Tờ Jane’s cho biết, Lực lượng pháo binh thuộc quân đội Israel vừa mới tiết lộ về nguồn gốc, sự phát triển và việc sử dụng loại xe tăng M48 Patton có khả năng bắn tên lửa vào đầu tháng 8/2015.
Theo đó, ý tưởng về loại xe tăng này được hình thành từ sau khi cuộc chiến năm 1973 xảy ra. Khi đó các nhà hoạch định chiến lược quân sự của Israel đã nhận ra rằng, Lực lượng vũ trang Israel (IDF) cần phải tăng thêm hỏa lực để chặn lại các đơn vị xe tăng khổng lồ của Syria tràn qua cao nguyên Golan.
|
Pere được phát triển từ M48 có khả năng bắn tên lửa cực kỳ lợi hại.
|
Cuối cùng IDF đã đặt hàng Công ty Rafael Advanced Defense Systems (RADS) chuyển đổi ba tiểu đoàn
xe tăng M48 (khoảng 40 chiếc) thành loại có khả năng bắn các tên lửa Tamuz (hay còn gọi là Orange) của RADS. Đợt chuyển đổi đầu tiên được hoàn thành vào năm 1982. Mỗi xe tăng được lắp một tháp pháo mới với một ống phóng và mang theo 12 quả tên lửa, cũng như hệ thống ăng-ten dẫn đường cho các tên lửa trong quá trình phóng đi.
Các cỗ xe tăng M48 này được "thay tên đổi họ" thành Pere (Savage) có lớp giáp cực tốt cùng khả năng cơ động cao nằm trong biên chế các sư đoàn thiết giáp của IDF. Pere vẫn có kíp điều khiển gồm 4 người: một chỉ huy, hai pháo thủ và một lái xe. Khi tên lửa Tamuz được phóng về phía tọa độ mục tiêu, nó sẽ sử dụng phần camera gắn trên mũi tên lửa để nhận dạng mục tiêu để tiếp cận và sau đó dẫn đường tên lửa lao về phía mục tiêu.
Tuy nhiên hệ thống dẫn đường lúc này của Pere lại chỉ có thể điều khiển duy nhất một quả tên lửa trên không tại một thời điểm cụ thể. Nhưng khi một tiểu đoàn xe tăng cùng tác chiến nó có thể cùng bắn mưa tên lửa vào một xe tăng của địch.
Sự ngụy trang hoàn hảo
Đáng chú ý, Pere vẫn trang bị pháo chính cỡ 105 mm. Vì thế mà nó nhìn vẫn không khác gì các xe tăng. Vì thế mà tình báo Syria từng nhận định đây không phải là các cỗ máy có khả năng gây nguy hiểm tức khắc khi phát hiện chúng ở đằng sau tiền tuyến. Nhưng trong thực tế Pere lại là một nền tảng xe tăng tiên tiến có khả năng tấn công quân địch bằng các tên lửa chống tăng tầm xa.
Sự nhận định sai của tình báo Syria cũng có nghĩa rằng sự tồn tại của các cỗ máy Pere và tên lửa Tamuz vẫn còn là những bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt. Đến năm 2011, IDF mới tiết lộ sự tồn tại của tên lửa Tamuz khi một số chi tiết của tên lửa này lộ diện được gắn trên xe bọc thép Hafiz, một biến thể dựa trên khung xe bọc thép chở quân M113. Song Pere thì vẫn còn ở trong “bóng tối”.
|
Pere vẫn lắp pháo xe tăng khiến cho tình báo của đối phương hiểu nhầm đây chỉ là một cỗ xe tăng thông thường.
|
Môi trường an ninh của Israel đã thay đổi nhanh chóng kể từ sau khi Pere xuất hiện. Tới năm 2005, cục diện chiến tranh mà Israel đối diện cũng khác trước, thay thế bằng các cuộc xung đột vũ trang và chống lại kẻ thù yếu thế hơn như nhóm Hizbullah ở Lebanon và Hamas ở dải Gaza.
Nhưng đội quân Pere vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tấn công chính xác kẻ địch. IDF đã sử dụng cỗ máy này vào trong các cuộc xung đột xuyên biên giới hoặc tấn công mục tiêu địch trong cuộc xung đột có quy mô lớn.
Ngày càng hiện đại và nguy hiểm
Mặt khác Pere đã không ngừng được cải tiến để đáp ứng với yêu cầu chiến đấu hiện nay. Các cỗ máy Pere được liên kết với hệ thống điều khiển và chỉ huy Torch của IDF. Từ đó cho phép chúng có thể nhận thông tin tình báo về các mục tiêu cùng phối hợp hành động từ một loạt nguồn tin.
Không giống với xe tăng Merkava Mk4 của IDF, Pere không gắn hệ thống giáp phản ứng nổ chủ động Trophy. Lí do vì Pere không cần di chuyển vào vùng chiến sự ác liệt, nó có thể đứng từ xa mà vẫn tấn công được mục tiêu.
Hiện nay Pere có thể sử dụng cả loại tên lửa Tamuz 2 có tầm bắn xa 15 km và tên lửa Tamuz 4 có tầm bắn xa 30 km. Rafael nói với Jane’s rằng, Tamuz 4 thực chất là tương tự như biến thể Tamuz 5 ở chỗ cả hai đều là tên lửa chống tăng Spike NLOS và đã được Israel bán ra thị trường quốc tế từ năm 2009. Nhưng Tamuz 5 lại có khả năng tác chiến ngày/đêm tiên tiến và có thể sử dụng cả hệ thống dẫn đường bằng laser bán chủ động.
|
Pere có thể tiêu diệt mục tiêu cách xa 15-30 km.
|
Các tên lửa Tamuz 2 và Tamuz 4 dùng cho Pere đều sử dụng các thiết bị quang điện tử và mang theo đầu đạn xuyên giáp. Về sau này các tên lửa dùng cho Pere được trang bị đầu đạn nổ phân mảnh có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu trên mặt đất với số lượng lớn cũng như các máy bay bay chậm.
Mãi đến năm 2005, Pere đã được triển khai trong trận chiến với quân Palestine ở dải Gaza. Sau đó nó tiếp tục tham gia vào cuộc chiến trong những tháng 7 và tháng 8/2006 với nhóm Hizbullah. Trong suốt trận chiến này các đơn vị Pere đã bắn tổng cộng 527 quả tên lửa. Trong chiến dịch Cast Lead những năm 2008-2009, Pere được huy động chống lại nhóm Hamas ở dải Gaza và bắn tổng cộng 26 quả tên lửa.
Khi bùng nổ cuộc nội chiến ở Syria vào năm 2012, Pere đã được triển khai tới Cao nguyên Golan để thực hiện một loạt cuộc tấn công vào các vị trí ở Syria từ phía bên kia biên giới. Gần đây nhất trong chiến dịch Protectvie Edge (Vành Đai Bảo Vệ) kéo dài 50 ngày chống lại Hamas, Pere đã bắn 433 quả tên lửa.
Sau chiến dịch “Vành Đai Bảo Vệ”, IDF đã tự giải mật toàn bộ bí ẩn về loại phương tiện lợi hại Pere này. Tất nhiên phía IDF không tiết lộ lí do vì sao lại làm như vậy. Song theo Jane’s rất có thể đây là cách mà Israel đang muốn quảng cáo về sự tồn tại của Pere để hướng tới xuất khẩu cho các khách hàng tiềm năng. Và có thể một trong những thị trường mà Israel hướng tới gồm cả Việt Nam.
Phương án khả thi để nâng cấp tăng M48 Việt Nam
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kĩ thuật - quân sự giữa Việt Nam và Israel phát triển không ngừng. Việt Nam nhập khẩu nhiều vũ khí khí tài hiện đại như radar, súng ống, xe thiết giáp, UAV... thậm chí ta còn mua bản quyền sản xuất nhiều loại súng Israel trong nước.
Hiện nay, Việt Nam có trong kho vũ khí dự bị số lượng nhỏ xe tăng M48 Patton thu được từ quân VNCH sau 1975. Các xe tăng này đều ở trong tình trạng tốt, tuy nhiên có lẽ không phù hợp với phương thức tác chiến của QĐND Việt Nam hoặc do thiếu thốn linh kiện mà chúng hầu như chỉ nằm ở khu dự trữ.
Với việc tiết lộ "sát thủ diệt tăng Pere", Việt Nam đang có cơ hội tốt tham khảo phương án nâng cấp biến các cỗ tăng M48 Patton thành phương tiện chiến đấu mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Israel đã từ lâu làm chủ việc chế tạo xe tăng, vì thế khôi phụ khả năng tác chiến cho M48 Patton hoàn toàn nằm trong tầm tay.