi tàu chiến cỡ lớn, ngay cả khi vai trò của nó trong tác chiến chỉ là phụ trong thời đại tên lửa tấn công được "phổ cập" tới từng chiến hạm.
Và để tăng cường khả năng tác chiến của loại vũ khí này bên cạnh các dòng tên lửa tấn công, hải quân các nước dùng đến các loại đạn pháo dẫn đường chính xác như một giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện tại.
Ưu điểm đạn dẫn đường chính xác của Hải quân:
- Tổ hợp đạn dẫn đường chính xác có giá thành rẻ; 
- Khoang chứ đạn lớn nên chứa được nhiều cơ số đạn; 
- Thời gian phản ứng trước các tình huống tác chiến nhanh hơn pháo thông thường; 
- Có thể thực hiện được nhiều loại nhiệm vụ khác nhau như phòng không, tác chiến mặt nước và chi viện hỏa pháo hải quân. Thậm chí tổ hợp này còn được dùng vào một số nhiệm vụ như: rải khói, chiếu sáng, báo động…
Dan phao dan duong: Loi giai cho thoi chien ham ten lua
Đạn Vulcano. Ảnh: Desarrolloydefensa
Một số loại đạn dẫn đường chính xác của hải quân các nước:
- Đạn được dẫn đường tiêu chuẩn đa quân chủng MS-SGP
Đạn MS-SGP do hãng BAE Systems nghiên cứu, chế tạo; đạn có chiều dài 1,5m, nặng 50kg, đầu chiến đấu nặng 16,3kg; độ tản mát tính theo vòng tròn xác suất 10m; tầm bắn đối với pháo hạm nòng cỡ 127mm là 100km, đối với pháo hạm cỡ nòng 155mm là 85km; tốc độ bắn 10 phát/phút. Đạn MS-SGP có thể sử dụng với nhiều pháo hạm cỡ nòng khác nhau là 127mm và 155mm.
Ngoài dẫn đường bằng GPS, đạn MS-SGP còn được lắp một đầu tìm laze nửa chủ động ghi ảnh tùy chọn, để chỉ thị mục tiêu cho đạn khi đang bay để chống lại các mục tiêu cơ động thông qua một đường kết nối tần số vô tuyến. 
- Đạn vận tốc vượt âm HVP
 Đạn vận tốc vượt âm HVP cũng được hãng BAE Systems nghiên cứu, chế tạo. Khác với các loại đạn dẫn đường chính xác khác thường sử dụng động cơ rocket to và khối lượng nặng, đạn HVP được bao gói nhỏ gọn hơn nhiều và an toàn hơn khi tác xạ, đồng thời có thể bắn được từ nhiều cỡ pháo khác nhau. 
Đạn HVP khi bắn bằng pháo Mk-45 truyền thống tầm bắn đạt 48km khi thực hiện nhiệm vụ phòng không và 74km trong tác chiến chống mục tiêu mặt biển/mặt đất; pháo mặt đất 155mm đạt tầm bắn 31km); pháo tự động AGS 155mm đạt tầm bắn 70km); pháo điện từ 20MJ đạt tầm bắn 90km và pháo điện từ 32 MJ tầm có thể đạt tầm 180km. Tốc độ của đạn HVP khi bắn bằng pháo điện từ đạt 7Mach; vận tốc ban đầu của đạn HVP bắn bằng pháo 127mm là khoảng 3Mach nhưng vẫn cao hơn khá nhiều so với vận tốc đạn truyền thống hiện nay chỉ là 807m/s.
Đạn HVP thường được sử dụng vào các nhiệm vụ khác nhau như: Chống tàu mặt nước, phòng không, phòng thủ chống tên lửa hành trình, thậm chí phòng thủ chống tên lửa đường đạn và tấn công mặt đất. 
- Đạn Excalibur-N5
 Đạn Excalibur-N5 do hãng Raytheon nghiên cứu, chế tạo. Đây là một biến thể của đạn pháo dẫn chính xác được trang bị cho pháo tự động AGS 155 mm nổi tiếng. Đạn Excalibur-N5 được lắp 8 cánh đuôi để ổn định và 4 cánh vịt lắp ở phía trước có thể thu vào để cơ động. Excalibur-N5 có tầm bắn tối đa là 48km. Excalibur-N5 sử dụng 3 phương thức dẫn đường là dẫn đường bằng GPS; tự dẫn laze bán chủ động và tự dẫn rada sóng mm. 
Theo giới chuyên gia kỹ thuật quân sự, việc sử dụng đồng thời 3 phương thức dẫn đường cho phép Excalibur-N5 có khả năng tác chiến trong tất cả điều kiện thời tiết và tác chiến “bắn và quên” chống các mục tiêu di động với độ tản mát tính theo vòng tròn xác suất là 2m. Theo Raytheon, khả năng này sẽ đặc biệt hữu hiệu khi chống các cuộc tấn công ồ ạt bằng đạn chống hạm từ các tàu thuyền cỡ nhỏ của đối phương. 
Dan phao dan duong: Loi giai cho thoi chien ham ten lua-Hinh-2
Đạn Excalibur-N5. Ảnh: Raytheon
- Đạn pháo Vulcano
Đạn pháo Vulcano được công ty Leonardo Finmeccanica Defence Systems Division phát triển, có thể bắn trên pháo hạm cỡ nòng 155mm và 127mm. Một tổ hợp đạn pháo Vulcano gồm 4 thành phần: Tháp pháo với lá chắn bằng nhôm kiểu mới; hệ thống nạp đạn tự động; hệ thống điều khiển hỏa lực hải quân (NFCS) và đạn Vulcano. Đạn Vulcano được phát triển thành 3 phiên bản khác nhau: Đạn tăng tầm không có dẫn đường có tầm bắn 60km; Đạn tầm xa có dẫn đường hồng ngoại (GLR-IR) với tầm bắn 80km; Đạn tầm xa có dẫn đường tầm bắn 100km với phương thức dẫn đường bằng GPS, IMU và dẫn đường giai đoạn cuối laze bán chủ động.
Hệ thống đưa/nạp đạn tự động Vulcano cho phép nạp được tất cả các loại đạn được dẫn đường, tầm xa khác nhau. Thùng đạn kết cấu modun và có thể chứa được số lượng đạn khác nhau trên các giá khác nhau, tùy theo cấu trúc của tàu. Hệ thống nạp đạn tự động vận hành phối hợp với các thùng đạn chứa 14 viên (mỗi viên đạn Vulcano hoàn chỉnh nặng 40kg), cho phép lựa chọn và nạp đạn tức thời. Bên cạnh đó, do chỉ phải lắp ráp một lần duy nhất và đạn có vỏ sẵn, nên pháo bắn đạn Vulcano có thể đạt tốc độ bắn 35 phát/phút. Sau khi rời khỏi nòng, đạn Vulcano sẽ được dẫn đường bằng GPS, khi tới giai đoạn cuối, đạn sẽ rơi thẳng đứng nhằm nâng cao độ chính xác và phát huy tối đa tính sát thương. 
Dan phao dan duong: Loi giai cho thoi chien ham ten lua-Hinh-3
 Đạn ORKA. Ảnh: Wikipedia
- Đạn chính xác ORKA
Đạn chính xác ORKA có khối lượng 3,9kg, sơ tốc đầu nòng 740m/s, tầm bắn tối đa 17km, tốc độ bắn 220 phát/phút, trang bị dẫn động bởi 4 cánh vịt và 6 cánh ổn định ở phía đuôi. 
 ORKA chủ yếu dùng vào các nhiệm vụ: Tiêu diệt tàu tấn công nhanh của đối phương và phòng không hạm đội. Đặc điểm nổi bật nhất của đạn ORKA đó là đầu tìm tạo ảnh bán chủ động. Thông thường, ORKA sẽ được dẫn đường bằng chùm tia laze hoặc đầu dẫn tự động đến mục tiêu, nếu như hai phương thức trên bị đối phương gây nhiễu khiến hệ thống dẫn đường tự động mất tác dụng thì phần đầu của ORKA sẽ tự động chuyển sang phương thức đầu tìm tạo ảnh bán chủ động để bay tới mục tiêu.


Lam Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)