Một bức ảnh tại gian trưng bày của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở triển lãm thành tựu KT-XH tổ chức dịp 2/9 đã cho biết điều này. Trong bức ảnh chụp lại cảnh phóng tên lửa vác vai với chú thích "bắn nghiệm thu tên lửa Igla do Tổng cục CNQP sản xuất".
Điều đó cho thấy, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã sản xuất thành công tổ hợp tên lửa vác vai rất hiện đại do Nga phát triển. Đây thực sự là bước tiến vượt bậc trong việc từng bước tự chủ nguồn cung vũ khí hiện đại của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
|
Bức ảnh bắn nghiệm thu tên lửa Igla trưng bày tại triển lãm KTXH. |
Igla hay tên gọi đầy đủ là 9K38 Igla là tổ hợp tên lửa vác vai phòng không tầm thấp (NATO định danh là SA-18 Grouse) được cục thiết kế KBM phát triển từ đầu những năm 1980. Nó chính thức được chấp nhận trang bị trong lực lượng vũ trang Liên Xô từ năm 1983. Loại tên lửa này đã được xuất khẩu tới khoảng 20-30 quốc gia trên khắp thế giới và đạt hiệu quả cao trong một vài cuộc xung đột vũ trang.
Toàn bộ tổ hợp tên lửa vác vai Igla khi chiến đấu có trọng lượng khoảng 17,9kg, với phần đạn tên lửa nặng 10,8kg (lắp đầu đạn nổ phá mảnh 1,17kg) trang bị đầu dò hồng ngoại cải tiến khả năng đối phó với các biện pháp gây nhiễu của máy bay chiến đấu đối phương. Đặc biệt, đầu dò của Igla tăng khả năng đánh chặn mục tiêu ở bán cầu trước ngoài khả năng bắt bám bán cầu sau - hay chính là phần động cơ - vị trí tỏa nhiệt mạnh nhất.
Đạn tên lửa tổ hợp Igla có thể hạ mục tiêu ở cự ly đến 5,2km, độ cao 3,5-4km.
|
Bắn thử tên lửa Igla ở Macedonia. |
Bên cạnh việc sản xuất thành công tên lửa vác vai Igla, Việt Nam được cho là đã làm chủ sản xuất tên lửa 9K32 Strela-2 hay còn được biết đến với cái tên SA-7 huyền thoại.
Không những sản xuất tên lửa vác vai theo công nghệ nước ngoài, công nghiệp quốc phòng Việt Nam những năm gần đây đang nỗ lực phát triển tên lửa phòng không theo thiết kế riêng. Mà điển hình là đề tài chế tạo cấp quốc gia tên lửa phòng không tầm thấp TL-01.