Sức mạnh đáng nể máy bay săn ngầm S-3 Việt Nam muốn mua

Google News

(Kiến Thức) - Việt Nam được cho là đang quan tâm mua sắm máy bay săn ngầm S-3 Viking của Hải quân Mỹ vốn được thiết kế hoạt động trên tàu sân bay.

Theo Military - Today, những năm 1960, Hải quân Mỹ đã yêu cầu một mẫu máy bay phản lực làm nhiệm vụ chống ngầm thay thế cho máy bay cánh quạt S-2 Tracker. Tập đoàn Lockheed (nay là Lockheed Martin) cùng tập đoàn Grumman được đề xuất nghiên cứu kỹ yêu cầu của hải quân.

So với đối thủ, Lockheed tỏ ra ít kinh nghiệm hơn trong việc phát triển máy bay săn ngầm hoạt động trên tàu sân bay. Nhóm thiết kế của Lockheed đã khéo léo kết hợp các thiết kế thành công của Hải quân Mỹ là A-7 và F-8 trong thiết kế mới mang tên YS-3.

Tháng 8/1969, thiết kế của Lockheed chiến thắng và được chọn làm nhà thầu chính cung cấp máy bay tác chiến chống ngầm cho Hải quân Mỹ. Máy bay được đưa vào sản xuất loạt từ năm 1972 với tên gọi chính thức là S-3 Viking. Khoảng 186 chiếc đã được sản xuất trong giai đoạn 1947-1978.

Thiết kế hoàn hảo

Máy bay săn ngầm S-3 Viking là một máy bay phản lực hai động cơ, 4 chỗ ngồi. Máy bay có thiết kế quy ước, cánh chính xuôi về sau khoảng 15 độ. Hai động cơ phản lực GE TF-34 gắn dưới cánh cung cấp hiệu suất hoạt động xuất sắc, cũng như đảm bảo khả năng cơ động tốt trên biển ở độ cao thấp.

Máy bay có thể mang theo phi hành đoàn 4 người, trong đó có phi công chính và phi công phụ, phía sau là sĩ quan điều phối chiến thuật và người vận hành hệ thống cảm biến. S-3 được trang bị bộ cảm biến dò tìm tàu ngầm rất tinh vi.

Suc manh dang ne may bay san ngam S-3 Viet Nam muon mua
 Máy bay S-3 Viking với thiết bị phát hiện bất thường từ trường (MAD) ở đuôi dùng để dò tìm tàu ngầm đối phương. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Các hệ thống cảm biến được kết nối với nhau giúp nâng cao hiệu suất phát hiện và điều khiển vũ khí tấn công mục tiêu. Mỗi phi công được trang bị một màn hình hiển thị cho phép họ cùng nhìn thấy những gì mà cảm biến thu được. Phi hành đoàn có thể tham khảo ý kiến của nhau trước khi đưa ra quyết định.

Máy bay có một khoang vũ khí bên trong thân cùng 2 điểm treo bên dưới cánh có thể mang theo tổng tải trọng 2.200 kg vũ khí. Vũ khí mà S-3 có thể mang theo khá đa dạng gồm: Bom Mk80 nặng 227 kg, bom Mk82 nặng 454 kg, Mk83 nặng 908 kg, bom chùm CBU-100, ngư lôi Mark-50, Mark-46, mìn sâu.

Giá treo hai bên cánh có thể mang theo tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon, tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick, hoặc tên lửa SLAM-ER. Những vũ khí này cho phép S-3 chống ngầm và chống tàu mặt nước một cách hiệu quả.

Vai trò đa dạng

Viking bắt đầu được đưa vào phục vụ với vai trò máy bay tác chiến chống ngầm thuộc phi đội VS-41 có căn cứ chính tại California từ tháng 2/1974. Đến năm 1975,  S-3 được triển khai tại phi đội VS-21 triển khai hoạt động trên tàu sân bay USS John F. Kennedy (CV-67).

Từ đầu năm 1987, S-3 được nâng cấp lên tiêu chuẩn S-3B với hệ thống điện tử mới cho phép sử dụng tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon, bổ sung thùng nhiên liệu gắn ngoài cho phép tiếp nhiên liệu cho máy bay khác.

Suc manh dang ne may bay san ngam S-3 Viet Nam muon mua-Hinh-2
Phi đội ES-3A làm nhiệm vụ tình báo tín hiệu ELINT. Ảnh: Hải quân Mỹ 

Một số S-3 được chuyển đổi làm nhiệm vụ thông tin tình báo điện tử (ELINT). Hải quân Mỹ từng dự định chuyển đổi S-3 làm máy bay tiếp dầu trên không hoạt động trên tàu sân bay, nhưng kế hoạch sau đó đã bị hủy bỏ.

Sau khi Liên Xô tan rã, mối đe dọa về tàu ngầm giảm đi nhiều, vai trò tác chiến chống ngầm của Viking dần bị loại bỏ. S-3 được chuyển đổi vài trò tìm kiếm và tấn công mục tiêu mặt nước cũng như trên đất liền. Vũ khí được bổ sung thêm tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick, tên lửa hành trình không đối đất AGM-84H/K SLAM.

S-3 được sử dụng nhiều trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, máy bay thường xuyên thực hiện các phi vụ tấn công đội tàu của Iraq, tiếp nhiên liệu và nhiệm vụ ELINT. Ngoài ra, Viking còn thực hiện các đợt tấn công vào khu vực bố trí tên lửa chống tàu Silkworm (phiên bản của tên lửa P-15 Termit do Trung Quốc chế tạo).

Trong chiến tranh Iraq năm 2003, S-3 tiếp tục được sử dụng nhiều trong nhiệm vụ tấn công mặt đất. Từ nhiệm vụ chống ngầm đến tác chiến không đối đất, S-3 đều chứng tỏ là một phi cơ hiệu quả, nó cho thấy khả năng tương thích với nhiều nhiệm vụ khác nhau trên cùng một thiết kế.

Hải quân Mỹ ngưng sử dụng S-3 từ đầu năm 2009, nhưng một số máy bay vẫn được giữ lại cho vai trò hỗ trợ. Nhiệm vụ chống ngầm trên tàu sân bay được chuyển giao cho trực thăng SH-60 Seahawk và máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-8 Poseidon và P-3C Orion.

Mặc dù, Mỹ đã ngưng sử dụng Viking nhưng phi cơ này vẫn nhận được sự quan tâm của một số khách hàng, đặc biệt là Hàn Quốc vì máy bay này có hiệu suất sử dụng rất cao. Trong tháng 10/2013, Soeul đã đề nghị mua lại 18 máy bay S-3 để tăng cường năng lực tác chiến chống ngầm.

Trong khuôn khổ triển lãm FIDAE-2016, ông Clay Fearnow, Giám đốc chương trình tuần tra hàng hải của công ty Lockheed Martin cho biết, ngoài Hàn Quốc, Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm đến phi cơ chống ngầm S-3 Viking.

Quốc Minh

Bình luận(0)