Ấn Độ chính thức sở hữu lựu pháo “lắm tài nhiều tật” M777

Google News

(Kiến Thức) - Việc Washington chấp thuận cho phép BAE Systems lắp ráp M777A2 tại Ấn Độ thông qua một công ty khác được xem là sự nhượng bộ rất lớn, điều khó có thể xảy ra đối với các hợp đồng xuất khẩu vũ khí của Mỹ từ trước tới nay.

Theo trang tin quân sự Army Recognition, Quân đội Ấn Độ đã tiếp nhận những khẩu lựu pháo M777A2 (ULH) đầu tiên từ Tập đoàn BAE Systems trong một buổi lễ được tổ chức hôm 9/11 vừa qua, đây được xem là bước đi quan trọng trong chương trình hiện đại hóa lực lượng pháo binh của Ấn Độ. Tuy nhiên phải đến năm 2019, pháo binh Ấn Độ mới chính thức biên chế loại pháo này.
Trước đó vào đầu năm nay Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã chấp nhận đưa vào trang bị M777A2 sau khi mẫu pháo này vượt qua được các bài kiểm tra cấp nhà nước cũng như kết thúc đợt thử nghiệm trong một số đơn vị pháo binh Ấn Độ. Và dựa trên hợp đồng giữa BAE Systems và New Delhi, tập đoàn vũ khí lớn nhất nhì thế giới sẽ chuyển giao cho Ấn Độ 145 đơn vị M777A2 từ nay cho đến năm 2020.
An Do chinh thuc so huu luu phao “lam tai nhieu tat” M777
Lựu pháo siêu nhẹ M777A2 của Quân đội Ấn Độ xuất hiện trong buổi lễ hôm 9/11. Nguồn ảnh: Indian Express. 
Phát biểu tại buổi lễ hôm 9/11, Phó Chủ tịch – kiêm Tổng giám đốc kinh doanh mảng vũ khí của của BAE Systems - Joe Senftle cho biết, Quân đội Ấn Độ đang tiếp nhận một trong những nền tảng pháo binh mạnh mẽ và đáng tin cậy nhất thế giới hiện nay. Ông này cũng cho biết, sức mạnh của M777A2 còn nằm ở khả năng tác chiến cơ động với thời gian triển khai nhanh và độ chính xác trong mỗi phát bắn gần như là tuyệt đối, bên cạnh đó nó còn có thể được triển khai trên nhiều loại địa hình khác nhau.
Theo thông tin được phía BAE Systems công bố, công ty này sẽ sản xuất 25 đơn vị M777A2 tại Mỹ trong khi 120 đơn vị tiếp theo sẽ được lắp ráp bởi công ty quốc phòng Mahindra Defense Systems Ltd (MDSL) tại Ấn Độ theo một thỏa thuận hợp tác quốc phòng được hai bên ký kết trước đó.
Việc Washington chấp thuận cho phép BAE Systems lắp ráp M777A2 tại Ấn Độ thông qua một công ty khác được xem là sự nhượng bộ rất lớn, điều khó có thể xảy ra đối với các hợp đồng xuất khẩu vũ khí của Mỹ từ trước tới nay, ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ mà Ấn Độ là một trong số đó. Hành động này của Washington cũng được xem là một cách để lôi kéo New Delhi xích lại gần mình hơn thông qua các hợp đồng vũ khí tỷ USD.
Trong khi đó về phía Ấn Độ, họ chỉ cần các đối tác quốc phòng của mình đồng ý tham gia chương trình “Made in India” thì mọi vấn đề khác đều có xem xét lại.
Hợp đồng mua lựu pháo M777 được chính phủ Ấn Độ và Mỹ ký kết vào năm 2016 với giá trị ước tính khoảng 700 triệu USD, sau khi được đưa vào trang bị mẫu lựu pháo siêu nhẹ này của Mỹ sẽ được Ấn Độ triển khai tới các khu vực biên giới hiểm trở tiếp giáp với Trung Quốc và Pakistan. Sở dĩ có điều này là vì M777 đã chứng minh được năng lực của mình trong suốt thời gian hoạt động tại trường Afghanistan và Iraq nhất là tại các khu vực vùng núi, mẫu pháo này cũng được quảng cáo là có thể dễ dàng vận chuyển lên các điểm cao bằng trực thăng.
Mẫu lựu pháo M777 chính thức phục vụ Quân đội Mỹ từ năm 2005 và là khẩu lựu pháo cỡ nòng 155mm nhẹ nhất thế giới. Với trọng lượng chỉ 4,2 tấn, nó được thiết kế để có thể dễ dàng vận chuyển bởi nhiều loại phương tiện khác nhau bao gồm cả bằng trực thăng vận tải. Tuy nhiên, "nhẹ" dường như là ưu điểm duy nhất của mẫu lựu pháo này, khi suốt từ lúc xuất hiện cho tới nay M777 liên tục gây ra một loạt sự cố cướp đi sinh mạng của hàng chục binh sĩ trong quá trình sử dụng nó.
Trong quá trình Ấn Độ thử nghiệm M777, mẫu pháo này cũng xảy ra sự cố khi phát nổ chỉ sau 5 loạt đạn tuy nhiên không có thương vong. Và chỉ một thời gian ngắn sau đó Ấn Độ tiếp tục quay lại thử nghiệm M777, còn nguyên nhân vụ tai nạn vẫn chưa được công bố.
An Do chinh thuc so huu luu phao “lam tai nhieu tat” M777-Hinh-2
Bên cạnh danh tiếng, M777 cũng chịu không ít tai tiếng trên chiến trường với một loạt các sự cố khiến hàng chục binh sĩ thiệt mạng. Nguồn ảnh: dvidshub.net. 
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, những tai nạn liên quan đến khẩu M777 thực chất là do loại đạn pháo dẫn đường Excalibur của khẩu pháo này. Được biết đây là loại đạn pháo thông minh, sử dụng hệ thống dẫn đường GPS để làm tăng độ chính xác khi bắn. Dù vậy BAE Systems đã nhanh chóng lên tiếng phủ nhận giả thuyết này nhưng lại không đưa ra kết quả điều tra các vụ tai nạn của M777.
Có trọng lượng chỉ 4,2 tấn, lựu pháo M777 có nòng dài 5,08 mét, sử dụng cỡ nòng 155mm và có thể bắn được nhiều loại đạn pháo khác nhau trong đó có đạn M107, M795 và M982. Tầm bắn hiệu quả của M777 vào khoảng 20 tới 30 km đối với loại đạn thông thường và lên tới 40 km khi sử dụng đạn M982 Excalibur tăng tầm có dẫn đường.
Không chỉ nhẹ, khẩu pháo này còn có khả năng triển khai cực kỳ nhanh khi chỉ tốn 2 phút 10 giây để triển khai từ trạng thái cơ động sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu và tốn khoảng 2 phút 23 giây để chuyển trạng thái từ chiến đấu sang trạng thái hành quân.

Mời độc giả xem video: Ấn Độ bắn thử nghiệm lựu pháo M777A2. (nguồn ZEE News)

Trà Khánh

>> xem thêm

Bình luận(0)