Người lính Nguyễn Văn Trí bị thương phải cắt chân, rút đốt tay, mấy chục năm sống trong cảnh nghèo khổ nhưng lại không hưởng chế độ thương tật. Trong một lần vào miền Nam thăm đồng đội cũ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phạm Văn Trà đã gặp lại người đồng đội.
|
Đại tướng Phạm Văn Trà kể chuyện giúp đồng đội làm chế độ thương binh. (Ảnh: Lương Kết) |
Trả nghĩa với ân nhân
Như trong bài "Vị Đại tướng sống chung với mảnh đạn trong đầu nửa thế kỷ" Dân Việt đã đăng tải, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi còn là Tiểu đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1 U Minh đã bị thương trong trận đánh năm 1966. Ông được một cậu bé và mẹ cậu (tên là Sáu) cứu và đưa về vùng giải phóng,
Ông kể, sau giải phóng miền Nam ông lại tiếp tục đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia rồi bận công tác nên chưa có điều kiện đi tìm để gặp lại ân nhân đã cứu sống mình. Điều đó làm ông day dứt mãi về sau này.
“Khoảng năm 1995, khi đang là Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam tôi mới tìm lại được “cậu bé” đã cứu sống mình năm xưa. Giờ cậu bé xưa đã lớn, tên là Gương, ngụ ở xã Vĩnh Quới, Ngã Năm, Sóc Trăng. Thời gian đó, gia đình Gương rất khó khăn, hai vợ chồng phải xuống vùng Năm Căn, Cà Mau để bắt con ba khía và chặt củi mưu sinh. Hàng tuần, đong được hơn chục ký gạo, vợ chồng Gương lại gửi về cho các con” – vị Đại tướng nhớ lại.
Xót xa trước hoàn cảnh của ân nhân cũ, ông Trà đã bỏ tiền túi mua 4ha ruộng cho vợ chồng Gương để họ không phải đi làm ăn xa. Sau này ông sắm thêm máy cày, bừa và giúp vợ chồng anh làm căn nhà.
“Nhờ chăm chỉ làm ăn giờ vợ chồng Gương có lẽ khá nhất vùng đó. Để tri ân mảnh đất mình đã từng chiến đấu, được người dân bao bọc, tôi đã vận động anh em mua thêm gần 10ha ruộng giúp người dân nghèo trong xóm. Mỗi lần tôi trở lại đó, được người dân ở đây coi như anh em trong nhà là điều làm tôi thấy vui và cảm động nhất”, tướng Trà kể.
Vị tướng già cho biết thêm, mỗi khi về nhà ân nhân chơi ông không quên nhắc giờ anh khá rồi mỗi năm để ra vài tấn lúa đem giúp những người nghèo khác. “Nhớ lời tôi dặn, hàng năm Gương đều giúp đỡ cho nhiều người nghèo ở xung quanh mình, giờ đây uy tín của Gương ở địa phương rất cao”, tướng Trà cho hay.
Giúp người lính cụt chân tay làm chế độ
|
Ông Nguyễn Văn Trí và chiếc xe lăn được Đại tướng Phạm Văn Trà tặng cách đây 6 năm. (Ảnh: Báo QĐND) |
Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết, năm 2006, sau khi nghỉ hưu ông dành thời gian để đi vận động xây dựng nhà tình nghĩa cho nhiệu hộ gia đình chính sách. “Tôi đi và gặp rất nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh nghèo khó. Mình và nhiều người khác được như ngày hôm nay cũng là nhờ máu xương của anh em đồng đội. Thời bình để gia cảnh anh em nghèo túng, tự nhiên thấy lương tâm mình rất cắn rứt”, tướng Trà tâm sự.
Từ ngày nghỉ hưu cho tới nay ông đã dành thời gian đi vận động để xây dựng được hơn 700 căn nhà tình nghĩa ở nhiều vùng trên cả nước. Bên cạnh đó vị tướng cả đời chinh chiến còn dành thời gian đi thăm những đồng đội chiến đấu năm xưa. Từ những chuyến đi này ông đã xác nhận để giúp giải quyết chế độ thương binh cho nhiều trường hợp bị thất lạc hoặc không đủ hồ sơ, giấy tờ.
Đại tướng Phạm Văn Trà kể, trong số những đồng đội được ông xác nhận để làm chế độ thương binh có trường hợp hoàn cảnh rất thương tâm khiến ông cứ day dứt mãi trong lòng cho tới tận giờ.
“Năm 2010, tôi về Hậu Giang, nhờ người chở xe máy ghé thăm nhà ông Tô Văn Nghĩ. Ông Nghĩ thời chiến tranh là Trung đội trưởng của đơn vị tôi. Trong lúc trò chuyện ông Nghĩ đã thốt lên: Anh có nhớ cậu Nguyễn Văn Trí thuộc đơn vị của chúng ta (Trung đội Vệ binh, Trung đoàn 1 Quân khu 9) bị thương, cụt cả chân tay từ mấy chục năm trước không? Đến giờ cậu ấy vẫn không được hưởng chế độ gì”.
Nghe đến đó, vị tướng tự nhiên thấy lòng thắt lại. Một người cụ cả chân cả tay do chiến trận mà mấy chục năm trời không được hưởng chế độ gì thì cay đắng và trớ trêu quá.
Ngay lập tức, vị tướng cùng ông Nghĩ đến tìm gặp người chiến sĩ năm xưa - ông Nguyễn Văn Trí. Qua lời kể của Trí, tướng Trà mới biết ông Trí bị thương trong một trận đánh năm 1973. Sau khi phẫu thuật cắt chân và bàn tay trái bị tháo 4 đốt, ông Trí được đơn vị cho về địa phương. Sau giải phóng miền Nam, ông Trí đi làm thủ tục để hưởng chế độ thương binh nhưng khi chính quyền yêu cầu viết đơn tường trình ông lại không biết chữ.
“Trí khi đó muốn tìm lại đơn vị cũ để giúp xác nhận nhưng Trung đoàn đang chiến đấu ở tận Campuchia. Sau này do hoàn cảnh cụt chân tay, lại nghèo khó nên cậu ấy cũng không có điều kiện đi tìm. Hàng ngày Trí cứ lết ra chợ bán vé số mưu sinh”, tướng Trà xúc động kể.
Tướng Trà kể tiếp: Tôi hỏi lúc em bị thương ai nuôi, cậu ta nói chị Hồng, còn người phẫu thuật cắt chân, rút đốt ngón tay là bác sĩ Thông. Cả hai người này khi được hỏi đều đã xác nhận đúng. Sau đó tôi hoàn tất thủ tục để gửi cơ quan chức năng làm chế độ cho Trí. Năm 2011, sau gần 30 năm, Trí mới được hưởng chế độ đáng ra đã phải được hưởng từ lâu rồi. Hiện Trí vẫn đang sống ở Kiên Lương, Kiên Giang.
Năm nay bước sang tuổi 82, nhưng Đại tướng Phạm Văn Trà - người có đến 9 lần bị thương trong chiến đấu vẫn khỏe mạnh và mẫn tiệp. Ông cười hiền rồi vỗ vai thân mật khi tôi chia tay: Mình vẫn sẽ tiếp tục hành trình vận động để xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách và đi thăm hỏi, giúp đỡ đồng đội khắp nơi. Dù sao mình vẫn còn sức khỏe, lại có điều kiện hơn anh em. Giúp được gì cho đồng đội năm xưa, dù ít dù nhiều, mình cũng luôn sẵn lòng.