Theo các chuyên gia quân sự Nga, tàu hộ vệ Karakurt Project 22800, có lượng giãn nước chỉ vào khoảng 800 tấn. Mặc dù lượng giãn nước nhỏ hơn so với các tàu hộ vệ tên lửa lớp Buyan-M, nhưng Karakurt vẫn được trang bị hỏa lực vô cùng mạnh và có khả năng vươn ra các vùng biển xa bờ để thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau.
Bên cạnh đó, do tàu Karakurt có chi phí thấp hơn các tàu hộ tống và tàu tuần dương trước đây, thời gian đóng mới một chiếc tàu Karakurt chỉ là một năm điều này đồng nghĩa với việc chỉ cần một vài năm là Hải quân Nga có thể sở hữu cả một hạm đội hùng mạnh có khả năng mang tên lửa tầm xa với khả năng hoạt động được xa bờ dài ngày.
|
Sơ đồ vũ khí trang bị trên tàu Karakurt. Ảnh: Russianmilitary |
Nhiệm vụ, khả năng
Do lượng giãn nước nhỏ, thời gian hoạt động liên tục dài ngày trên biển khiêm tốn nên các tàu hộ vệ tên lửa lớp Karakurt chủ yếu đảm nhận các nhiệm vụ như: Tuần tra khu vực ven biển; hộ tống các tàu chiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tấn công trong điều kiện tác chiến phức tạp; thực hiện các đòn tấn công chớp nhoáng vào khu vực phòng thủ chủ yếu của đối phương; tham gia hoạt động tác chiến phòng không hạm đội; rải thủy lôi.
Thông số kỹ thuật chủ yếu
Các tàu Karakurt có lượng giãn nước khoảng 800 tấn, chiều dài 65m, chiều rộng 10m, mớn nước 4m, sử dụng cặp động cơ diesel - điện của tàu cho phép nó đạt tốc độ 30 hải lý/h, tầm hoạt động 5.500km, khả năng hoạt động liên tục trên biển trong 15 ngày.
Vũ khí, trang bị
Chiến hạm lớp Karakurt được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại và có uy lực mạnh nhất hiện nay của Quân đội Nga gồm:
- Một pháo hạm đa năng AK-176: Được đặt phía trước mũi của các tàu Karakurt, đây là một loại pháo hải quân tự động gắn vào tháp kín dùng để chống lại các mục tiêu trên biển, trên bờ, trên không kể cả tên lửa chống tàu loại bay thấp.
AK-176 thường được trang bị cho các tàu chiến cỡ nhỏ và hay được trang bị kèm hệ thống radar kiểm soát hỏa lực MR-123-02/76 và một hệ thống kính ngắm quang học bên trong tháp pháo.
Pháo được trang bị sẵn sàng 152 viên đạn cỡ 76,2mm, có thể tùy chỉnh tốc độ bắn 30, 60 hoặc 120 phát/phút, sơ tốc đầu đạn là 980m/s, góc ngẩng -15° - +85°, góc quay ngang ±175°, tầm bắn hiệu quả 10km, tầm bắn xa nhất 16km.
|
Pháo phòng không tự động AK-176. Ảnh: Wikipedia |
- 2 hệ thống tên lửa hành trình Kalibr hoặc P-800 Oniks với 8 ống phóng: Phiên bản chống hạm của Kalibr được trang bị trên các tàu hộ vệ tên lửa Karakurt là SS-N-27 Sizzler (3M54 và 3M-54E) có tầm bắn 660 km, vận tốc tối đa ở giai đoạn bay cuối có thể tăng vọt từ 0,9 Mach lên tới 3 Mach để nâng cao khả năng đột phá hệ thống phòng không đối phương.
Trong khi đó, phiên bản chống hạm của Tomahawk của Hải quân Mỹ chỉ có tầm bắn 460km và không có khả năng bay với vận tốc siêu âm. Ngoài ra, Kalibr có một khả năng mà Tomahawk không có đó là đầu đạn tên lửa được trang bị radar chủ động, cho phép tên lửa có thể tấn công chính xác mục tiêu dù GPS bị gây nhiễu, thậm chí tên lửa còn có khả năng bay men theo địa hình để tránh radar.
Trong khi đó, đối với tên lửa hành trình P-800 Oniks có chiều dài 8,9m, đường kính 0,7m, đầu nổ nặng 200kg, sử dụng động cơ phản lực nhiêu liệu lỏng có tầm bắn 600km. Tên lửa hành trình P-800 Oniks có thể bay thấp so với mực nước biển chỉ là 5m với tốc độ tối đa là 2,5Mach nên có khả năng chống nhiễu tốt. P-800 Oniks có thể tiêu diệt được nhiều loại mục tiêu khác nhau như tàu chiến mặt nước, máy bay, tên lửa của đối phương.
|
Tên lửa hành trình Kalibr. Ảnh: Ationalinterest |
- 2 súng máy tự động 14,5mm;
- Một hệ thống phòng không Pantsir-M phiên bản cải tiến: Pantsir-M được phát triển dựa tổ hợp phòng không mặt đất Pantsir-S1, tuy nhiên nó lại được trang bị hai pháo tự động 6 nòng GSh-6-30K 30mm hoặc AO-18KD 30mm tương tự như trên tổ hợp phòng không trên hạm Kasthtan CIWS.
Tổ hợp Pantsir-M sử dụng các đạn tên lửa 57E6 có tầm bắn 20km, độ cao hạ mục tiêu 15km, dẫn đường bằng lệnh vô tuyến. Bên cạnh đó, do được tích hợp radar và tổ hợp trinh sát quang - điện tử ngay trên tháp pháo nên xác suất tiêu diệt mục tiêu của Pantsir-M cao hơn rất nhiều so với tổ hợp Pantsir-S1 trước đây.
|
Pháo phòng không Kashtan. Ảnh: Wikipedia |
- Hệ thống radar gồm nhiều loại khác nhau như: Radar quét mạng pha điện tử chủ động AFAR, radar Laska, radar PAL-N-4. Trong đó, radar Laska là loại radar hiện cũng đang được trang bị trên các tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 của Việt Nam.
Radar Laska có khả năng vừa sục sạo vừa bám mục tiêu từ khoảng cách lên tới 30km. Loại radar này chuyên dùng để điều khiển đối với các loại pháo hạm cỡ nòng từ 30mm - 76mm để tiêu diệt các mục tiêu là máy bay bay thấp, tên lửa hành trình, tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ của đối phương.
Các chuyên gia quân sự Nga tin rằng, thế hệ tàu tên lửa cỡ nhỏ mới của Nga sẽ giúp cho nước này vẫn có được một lực lượng hải quân hùng hậu nhưng với chi phí rẻ hơn rất nhiều.
Hiện tại, Hải quân Nga đang gấp rút hoàn thành tổng cộng 7 chiếc tàu hộ vệ lớp Karakurt và có kế hoạch sở hữu tổng cộng 20 chiếc tàu loại này trong thời gian tới.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, hai chiếc Karakurt đầu tiên sẽ được bàn giao cho Hạm đội Biển Đen và Hạm đội Caspian vào cuối năm 2017 và 2018, những chiếc còn lại sẽ được bàn giao xong trước năm 2020.