Chiến dịch 9 phút: Chiến dịch không tưởng của tình báo Liên Xô

Google News

(Kiến Thức) - Để có được nước Nga như ngày hôm nay, không thể thiếu được chiến công thầm lặng và không kém phần quan trọng của lực lượng tình báo nước này.
 

Ngày 5/11 hàng năm ở Nga được chọn là Ngày Tình Báo của nước này, trong ngày này những câu chuyện huyền thoại về tình báo lại được viết lên trên khắp các mặt báo, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng ở Nga. Có thể khẳng định một điều, tình báo Nga ngày nay và tình báo Liên Xô trước kia là hai lực lượng tình báo tài ba bậc nhất thế giới.

Chiến dịch 9 phút

Vào ngày 20 tháng 8 năm 1968, các đơn vị đặc biệt của Cơ quan Tình báo Quân đội (GRU) của Quân đội  Liên Xô đã tiến hành một chiến dịch 9 phút để chiếm giữ sân bay Ruzyne ở Prague (Tiếp Khắc).

Chiến dịch tình báo này cho phép quân đội của khối liên minh quân sự Warsaw thiết lập được cầu không vận để đổ quân vào Tiệp Khắc, chấm dứt các cuộc cải cách mùa xuân Prague - một cuộc cách mạng đòi tự do hóa chính trị ở Tiệp Khắc, kéo dài từ ngày 5 tháng 1 đến ngày 21 tháng 8 năm 1968.

Chiến dịch diễn ra đúng trong 9 phút và cái tên “Chiến dịch 9 phút” đã đi vào lịch sử ngành tình báo quân đội Liên Xô và Nga. Bằng cách cải trang với máy bay dân sự, các lực lượng GRU đã tiếp cận, đổ bộ và chiếm các vị trí quan trọng nhất trong sân bay Ruzyne chỉ trong 9 phút. Các mục tiêu bao gồm đường băng, tháp không lưu, trạm biến áp, lối ra vào và kho chứa nhiên liệu.

Cùng lúc, lực lượng đặc nhiệm của Liên Xô (được triển khai nằm vùng tại Prague từ trước) đã chiếm được toàn bộ các vị trị có vai trò chiến lược ở Prague như đài phát thanh, tháp truyền hình, các đường dây và các trạm viễn thông và thông tin liên lạc,… chỉ trong một đêm.

Chien dich 9 phut: Chien dich khong tuong cua tinh bao Lien Xo
 Tình báo Nga đã giúp quân đội nước này xuất hiện trên mọi ngõ ngách ở Prague chỉ sau đúng 1 đêm. Nguồn ảnh: Encyc.

Chiến dịch diễn ra tốt đẹp đúng theo kế hoạch và chỉ sau một đêm, người dân Prague đều sững sờ khi thấy toàn bộ Tiệp Khắc đã tràn đầy các lực lượng vũ trang tới từ Liên Xô, Ba Lan Đông Đức và Hungary. Sự xuất hiện kịp thời và đúng lúc của các lực lượng quân sự với vũ trang đầy đủ này đã giúp Tiệp Khắc tránh khỏi được một cuộc đảo chính và hơn hết, đã cho cả thế giới thấy được khả năng phản ứng của Quân đội Liên Xô nói riêng và quân đội của khối Warsaw nói chung khi chỉ sau một đêm, trên khắp đất nước Tiệp Khắc “không nơi đâu không có người Liên Xô”.

Chiến dịch lấy cắp tên lửa Mỹ ở Afghanistan

Vào ngày 5 tháng 1 năm 1987, một nhóm binh lính Liên Xô thuộc Lực Lượng Đặc Biệt Đặc Biệt 186 dưới sự chỉ huy của Tướng Yevgeny Sergeev bắt đầu "một cuộc săn thú" trên hai trực thăng vận tải Mi-8 tại Afghanistan.

Mục tiêu của họ là cố gắng thu giữ Stinger, loại tên lửa đất đối không vác vai do Mỹ sản xuất đã được sử dụng rộng rãi bởi các chiến binh Hồi giáo Mujahideen trong cuộc chiến tranh Liên Xô-Afghanistan 1979-1989. Với sự xuất hiện của loại tên lửa này, các phi công Liên Xô có thể bị bắn hạ ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Bằng chứng là chỉ trong một thời gian ngắn, 3 trực thăng Mi-24 của Quân đội Liên Xô đã bị tấn công một cách bất ngờ ở những khu vực được Liên Xô “xem là an toàn”.

Chien dich 9 phut: Chien dich khong tuong cua tinh bao Lien Xo-Hinh-2
 Tên lửa Mỹ viện trợ cho phiến quân Afghanistan. Nguồn ảnh: Linked.

Kèm theo việc thu giữ được loại vũ khí phòng không cực kỳ hiện đại và độc nhất của Mỹ này, việc Liên Xô nắm được trong tay các hệ thống tên lửa Stinger cũng chứng minh được rằng Mỹ và phương Tây là những kẻ đứng sau, hỗ trợ cho các chiến binh Hồi giáo Mujahideen đang hoạt động ở Afghanistan.

Cuộc tập kích diễn ra hết sức bất ngờ, toàn bộ 16 phần tử cực đoan đang trên đường áp tải các tổ hợp tên lửa Stinger đều bị tiêu diệt, toàn bộ số tên lửa đều được thu giữ cùng với các tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Ả Rập do Mỹ biên soạn cho các phần tử thánh chiến. Những bằng chứng không thể chối cãi này đã chứng minh được sự liên hệ giữa CIA của Mỹ và các lực lượng thánh chiến tại Afghanistan và sự thực là Mỹ không hề phủ nhận mối liên hệ này sau khi được nhìn thấy những bằng chứng hết sức thuyết phục mà Liên Xô trưng ra ở Liên Hiệp Quốc.

Các hoạt động ngày nay

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hiển nhiên là các hoạt động tình báo của Nga sẽ không còn nhiều và táo bạo như trước nữa nhưng điều đó cũng không có nghĩa là phía Nga xem nhẹ việc hoạt động tình báo ở nước ngoài cũng như ở trong nước.

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ việc một đường dây tình báo của Nga bao gồm 10 điệp viên đã bị Mỹ lật tẩy hồi năm 2010, cả 10 điệp viên trong đường dây này đều bị Mỹ bắt giữ ngay sau đó và một phi vụ trao đổi lớn nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh đã được Washington và Moscow tổ chức để đổi 10 tình báo Nga lấy 4 tình báo Mỹ bị Nga bắt giữ trước đó.

Chien dich 9 phut: Chien dich khong tuong cua tinh bao Lien Xo-Hinh-3
 Anna Chapman, nhân vật nổi tiếng nhất trong phi vụ 1 đường dây tình báo Nga ở Mỹ bị bại lộ do có kẻ phản bội. Hiện cô đang sinh sống ở Nga và dường như không còn tham gia các hoạt động tình báo mà chuyển sang làm... người mẫu ảnh. Ảnh: Washingtontimes.

Vụ trao đổi này đã chứng minh rằng các đường dây tình báo của Nga ở nước ngoài hiện vẫn hoạt động hiệu quả và chứng tỏ khả năng tổ chức của Nga là cực kỳ tốt vì dù có kẻ phản bội trong tổ chức song 10 tình báo viên và một đường dây là tất cả những gì Nga mất, tất cả các mạng lưới tình báo còn lại của Nga ở Mỹ cũng như ở châu Âu (chắc chắn là có rất nhiều đường dây như vậy) vẫn được đảm bảo an toàn, không hề có dấu hiệu bị lộ.

Ngoài ra, tình báo Nga hiện tại còn tăng cường chiêu mộ các nhân viên người bản địa hoạt động cho Nga ở nước ngoài, những nhân viên tình báo này sẽ là một mắt xích cực kỳ quan trọng trong bất cứ tình huống nào xảy ra ở nước ngoài mà các lực lượng tình báo của Nga khi được tăng cường đến đây sẽ rơi vào tình huống “lạ nước lạ cái” và không thể hoàn thành nhiệm vụ được nếu không có lực lượng nằm vùng và nhân viên bản địa hỗ trợ.

Nhật Vi

>> xem thêm

Bình luận(0)