Tạp chí Khán Hòa trong số xuất bản gần đây có bài viết phân tích tại sao trong những năm gần đây, Mỹ lại cung cấp nhiều loại vũ khí tối tân cho Ấn Độ - quốc gia vốn dĩ lâu này chủ yếu dùng trang bị vũ khí Nga.
Bài viết có đoạn, lần đầu tiên trong lịch sử, trang thiết bị quân sự của Mỹ đang ồ ạt tiến vào Ấn Độ. Đây là vấn đề không bao giờ có kể từ khi bắt đầu và kết thúc chiến tranh lạnh. Ấn Độ chủ yếu sử dụng trang thiết bị quân sự của Nga và có thể là Anh, Pháp, nhưng chưa bao giờ có “ấn tượng mạnh” đối với trang thiết bị quân sự Mỹ. Về truyền thống thì Mỹ là nước cung cấp trang thiết bị chủ yếu của Pakistan.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hợp tác quân sự Mỹ - Ấn Độ phát triển nhanh chưa từng thấy. Chỉ chưa đầy 5 năm, trong bối cảnh nhiều dự án không được bỏ thầu quốc tế thì chính phủ Ấn Độ lại đơn phương quyết định mua vũ khí trang bị của Mỹ, như máy bay vận tải C-17 là một ví dụ điển hình.
|
Vận tải cơ hạng nặng C-17 trong Không quân Ấn Độ.
|
Không quân Ấn Độ đã ký hợp đồng mua 14 máy bay vận tải hạng nặng C-17 từ Mỹ. Đây là loại vận tải cơ hạng nặng cấp chiến lược do Tập đoàn Boeing Mỹ sản xuất. Có thể nói, đây là vận tải cơ lớn nhất của Mỹ và phương Tây, nó chỉ đứng sau An-124 và An-225 của Nga, Ukraine.
Không dừng lại ở đó, Không quân Ấn Độ còn cho rằng cần phải mua thêm nhiều máy bay C-17 hơn nữa để thay thế máy bay vận tải hạng nặng IL-76 do Nga chế tạo. Năm 2012, Mỹ đã bàn giao cho Ấn Độ 5 máy bay vận tải C-17, năm 2013 tiếp tục bàn giao thêm 4 chiếc nữa. Dự kiến, đến năm 2014 sẽ bàn giao 5 chiếc còn lại.
Không quân Ấn Độ còn lần đầu tiên trang bị 6 máy bay vận tải hạng trung C-130J. Như vậy, lực lượng không quân vận tải chiến lược của Ấn Độ gần như trang bị hoàn toàn máy bay Mỹ.
Hải quân Ấn Độ cũng đã trở thành khách hàng đầu tiên của máy bay tuần tra chống ngầm P-8I do Mỹ sản xuất. Tổng cộng, nước này đã ký hợp đồng mua 8 chiếc P-8I, trong năm nay đã bắt đầu nhận bàn giao.
Trang thiết bị trên chủ yếu tập trung nhiệm vụ trinh sát, hậu cần. Tương lai gần, trang thiết bị chiến đấu Mỹ cũng sẽ nhanh chóng tiến vào Ấn Độ. Một trong những dự án ưu tiên chủ yếu trong 3 năm tới của Không quân Ấn Độ là nhập khẩu ít nhất 22 trực thăng chiến đấu hiện đại AH-64 Apache. Tất nhiên những máy bay này sẽ đi kèm với việc nhập khẩu một loạt các trang thiết bị như tên lửa không đối đất với kinh phí ước đạt 1,4 tỷ USD.
Ngoài ra, Mỹ còn đang tích cực chào hàng hệ thống phòng thủ chống tên lửa PAC-3, tiêm kích đa năng F-35, biến thể cải tiến mới nhất F-16F. Những trang bị này đã nhiều lần tham dự các cuộc triển lãm hàng không ở Ấn Độ.
|
Mỹ còn đánh tiếng sẵn sàng bán tiêm kích tàng hình F-35 cho Ấn Độ.
|
Có thể nhận thấy được 2 đặc điểm lớn trong hợp tác quân sự Mỹ - Ấn từ những tổng hợp trên:
- Thứ nhất, mức độ công nghệ quân sự mà Mỹ muốn bán cho Ấn Độ tương đối cao, hầu như không có giới hạn, cũng giống như mức độ công nghệ mà Mỹ bán cho các nước đồng minh khác.
- Thứ hai, mức độ trang bị quân sự mà Mỹ bán cho Ấn Độ cao hơn nhiều so với hệ thống tương tự mà Mỹ xuất khẩu sang Pakistan. Điều này được cho là chủ yếu để ngăn chặn Trung Quốc có thể có sự trao đổi quân sự với Pakistan. Không những thế, Mỹ còn có những quy định kiểm tra chặt chẽ đối với Pakistan, không cho phép người Trung Quốc tiếp cận trang thiết bị quân sự Mỹ. Trong khi Ấn Độ không có những hạn chế đó.
Vậy, việc Mỹ sẵn sàng bán trang thiết bị quân sự tối tân cho Ấn Độ nhằm mục đích gì? Theo Khán Hòa, đầu tiên là để đối phó với Trung Quốc. Mỹ tích cực tiến vào vào Ấn Độ để kiềm chế Trung Quốc, đồng thời đưa nước nước này vào mạng lưới chiến lược ngăn chặn Trung Quốc. Bán vũ khí mở ra cánh cửa cho mối quan hệ hợp tác quân sự mang tính chất đồng minh.
Mỹ bán vũ khí cho Ấn Độ còn đóng một vai trò “giam chân” chính trị, ngoại giao đối với Pakistan. Một khi Pakistan ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố không hiệu quả, thì Mỹ sẽ có những bước tiến lớn hơn, cung cấp trang thiết bị hiện đại cho Ấn Độ để kiềm chế và cân bằng Pakistan.