Đoạn video được đăng tải lên mạng vào ngày 8/9, cho thấy cảnh binh sĩ Trung Quốc - Ấn Độ đối đầu bằng nắm đấm và gậy gộc trên bờ một con sông, dường như thuộc khu vực dọc theo đường Kiểm soát Thực tế (LAC).
Tuy nhiên, không rõ thời gian và địa điểm của vụ ẩu đả.
Trong video, có thể thấy một số binh sĩ Trung Quốc mang theo gậy gộc và khiên chống bạo động. Các binh sĩ Ấn Độ đeo súng nhưng không khai hỏa.
Dấu mờ trên video cho thấy đoạn phim này được quay bằng điện thoại Trung Quốc.
Nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho biết đoạn video “là thật” và được quay cách đây vài tháng. Tuy nhiên, đây dường như đây không phải sự cố ngày 15/6, mà là một vụ đụng độ khác xảy ra hồi tháng 5 bên bờ sông Galwan.
“Dựa trên những vũ khí mà các binh sĩ mang theo, có thể thấy vụ đụng độ này xảy ra trước tháng 6. Vì phải đến sau tháng 5, hai nước mới đưa đến biên giới những vũ khí hiện đại hơn”, nguồn tin giấu tên nhận định.
Chuyên gia nói trên cũng cho biết có thể đoạn video được tung ra bởi Bắc Kinh, nhằm chứng minh rằng Trung Quốc có bằng chứng về các vụ đụng độ ở khu vực tranh chấp.
Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ đã gia tăng ở khu vực dãy Himalaya sau vụ đụng độ nghiêm trọng ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Mới đây, hai nước đã lên tiếng tố nhau nổ súng ở biên giới. Bắc Kinh cáo buộc quân đội Ấn Độ xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc hôm 7/9 và “nổ súng một cách trơ trẽn” khi một đội tuần tra biên phòng của Trung Quốc đến điều tra vụ việc.
Cáo buộc của phía Trung Quốc bị New Delhi bác bỏ ngay sau đó. Ấn Độ khẳng định quân đội nước này không hề vi phạm đường kiểm soát thực tế trong khu vực tranh chấp, và cũng không sử dụng súng.
Theo New Delhi, chính đội tuần tra của Trung Quốc mới là những người xâm phạm LAC và nổ súng.