Nước Nga ngày nay được coi là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong thiết kế xe tăng. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, trong những năm đầu thế kỉ 20, Nga đã bị tụt lại, và tạo nên một khoảng cách kĩ thuật rất lớn với các cường quốc hàng đầu lúc bấy giờ.
Câu chuyện về cách Liên Xô đi từ con số 0 của một quốc gia bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, đến khi bắt kịp đối thủ chỉ sau vài năm là một câu chuyện rất thú vị về chớp thời cơ và sự quyết tâm. Có lẽ ít ai ngờ rằng nguồn gốc xe tăng Liên Xô lừng danh thế giới sau này được bắt đầu từ thiết kế của phương Tây.
|
Xe tăng Sa Hoàng nặng 60 tấn. |
Quân đội Sa hoàng (Đế quốc Nga) chỉ biết về xe tăng qua những tin đồn, và nước Nga trước Cách mạng tháng Mười không nghiên cứu phát triển xe tăng, ngoại trừ một vài dự án và mô hình thực nghiệm riêng lẻ. Trong giai đoạn 1914-1915, một số mẫu thiết kế xe tăng đã được đề xuất. Các kĩ sư quân sự Alexander Porokhovshchikiv và Nikolai Lebedenko đưa ra những phương án khác nhau, song những xe này đều không có ứng dụng trong quân sự.
Thiết kế thứ nhất là một loại xe bọc thép mọi địa hình mà có hình dáng trông như một con bọ béo, trong khi thiết kế thứ hai là một loại xe ba bánh nặng 60 tấn với hai bánh xe trước khổng lồ có đường kính 9m. Được xem như là “xe tăng Sa hoàng”, chiếc xe có bánh lớn nhất trong lịch sử quân sự, nhưng cuối cùng đã bị hủy bỏ vì không đủ mạnh và dễ bị sát thương bởi hỏa lực pháo binh.
Bản thiết kế lấy từ xe tăng nước ngoài
Thất vọng vì những cố gắng thiết kế xe tăng cho riêng mình không thành công, chính phủ Sa hoàng đã đi theo hướng mua thiết bị quân sự từ nước ngoài. Người Pháp được đặt hàng 300 chiếc xe tăng Renault, nhưng việc giao hàng bị gián đoạn do Cách mạng tháng Mười bùng nổ.
Cuối cùng, những chiếc xe tăng Pháp vẫn xuất hiện ở Nga, nhưng với tư cách là chiến lợi phẩm khi Hồng quân đánh bại quân Bạch vệ trong cuộc chiến tranh chống bọn phản loạn để bảo vệ Tổ quốc. Những chiếc Renault đã được đưa đến Moskva, tháo dỡ để sử dụng cho việc thiết kế các xe tăng sản xuất hàng loạt đầu tiên của Liên Xô, được gọi là “Đồng chí chiến binh tự do Lenin”.
|
Xe tăng T-18 với pháo 37mm. |
Chỉ đến giai đoạn giữa và cuối thập niên 1920, các nhà lãnh đạo Liên Xômới hoàn toàn hiểu rằng: Những cuộc chiến tranh qui mô lớn tiếp theo ở châu Âu sẽ là chiến trường của xe thiết giáp. Năm 1924, một phòng thiết kế được thành lập thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, có thẩm quyền trong thiết kế, thử nghiệm và đưa vào biên chế các xe tăng mới của Hồng quân. Nhà nước Xô viết đã ưu tiên cho việc sản xuất loại trang bị thiết yếu này.
Đến năm 1926, chương trình sản xuất xe tăng ba năm đầu tiên của Liên Xô được tiến hành, dù rằng cách thức sử dụng những “con ngựa sắt” này trong chiến đấu vẫn chưa được thông qua.
Các xe tăng chủ yếu được thiết kế cho nhiệm vụ hỗ trợ bộ binh, và xây dựng phương thức tác chiến cho mẫu xe tăng tiếp theo hoàn thành năm 1929. Một lần nữa, những thiết kế nước ngoài lại phát huy tác dụng. Trong cuộc chiến tranh Ba Lan - Liên Xô năm 1920, kị binh Xô viết đã chiếm được một chiếc xe tăng Fiat 3000 của Ý, có thiết kế rất giống Renault. Phía Liên Xô sau đó đã phát triển thêm thiết kế này.
Chiếc xe tăng Liên Xô đầu tiên
Những chiếc xe tăng bộ binh T-18 (MS-1) là sản phẩm đầu tiên do ngành công nghiệp xe tăng Liên Xô chế tạo, đã chứng tỏ được nỗ lực phát triển của nước này. Được trang bị pháo 37mm, giáp dày 8mm và có thể di chuyển ở tốc độ 16km/h, chiếc T-18 đã nhanh chóng trở thành cốt lõi của lực lượng tăng - thiết giáp Hồng quân.
Khoảng 1.000 chiếc T-18 đã được chế tạo trong năm 1931, sau đó một kế hoạch nâng cấp được đặt ra. Nhưng chương trình hiện đại hóa rộng rãi các xe tăng T-18 lên T-20 đã cho thấy thiết kế Renault có nhiều hạn chế và đã đạt đến giới hạn về khả năng nâng cấp.
|
Xe tăng hạng nhẹ BT của Liên Xô chịu một ít ảnh hưởng thiết kế phương Tây. |
Nhưng trước khi các nhà thiết kế Liên Xô thực sự đi theo con đường riêng trong thập niên 1930, họ vẫn chịu một chút ảnh hưởng từ John Walter Christie, một kĩ sư người Mỹ đam mê xe tăng. Christie có một vài dự án thiết kế xe tăng cho chính phủ Mỹ, song không thể hiện thực hóa được. Christie đã đem hệ thống treo của mình đến Liên Xô, và hệ thống này đã được sử dụng trong các xe tăng BT và T-34 nổi tiếng của Hồng quân.