Indonesia không thành lập Bộ tư lệnh đặc nhiệm chống khủng bố hợp nhất như Malaysia. Các đơn vị đặc nhiệm của xứ sở vạn đảo chịu sự điều hành của Bộ Quốc phòng và Cảnh sát quốc gia. Họ được điều động làm nhiệm vụ khi có tình huống bất ngờ.
Trong các đơn vị đặc nhiệm của Indonesia, nổi tiếng nhất là đơn vị Kopaska, thuộc Hải quân Indonesia. Đơn vị này được xem là đệ tử đầu tiên của đặc nhiệm Navy SEAL, Hải quân Mỹ tại Đông Nam Á.
Ở Indonesia, đối phó với khủng bố thường được giao cho Cảnh sát quốc gia, khi có diễn biến phức tạp, các đơn vị của quân đội mới hỗ trợ. Nòng cốt chính trong nhiệm vụ chống khủng bố ở Indonesia là đơn vị đặc nhiệm 88, thuộc Cảnh sát quốc gia.
Lịch sử
Đơn vị 88 được thành lập vào ngày 30/6/2003, sau vụ đánh bom khủng bố đẫm máu ở Bali năm 2002. Đơn vị được hình thành sau cuộc họp với Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm đối phó với hoạt động khủng bố trên toàn cầu sau sự kiện 11/9.
|
Đặc nhiệm 88 với huy hiệu hình con cú, một loại chim săn mồi trong bóng tối nhằm ví von cho sức mạnh của đơn vị. Ảnh: Kiblat. |
Có nhiều thông tin khá thú vị về tên gọi của đơn vị. Một quan chức cảnh sát cấp cao của Indonesia đặt tên cho đơn vị là 88, vì số 8 là con số may mắn theo quan niệm của người châu Á. Tuy nhiên, Chuẩn tướng Pranowo, tư lệnh cảnh sát chống khủng bố Indonesia nói rằng, 88 được lấy từ số người Australia thiệt mạng trong vụ đánh bom ở Bali.
Đặc nhiệm 88 nhận được sự hỗ trợ đắc lực cả về tài chính và kỹ thuật từ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và Australia. Cảnh sát liên bang Australia hỗ trợ đơn vị về khoa học pháp y, phân tích AND và giám sát truyền thông.
Đào tạo
Đặc nhiệm 88 được sự hỗ trợ đào tạo của Cơ quan An ninh Ngoại giao (DSS), Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ huấn luyện của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cảnh sát liên bang Australia.
|
Các thành viên đặc nhiệm 88 trong một đợt diễn tập chống khủng bố trên tàu hỏa. Ảnh: CND. |
Hầu hết giảng viên của đơn vị là các đặc nhiệm Mỹ. Quá trình đào tạo được sự hỗ trợ của lực lượng đặc nhiệm Australia và các cơ quan tình báo khác. Thành viên của đặc nhiệm 88 được tuyển chọn kỹ lưỡng từ Cảnh sát quốc gia.
Họ phải tuân thủ quá trình huấn luyện khắc nghiệt nhằm đảm bảo kỹ năng chiến đấu trong mọi tình huống. Thể chất, ý chí, kỹ thuật cá nhân, tinh thần đồng đội là những tiêu chí hàng đầu đối với thành viên của đặc nhiệm 88.
Vũ khí
Trang bị chính của đặc nhiệm 88 là súng trường tiến công M4A1 của Mỹ, súng lục Glock 17 do Đức chế tạo. Ngoài ra, họ còn được trang bị nhiều vũ khí hiện đại khác như tiểu liên MP5, MP7, súng trường tấn công Steyr AUG của Áo, G36 của Đức.
Súng bắn tỉa SR-25, Remington 870, súng trường HK416 của Đức và nhiều trang bị hỗ trợ khác như xe thiết giáp, trực thăng, áo chống đạn, phương tiện liên lạc cá nhân.
Thành tích
So với những đội đặc nhiệm khác của Indonesia, đặc nhiệm 88 còn khá non trẻ. Tuy nhiên, họ vẫn lập được nhiều chiến công hiển hách trong cuộc chiến với các tổ chức khủng bố. Đặc nhiệm 88 đã đập tan tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah (JI), một nhóm Hồi giáo cực đoan thường xuyên hoạt động ở khu vực trung tâm Java.
Ngoài ra, đặc nhiệm 88 còn chặn đứng nhiều âm mưu khủng bố trên khắp Indonesia. Tháng 9/2009, đặc nhiệm 88 tiêu diệt Noordin Mohammad Top, một tay khủng bố khét tiếng, chuyên chế tạo bom và vật liệu nổ cho nhóm khủng bố JI người Malaysia.
Chiến công gần đây nhất là vào tháng 8/2016, đặc nhiệm 88 bắt giữ 6 nghi can khủng bố đang lên kế hoạch tấn công vào vịnh Marina, Singapore cùng với một thành viên IS đến từ Syria. Sự ra đời của đặc nhiệm 88 đã góp quan trọng trong việc ngăn chặn các âm mưu khủng bố nhắm vào xứ sở vạn đảo.