Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 26/4/1975 với tổng lực lượng của quân đội ta vào khoảng 250.000 quân chủ lực, 20.000 quân địa phương và du kích cùng 180.000 dân công phục vụ công tác hậu cần cho chiến dịch. Trang bị vũ khí hạng nặng của ta tổng cộng bao gồm 265 xe tăng và 127 xe thiết giáp, 241 pháo kéo cùng 88 pháo mang vác và hơn 400 pháo cao xạ.
Toàn bộ lực lượng ta được chia ra làm năm cánh quân, trong đó các cánh quân từ địa bàn Tây Nguyên là hướng tiến công chính. Chiến dịch Hồ Chí Minh có đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh. Các đồng chí Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh và Trần Văn Trà làm Phó tư lệnh, chỉ huy 5 cánh quân với sức mạnh tổng cộng 20 sư đoàn đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn.
|
Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trong chiến dịch quân sự cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam. Ảnh: TL. |
Đồng chí Lê Đức Anh, khi này là Thiếu tướng chỉ huy Đoàn 232 tiến công từ hướng Tây Nam.
Lực lượng của tướng Lê Đức Anh bao gồm các Sư đoàn 5, Sư đoàn 9 chủ lực Miền, Sư đoàn Phước Long (trước có tên là C30B); sáu trung đoàn độc lập bao gồm Trung đoàn 16, 88, 24, 271, 172 và 27B; Tiểu đoàn 26 tăng với 17 xe tăng T-54 hiện đại nhất thời điểm bấy giờ, một trung đoàn đặc công, tiểu đoàn tăng 24 với 18 xe PT-76, tiểu đoàn xe bọc thép 23 với 22 xe BTR-60 cùng 8 xe M-113 chiến lợi phẩm ta thu được của địch; 5 Đại đội pháo binh gồm 27 khẩu pháo các loại cỡ nòng từ 85mm cho tới 130mm; Trung đoàn phòng không hỗn hợp 595, một tiểu đoàn pháo phòng không 23mm và tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm. Ngoài ra, Đoàn 232 còn được tăng cường Sư đoàn 8 từ Quân khu 8, tổng quân số của Đoàn 232 nếu tính cả Sư đoàn 8 vào khoảng 42.000 quân.
Nhiệm vụ của Tướng Lê Đức Anh cùng cánh quân Tây Nam là cắt đứt đường số 4 kéo dài từ Bến Lức tới ngã ba Trung Lương, chiếm Tây An, Mỹ Tho, chia giao thông đường bộ, đường thuỷ giữa Sài Gòn và miền Tây Nam bộ, sau đó thọc sâu đánh chiếm Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ đô, cầu Nhị Thiên Đường, Tổng Nha cảnh sát, phong toả và tiêu diệt địch trong các quận 5, 6, 7, 8, 10, 11 của Sài Gòn.
Ngoài ra, Đoàn 232 còn có nhiệm vụ đánh chiếm các tỉnh lỵ Long An, Kiến Tường, đảm bảo tàn quân của Sài Gòn không thể rút về đồng bằng sông Cửu Long được.
Sài Gòn – Gia Định là một thành phố rất lớn nhưng Bộ Tư Lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã xác định năm mục tiêu quan trọng nhất bao gồm Bộ Tổng Tham mưu Quân lực VNCH, Bộ Tư Lệnh Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất và Dinh Độc Lập. Trong số năm mục tiêu này, Đoàn 232 đã nhận nhiệm vụ đánh chiếm tới hai mục tiêu.
|
Sư đoàn 5 (cánh Tây Nam) đánh chiếm cầu Bến Lức chia cắt quốc lộ 4 trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TL. |
Ngay trong đợt tấn công đầu tiên của địch, ta đã khiến đối phương bất ngờ do chúng cho rằng chúng ta sẽ chỉ tấn công chủ lực từ hướng Bắc và khu vực duyên hải. Sự xuất hiện của Đoàn 232 với sức mạnh tương đương một quân đoàn khiến mọi kế hoạch di tản của địch bị phá sản ngay lập tức. Trong nỗ lực rút lui toàn bộ bộ máy lãnh đạo của chế độ Sài Gòn về đồng bằng Sông Cửu Long để tiếp tục chiến đấu, chính quyền Sài Gòn không thể ngờ rằng ta đã tính trước phương án này và quyết định sử dụng cánh quân của Tướng Lê Đức Anh làm nhiệm vụ phong toả hoàn toàn Sài Gòn, không cho phép đối thực hiện ý đồ “rời đô về đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chiến đấu” như những gì chúng đã dự tính trước đó.
Vào đợt tấn công thứ 2 của Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày 29/4, ở hướng Tây Nam, Sư đoàn 9 đảm nhận mũi tấn công chính cùng hai tiểu đoàn xe tăng đã vất vả vượt qua đầm lầy, sông nước chằng chịt ở Long An chiếm cầu Bà Lác, ngã năm Vĩnh Lộc nhằm thẳng hướng Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ Đô – một trong năm mục tiêu chiến lược. Mục tiêu này bị ta vây chặt mặc cho không quân đối phương vẫn miệt mài oanh kích với ý đồ mở đường thoát cho đồng đội dưới mặt đất. Tới 10:30 ngày 30/4, các binh lính và sĩ quan chế độ Sài Gòn bên trong Biệt khu Thủ đô ra hàng.
|
Quân đoàn 1 dù phải hành quân cấp tốc từ miền Bắc vào chi viện, xuất quân muộn hơn các cánh quân khác một ngày nhưng lại có bước tiến nhanh thần tốc do đối phương kháng cự rất yếu. |
Trước đó Quân đoàn 1 từ hướng bắc dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Thiếu tướng Nguyễn Hoà dù ban đầu chỉ nhận nhiệm vụ tấn công đánh chiếm Bộ Tổng Tham Mưu và các bộ tư lệnh binh chủng ở Gò Vấp, Bình Thạnh nhưng do sức kháng cự của đối phương quá yếu nên đã thẳng tiến và đánh chiếm được Tổng nha Cảnh sát – mục tiêu là nhiệm vụ của cánh quân do tướng Lê Đức Anh chỉ huy. Với việc Tổng nha Cảnh sát bị Quân đoàn 1 chiếm từ 9:00 ngày 30/4/1975, cánh quân của tướng Lê Đức Anh chỉ còn một mục tiêu chiến lược duy nhất đó là đánh chiếm được Bộ Tư Lệnh Biệt khu thủ đô.
Chỉ hơn hai tiếng sau tất cả các cánh quân đổ về trung tâm Sài Gòn với mục tiêu cuối cùng là Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, đúng 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ Quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, từ nay đất nước thống nhất, non sông liền một dải.
Chiến dịch Hồ Chí Minh trong mùa xuân đại thắng 1975 đã giải phóng Sài Gòn, kết thúc tròn vẹn cuộc chiến tranh. Cứ đến ngày 30/4 mỗi năm, cả đất nước ta lại long trọng kỷ niệm ngày đất nước thống nhất. Đây là dịp để chúng ta cùng tưởng nhớ, trân trọng những nhân vật lịch sử, qua những con người cụ thể, nhân vật cụ thể, trong đó có Đại tướng Lê Đức Anh, người đã cùng viết nên bài học vẻ vang của lịch sử dân tộc.
Mời độc giả xem Video: Chiến tranh Việt Nam - cuộc chiến trực thăng quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử.